Chốt phiên giao dịch ngày 3/8 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tăng 0,8% lên 1.054 Nhân dân tệ (163 USD)/tấn. Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc tăng nhẹ 0,25 USD lên 184,67 USD/tấn.
Thị trường đang tiếp tục thận trọng quan sát các động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc kiềm giữ sản lượng thép thô năm nay tương đương với mức năm ngoái, qua đó đạt mục cắt giảm phát thải khí nhà kính. Giá quặng sắt đã chịu áp lực giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước sau khi Trung Quốc bất ngờ áp thuế cao lên hàng loạt mặt hàng thép xuất khẩu nhằm tăng cường điều tiết nguồn cung cho thị trường nội địa.
Giới quan sát nhận định đây là biện pháp mạnh của Chính phủ Trung Quốc trong việc đảm bảo nguồn cung thép trên thị trường nội địa, từ đó kìm hãm giá thép và thu hẹp biên lợi nhuận của sản xuất thép, buộc các hãng sản xuất thép phải cắt giảm sản lượng.
Trung Quốc cũng kỳ vọng việc áp thuế xuất khẩu cao buộc các hãng sản xuất thép phải thu hẹp quy mô hoạt động khi giá thép xuất khẩu tăng cao, kém thu hút khách hàng mới hơn. Suy giảm giá thép cùng với sụt giảm sản lượng sản xuất sẽ khiến giá quặng sắt suy yếu.
Trước khi các biện pháp áp thuế xuất khẩu được áp dụng, giá thép trên thị trường nội địa Trung Quốc có xu hướng liên tục tăng, phục hồi về lại vùng giá cao kỷ lục như hồi tháng 5 vừa qua.
Mặc dù giá quặng sắt hiện tại trên thị trường Trung Quốc đã giảm khoảng 15% so với mức giá cao lịch sử hồi tháng 5/2021 nhưng vẫn cao hơn gấp 2 lần so với mức giá thông thường. Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt đã tăng khoảng 16%.
Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) dẫn lời một số nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng thép trong nửa cuối năm nay và thậm chí trong năm 2022.
Tuy nhiên, các nguồn tin trên cũng cho biết Trung Quốc có thể điều chỉnh mục tiêu cắt giảm sản lượng thép nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thép nội địa nước này vốn đang ở mức tương đối cao. Chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm phương án để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, bao gồm việc đẩy nhanh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Một số nhà phân tích cảnh báo ngay cả khi Trung Quốc áp thuế cao lên các mặt hàng thép xuất khẩu thì cũng chỉ kìm giữ hoạt động xuất khẩu thép trong ngắn hạn và cách làm này còn đẩy giá thép trên thị trường quốc tế tăng cao hơn nữa.
Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông của Chính phủ Trung Quốc, vừa đăng tải các thông tin cho biết chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc nóng vội trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.