Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), có hai yếu tố chính sẽ hỗ trợ giá vàng tăng lên trong tháng 9 tới đây nhờ Ấn Độ bước vào mùa cưới và lễ hội và hoạt động đầu tư trên toàn cầu thường trở nên sôi động hơn sau những tháng mùa hè yên tĩnh. Ấn Độ hiện là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
WGC cũng cho biết chi phí cơ hội của việc đầu tư vào vàng tiếp tục giảm xuống trong bối cảnh lãi suất thực tế và tỷ suất cổ tức của chỉ số chứng khoán S&P 500 (Hoa Kỳ) rơi vào vùng giá trị âm lần thứ hai liên tiếp trong vòng 75 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đều cho thấy ưu tiên chính sách hiện nay là hỗ trợ thị trường lao động phục hồi chứ không phải kiềm chế lạm phát và chương trình mua trái phiếu của các ngân hàng trung ương có thể sẽ kéo dài hơn.
Hồi tháng 5 vừa qua, giá vàng thế giới đã tăng mạnh 8% lên mức 1.829 USD/ounce. Tuy nhiên, tính từ giữa tháng 6 đến nay, giá vàng thế giới đã giảm mạnh hơn 7% và tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã giảm 3,8%.
Giới phân tích hiện đang cố gắng làm rõ liệu tình trạng lạm phát cao hiện nay tại Hoa Kỳ sẽ chỉ diễn ra tạm thời hay lâu dài. CEO ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase (Hoa Kỳ) Jamie Dimon vừa nhận định tình trạng lạm phát sẽ kéo dài hơn dự kiến và FED sẽ chỉ bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu khi tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ giảm xuống mức 4,5%. FED đã liên tục nhấn mạnh tình trạng lạm phát cao tại Hoa Kỳ sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và cơ quan này có đủ công cụ để kiểm soát lạm phát.
Trong tuần trước, bà Lael Brainard, Uỷ viên Hội đồng Thống đốc FED, cho biết quyết định thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu của FED sẽ phụ thuộc lớn vào việc liệu thị trường lao động Hoa Kỳ có được cải thiện đáng kể hay không. Bà Lael Brainard cho biết FED kỳ vọng thị trường lao động sẽ có những tiến triển tích cực trong tháng 9 tới đây khi các hoạt động tiêu dùng, lao động, giáo dục quay trở lại bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.