Thị trường thuốc lá của Achentina năm 2005

Năm 2005, dự báo xuất khẩu thuốc lá sợi của Achentina đạt mức kỷ lục 97.000 tấn, do sản lượng tăng ổn định, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm và phần lớn lượng thuốc lá tồn kho từ năm 2004 chuyển san

Sản lượng - Xuất khẩu

Năm 2004, tổng khối lượng xuất khẩu thuốc lá sợi của Achentina là 95.000 tấn (tương đương 184 triệu USD), trong đó, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 24% tổng khối lượng xuất khẩu, tiếp đến là Paraguay, chiếm 19% và Bỉ chiếm 16%. Hai loại thuốc lá xuất khẩu chủ yếu của Achentina là hai loại đang được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường thế giới, đó là thuốc lá sấy khô bằng không khí nóng (fluecured) và thuốc lá Burley. Bảng dưới đây thể hiện cơ cấu xuất khẩu thuốc lá của Achentina năm 2004: (Bảng 1)

Mặc dù, năm 2005, sản lượng thuốc lá sấy khô bằng không khí nóng có giảm so với năm 2004, song xuất khẩu vẫn ước đạt 55.000 tấn, cao hơn năm 2004, do lượng tồn kho của năm 2004 dồn lại.  Mưa đá và khô hạn ở hai tỉnh Salta và Jujuy (hai tỉnh sản xuất thuốc lá sợi lớn nhất của Achentina) là nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng thuốc lá giảm và chất lượng không được tốt như mọi năm. Các thị trường nhập khẩu thuốc lá (tước cọng và phế liệu) chủ yếu của Achentina là Paraguay, Bỉ, Hoa Kỳ và Đức.

Xuất khẩu thuốc lá Burley của Achentina năm 2005 ước đạt mức kỷ lục là 37.000 tấn. Tỉnh Misiones chỉ tập trung vào sản xuất phục vụ cho xuất khẩu nên năm nay bội thu. Trong đó, tỉnh Tucuman vẫn giữ nguyên mức sản lượng đã đạt được trong năm 2004. Chất lượng lá thuốc của Misiones được đánh giá là trung bình khá, trong khi của Tucuman chỉ ở mức trung bình.

Ngoài ra, xuất khẩu các loại thuốc lá còn lại như thuốc lá phơi khô nắng và phơi khô râm hay còn gọi là thuốc lá Creole chỉ đạt khoảng 5. 000 tấn, được trồng chủ yếu tại hai tỉnh Corrientes và Misiones. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, tiếp đó là Uruguay, Pháp và Bỉ.

Kể từ năm 2002, Chính phủ Achentina đã tiến hành nâng thuế xuất khẩu thuốc lá lên 10%, để có được nguồn thu nhiều hơn nhằm hỗ trợ các chương trình xã hội trong nước. Mặc dù các tổ chức và thương nhân xuất khẩu nhiều lần kiến nghị Chính phủ giảm hoặc miễn thuế, song ít nhất trong năm nay, mức thuế này vẫn được giữ nguyên.  Hiện nay, thuế xuất khẩu thuốc lá chưa chế biến là 2,7%,  còn thuế nhập khẩu từ các nước ngoài khu vực Mercosur vẫn là 14%.

Trên thực tế, tổng sản lượng thuốc lá sợi chưa sấy năm 2005 đạt 157. 000 tấn, bằng mức của năm 2004. Lượng tăng của thuốc lá Burley sẽ bù đắp cho lượng thiếu hụt 5.000 tấn thuốc lá flue cured. Cả 4 vùng sản xuất thuốc lá chủ yếu là Salta - Jujuy, Tucuman, Corrientes và Misiones đều bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn. Mặc dù, sản lượng lá thuốc không bị giảm, song chất lượng lại không được tốt. Mưa đá đã làm ảnh hưởng tới hơn 1000 hecta thuốc lá ở Salta. (Bảng 2).

Tiêu thụ

Lượng tiêu thụ thuốc lá sợi năm 2005 của Achentina dự báo giảm do một số nguyên nhân sau: Giá thuốc lá điếu trong 3 năm (từ 2002 đến 2004) đã  tăng tới hơn 60% (do Chính phủ Achentina tăng thuế doanh thu vào ngành Thuốc lá), khiến cho nhu cầu giảm đáng kể. Tuy nhiên, hậu quả của việc tăng giá thuốc điếu lại thúc đẩy tình trạng buôn lậu cùng với việc ra đời hàng loạt các công ty thuốc lá nhỏ kinh doanh buôn bán với mức giá thấp hơn, nhưng cũng đi kèm với chất  lượng kém hơn. Trong vòng hai năm trở lại đây, lượng thuốc lá tiêu thụ lậu đã chiếm tới 15% lượng tiêu thụ cả nước; Thành phần thuốc lá sợi trong mỗi điếu thuốc lá giảm xuống, và cuối cùng, cũng giống như nhiều quốc gia khác, mặc dù là một trong những nước sản xuất thuốc lá chủ yếu, song việc cung cấp cho thị trường trong nước của Achentina không phải do công ty nội địa đảm nhận mà hiện tại hoạt động này lại nằm trong tay hai công ty thuốc lá lớn nhất thế giới là Philip Morris và BAT với hơn 90% lượng tiêu thụ. Các công ty này thường liên kết với các hợp tác xã lớn của địa phương và bán với giá rất rẻ, đôi khi chỉ bằng một nửa giá của một nhãn hiệu nổi tiếng nào đó. Còn các nhà sản xuất trong  nước hiện chỉ nắm giữ từ 5-10% thị trường.

  • Tags: