WB dự báo: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2014

Dự báo trên được đưa ra trong Lễ Công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành.

Triển vọng và những thách thức mới cho kinh tế Việt Nam

Theo WB, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014. Điều này dựa trên giả định rằng đường lối thận trọng trong kinh tế vĩ mô sẽ được thực hiện thông qua việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu (với sự quan tâm đặc biệt đến tái cơ cấu các khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, và giải phóng đầu tư khu vực kinh tế tư nhân trong nước). Các tài khoản thương mại và tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư trong năm 2014, mặc dù ở mức thấp hơn so với năm 2013. Lạm phát có thể nằm trong trong chỉ tiêu của Chính phủ là 7% vào năm 2014 với giả định tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.

Với chương trình tái cơ cấu đang được đà, dự kiến sẽ có một số tiến bộ quan trọng trong năm 2014. Những nỗ lực để thoái vốn nhà nước ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính và cổ phần hóa một số lớn các doanh nghiệp nhà nước có thể gửi một tín hiệu tích cực tới các nhà đầu tư về cam kết của Chính phủ đối với chương trình này. Cần cấp thiết giải quyết vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng, mặc dù do sự phức tạp của các vấn đề liên quan, có khả năng đây sẽ là một quá trình kéo dài hơn dự tính. Nhiều hoạt động trong số những hành động này sẽ liên quan đến chi phí, và không rõ những chi phí này sẽ được đáp ứng như thế nào.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng lưu ý một số yếu tố bất lợi với việt Nam như tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ diễn biến kinh tế tiêu cực nào; tuy xác xuất nhỏ nhưng vẫn còn rủi ro nữa là các cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng quan điểm chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân còn yếu; và đà cải cách cơ cấu có thể lại tiếp tục chậm chạp, khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và làm giảm bền vững tài khóa.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế của Việt Nam trở về tình trạng môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định trong suốt hai năm qua so với thời kỳ đầy biến động 2007-2011. Các biện pháp bình ổn được thực hiện trong năm 2011 và 2012 đã giúp Việt Nam khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giảm lạm phát, tăng cường các tài khoản đối ngoại, và ổn định thị trường ngoại hối. Chỉ số lạm phát CPI chung (Headline CPI) giảm xuống còn 6,6% trong năm 2013 so với 18,1% trong năm 2011 và 9,1% trong năm 2012. Tăng trưởng tín dụng và giá lương thực thực phẩm giảmđã giúp giảm tỷ lệ lạm phát. Chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ và Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swaps)của Việt Nam cũng đã thu hẹp, hiện đang ở xấp xỉ với mức trước khủng hoảng năm 2009. Tỷ giá tiền Đồng/Đôla Mỹ đã tương đối ổn định kể từ khi điều chỉnh chính thức 1% vào tháng Bảy năm 2013. Chênh lệch giữa thị trường tỷ giá chính thức và phi chính thức đã thu hẹp kể từ đó.

Xuất khẩu tăng mạnh, dòng vốn nước ngoài và kiều hối ổn định đã giúp Việt Nam đảo chiều được cán cân đối ngoại. Mặc dù các cân đối kinh tế vĩ mô được cải thiện và các tài khoản đối ngoại được củng cố, tỷ lệ tăng trưởng GDP vừa phục hồi bền vững vẫn còn bị ngăn trở do sự chậm chạp trong cải cách cơ cấu và do mức độ không chắc chắn của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ lạm phát giảm đã tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) nới lỏng quy định lãi suất nhằm kích cầu khu vực tư nhân.

Các nền kinh tế Ðông Á có mức độ tăng trưởng ổn định vào năm 2014

Theo đánh giá, các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm nay, nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế thu nhập cao và phản ứng khiêm tốn của thị trường với quyết định thu lại gói nới lỏng định lượng của Fed. Bản báo cáo nhận định các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ có mức tăng trưởng 7,1% trong năm nay, không thay đổi so với năm 2013. Kết quả là khu vực Đông Á sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, cho dù tăng trưởng đã giảm so với tốc độ tăng trưởng trung bình 8% của giai đoạn 2009-2013. Với Trung Quốc, mức tăng trưởng sẽ giảm một chút xuống 7,6% so với con số 7,7% năm 2013. Nếu không tính đến Trung Quốc, các nước đang phát triển trong khu vực sẽ tăng trưởng khoảng 5%, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 5,2% của năm ngoái.

Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: “Đông Á Thái Bình Dương đã và đang đóng vai trò đầu tầu tăng trưởng của thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Sự tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn trong năm nay cũng sẽ giúp cho khu vực có mức độ tăng trưởng ổn định hơn đáp ứng với những điều kiện tài chính chặt chẽ hơn của toàn thế giới.”

Ông Bert Hofman, chuyên gia kinh tế trưởng của Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới :“Sự phục hồi chậm hơn của các nền kinh tế phát triển hơn, gia tăng lãi suất toàn cầu, gia tăng bất ổn của giá cả hàng hóa do những căng thẳng địa-chính trị ở Đông Âu vẫn còn là lời nhắc nhở rằng Đông Á sẽ vẫn dễ bị tổn thương do những vấn đề phát triển bất lợi trên thế giới”.


Những nền kinh tế lớn hơn trong khu vực như In-đô-nê-xia và Thái lan sẽ phải đối mặt với những điều kiện tài chính chặt chẽ toàn cầu và mức nợ cao của các hộ gia đình. Tăng trưởng kinh tế của Ma-lai-xia khá khiêm tốn ở mức 4,9% trong năm 2014. Xuất khẩu của nước này sẽ gia tăng, nhưng chi phí nợ cao hơn và chương trình thắt chặt tài khóa đang diễn ra sẽ gây ảnh hưởng tới nhu cầu trong nước. Phi-líp-pin, tăng trưởng có thể chậm ở mức 6,6% nhưng do thúc đẩy chi tiêu trong quá trình tái thiết có thể bù đắp cho sự sụt giảm trong tiêu dùng do tác động của các thảm họa tự nhiên xảy ra năm 2013.

Những nền kinh tế nhỏ hơn được hy vọng là sẽ tăng trưởng ổn định, nhưng có thể đối mặt với những rủi ro tăng trưởng quá nóng đòi hỏi cần có các biện pháp thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Tại Cam-pu-chia, đà cải cách sau bầu cử được hy vọng là sẽ giúp quốc gia này tăng trưởng ổn định ở mức 7,2% trong năm nay, nhưng sự bất ổn của thị trường lao động có thể mang lại những rủi ro tiêu cực. Những tiến bộ đạt được trong cải cách cơ cấu ở My-an-ma sẽ giúp nước này tăng trưởng 7,8%. Do những tiến bộ đạt được khá khiêm tốn trong cải cách ngành ngân hàng và các ngành khác nên kinh tế Việt Nam sẽ chỉ hy vọng tăng trưởng khá khiêm tốn ở mức 5,5% trong năm nay. Hầu hết các nước thuộc vùng Thái Bình Dương và Timo Leste vẫn còn phải phụ thuộc vào các nguồn tài trợ và kiều hối từ các nước phát triển.

Tín hiệu lạc quan là, như phản ứng với quyết định giảm gói nới lỏng định lượng năm ngoái đã cho thấy, linh hoạt tiền tệ sẽ giúp Đông Á đương đầu với những cú sốc đến từ bên ngoài khu vực, bao gồm cả khả năng đảo chiều của luồng vốn. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia đã có được nguồn dự trữ thích hợp để bù đắp cho những cú sốc tạm thời đến từ bên ngoài và về mặt thương mại. Cải cách cơ cấu là chìa khóa giảm tính dễ bị tổn thương và củng cố tăng trưởng dài hạn bền vững.


Lệ Nhung