WB hỗ trợ khẩn cấp 12 tỷ USD giúp các quốc gia ứng phó với Covid-19

WB vừa công bố hỗ trợ khẩn cấp 12 tỷ USD giúp các quốc gia ứng phó với Covid-19. Theo WB, gói hỗ trợ Covid-19 tổng hợp từ nhiều nguồn lực khác nhau như: IDA, IBRD và IFC.

Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố gói hỗ trợ khẩn cấp lên tới 12 tỷ USD nhằm hỗ trợ các quốc gia đối phó với các tác động về y tế và kinh tế của dịch bệnh toàn cầu Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh này đã lan tới hơn 60 quốc gia.

Gói hỗ trợ này giúp các quốc gia thành viên triển khai các biện pháp hiệu quả để đối phó và giảm nhẹ tác động của dịch bệnh Covid-19.

Thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp với thủ tục rút gọn này, Nhóm Ngân hàng Thế giới mong muốn hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hệ thống y tế, bao gồm nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế để bảo vệ người dân trước dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng, phối hợp với khu vực tư nhân giảm bớt tác động đến nền kinh tế.

Gói tài chính với nguồn lực tổng hợp từ IDA, IBRD và IFC sẽ được triển khai trên phạm vi toàn cầu nhằm hỗ trợ các chương trình thích ứng phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia.

Gói hỗ trợ Covid-19 sẽ cung cấp nguồn lực ban đầu lên tới 12 tỷ USD, trong đó có 8 tỷ USD mới được bổ sung và thực hiện theo cơ chế thủ tục rút gọn.

Gói này bao gồm 2,7 tỷ USD nguồn tài chính mới từ IBRD, 1,3 tỷ USD tài trợ mới từ IDA và 2 tỷ USD tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện có, cộng thêm 6 tỷ USD từ IFC, trong đó bao gồm 2 tỷ USD tái cơ cấu từ các chương trình hỗ trợ thương mại hiện có. Gói hỗ trợ sẽ bao gồm các chương trình tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật dựa trên kiến ​​thức toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm tầm quốc gia.

“Chúng tôi đang nỗ lực đưa ra một chương trình hỗ trợ linh hoạt, nhanh gọn, dựa trên nhu cầu của các nước đang phát triển trong việc đối phó với sự lây lan của Covid-19. Chương trình này sẽ hỗ trợ tài chính khẩn cấp, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật dựa trên các công cụ tài chính và thế mạnh hiện có của Nhóm Ngân hàng Thế giới", ông David Malpass, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới nói.

Chương trình có nhiều biện pháp can thiệp nhằm cải thiện dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi và báo cáo tình hình bệnh dịch, nâng cao năng lực nhân viên y tế tuyến đầu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nhằm củng cố niềm tin của công chúng, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, WB cũng tư vấn chính sách và kỹ thuật nhằm giúp các quốc gia  tiếp cận kinh nghiệm toàn cầu.

Còn IFC sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại mở rộng hoạt động tài chính thương mại và dòng vốn lưu động. IFC cũng sẽ trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trọng yếu như thiết bị y tế và dược phẩm, nhằm duy trì chuỗi cung ứng và hạn chế rủi ro xấu. Những giải pháp này sẽ dựa trên bài học rút ra từ các dịch bệnh trước đây với mục tiêu giảm thiểu tác động kinh tế xã hội tiêu cực của Covid-19 trên toàn cầu.

Mỗi quốc gia, tùy theo mức độ rủi ro và nguy cơ trước dịch bệnh Covid-19, sẽ cần mức độ hỗ trợ khác nhau. Ưu tiên của Nhóm Ngân hàng Thế giới là các quốc gia nghèo nhất và những quốc gia rủi ro cao nhưng năng lực đối phó còn thấp.

Covid-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng và các tác động của nó vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Do đó Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục điều chỉnh phương thức tiếp cận và nguồn lực của mình nếu cần thiết.

Nhóm Ngân hàng Thế giới đã và đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các quốc gia nhằm điều phối các biện pháp đối phó trên phạm vi toàn cầu.

 

Thu Thủy