Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 8/1, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2020, tăng nhẹ so với mức thấp trong giai đoạn hậu khủng hoảng là 2,4% của năm 2019, nhưng những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh này.
Theo nhà kinh tế đứng đầu bộ phận dự báo của WB, Ayhan Kose, sự phục hồi của tăng trưởng theo dự báo trên sẽ chấm dứt tình trạng giảm tốc bắt đầu từ năm 2018, với những tác động lớn đến hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong năm ngoái.
WB nhận định, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu có thể mạnh hơn nếu những hành động chính sách gần đây, đặc biệt là những biện pháp đã làm giảm bớt căng thẳng thương mại, hạn chế sự không chắc chắn về chính sách.
Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi được cho là sẽ bứt lên mức 4,1% trong năm 2020, so với mức 3,5% trong năm 2019, trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ chậm lại, từ 1,6% xuống 1,4%, một phần do lĩnh vực chế tạo tiếp tục yếu đi.
Tuy nhiên, những rủi ro suy giảm vẫn hiện hữu, trong đó có nguy cơ căng thẳng thương mại lại leo thang, sự giảm tốc mạnh của các nền kinh tế lớn và những biến động tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Nếu quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại căng thẳng sau khi hạ nhiệt gần đây nhờ thỏa thuận giai đoạn một thì điều này có thể kéo lùi sự tiến triển còn khiêm tốn và có thể nhanh chóng gây ra những ảnh hưởng vượt ra ngoài hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Bên cạnh đó, mức nợ cao kỷ lục và tình hình tài chính công yếu khiến nhiều nước dễ bị tổn thương trước những cú sốc hay việc lãi suất bất ngờ tăng.
Các quan chức của WB cho biết chưa thể ước tính tác động từ xung đột giữa Mỹ và Iran đến tăng trưởng, nhưng cho rằng diễn biến mới này sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn, điều sẽ làm tổn hại đến triển vọng đầu tư.
WB dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống 1,8% trong năm nay, so với mức 2,3% trong năm ngoái, do tác động bất lợi từ việc tăng thuế và sự không chắc chắn về chính sách gia tăng.
Tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc được cho là giảm xuống 5,9% trong năm 2020, lần đầu tiên ở mức dưới 6% kể từ năm 1990, giảm so với mức 6,1% trong năm 2019, trong bối cảnh tăng trưởng năng suất lao động chậm hơn và những tác động bất lợi đến từ bên ngoài.
Theo báo cáo, một giải pháp lâu dài cho những tranh chấp thương mại với Mỹ có thể cải thiện triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế này vào sự hỗ trợ chính sách.
Tại Khu vực sử dụng đồng euro, tốc độ tăng trưởng giảm sút đáng kể, xuống mức chỉ 1%, do tăng trưởng chậm lại của kinh tế Đức và mối đe dọa từ việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đang chứng kiến sự yếu kém của lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại, với mức tăng trưởng được dự báo chỉ đạt 0,7%.
Báo cáo nhấn mạnh, đà phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ không diễn ra đều khắp, khi khoảng 1/3 trong số này sẽ tăng trưởng chậm lại, do xuất khẩu và đầu tư yếu hơn dự kiến.