Vượt gió ngược, Thực phẩm Sao Ta (FMC) báo doanh số năm 2024 tăng 25%

Mặc dù hoạt động xuất khẩu tôm của toàn ngành đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2024, Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) ước tính doanh số đạt mức tăng trưởng lên tới 25%, cao hơn mặt bằng chung toàn ngành.
Xuất khẩu tôm Thực phẩm Sao Ta
Thực phẩm Sao Ta ước tính đã bán ra hơn 22.100 tấn tôm thành phẩm trong năm 2024.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước, vừa công bố một số kết quả kinh doanh năm 2024.

Cụ thể, Thực phẩm Sao Ta ước tính tổng thành phẩm tôm chế biến trong năm vừa qua tăng gần 22% so với năm 2023, đạt 25.833 tấn. Ngược lại, tổng thành phẩm nông sản chế biến giảm 34%, đạt 1.040 tấn.

Tính đến cuối tháng 12/2024, công ty đã hoàn tất thả giống vụ nghịch toàn bộ diện tích trại nuôi tôm của mình.

Về hoạt động tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 22.164 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với mặt hàng nông sản, sản lượng tiêu thụ giảm 4%, đạt 1.309 tấn.

Tính chung cả năm 2024, Thực phẩm Sao Ta ước tính ghi nhận doanh số chung đạt 250,86 triệu USD, tăng 25% so với thực hiện năm 2023 và vượt 19% kế hoạch đã đề ra.

Đây được xem là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn khi nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, bất lợi trong hoạt động nuôi tôm, cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại nhắm vào sản phẩm tôm Việt Nam, nhất là tại thị trường Mỹ.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): “Đánh bắt gần bờ” giúp xuất khẩu tôm bứt phá" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Liên quan đến vụ kiện chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam tại thị trường Mỹ, vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng với việc áp thuế chống trợ cấp ở mức 221,82% cho 01 doanh nghiệp từ chối tham gia vụ việc và mức 2,84% cho tất cả các doanh nghiệp còn lại.

Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết, lường trước các rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, công ty đã chủ động trích trước chi phí thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp trên doanh thu bán hàng sang Mỹ. Đồng thời, từ năm 2020 đến nay, công ty đã triển khai nhiều chiến lược thị trường phù hợp để giảm thiểu rủi ro, bao gồm việc chuyển hướng sang khai thác thị trường Nhật Bản.

Thị trường Nhật Bản có thể được coi là “sân nhà” - nơi Thực phẩm Sao Ta có thể phát huy thế mạnh về các sản phẩm cao cấp, chế biến sâu và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh nhờ vị trí địa lý gần và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador. Hiện Thực phẩm Sao Ta là công ty xuất khẩu tôm Việt Nam lớn nhất sang Nhật Bản.

Lan Anh