Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc đã lao dốc tới 7,6%, xuống chỉ còn 181,57 USD/tấn vào ngày 29/7. Đây là mức giá thấp nhất được ghi nhận kể từ hồi tháng 4/2021.
Giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) chốt phiên giao dịch ngày 29/7 cũng giảm tới 8,1% xuống còn 1.027 Nhân dân tệ (158,95 USD)/tấn. Tính chung cả tháng 7 vừa qua, giá quặng sắt trên sàn DCE đã giảm gần 8%, xác lập mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ hồi tháng 2/2020.
Giá quặng sắt giao dịch trên sàn DCE thường được xem là mức giá chuẩn cho các hợp đồng quặng sắt trên thị trường kỳ hạn tại Trung Quốc cũng như khu vực Châu Á.
Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường SteelHome (Trung Quốc) cho thấy giá quặng sắt trên thị trường giao ngay tại Trung Quốc cũng đã giảm xuống dưới mức 200 USD/tấn lần đầu tiên kể từ ngày 28/5/2021.
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm mạnh sau khi Trung Quốc áp thuế cao lên hàng loạt mặt hàng thép xuất khẩu nhằm tăng cường điều tiết nguồn cung cho thị trường nội địa, kìm hãm việc giá thép đang có xu hướng tăng cao trở lại mức kỷ lục như hồi tháng 5 vừa qua.
Đồng thời, việc gia tăng nguồn cung thép trên thị trường nội địa cho phép Chính phủ Trung Quốc siết chặt hơn nữa việc giảm sản lượng thép thô, nhằm đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kinh trong năm nay. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu ngành công nghiệp thép nước này khống chế sản lượng thép thô năm nay ở mức tương đương năm 2020.
Tuy nhiên, sản lượng thép thô của nước này trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này khiến thị trường lo ngại, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát hoạt động sản xuất thép trong những tháng cuối năm nay, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu sử dụng quặng sắt.
Tập đoàn Shagang Group (Trung Quốc) vừa cho biết sẽ cắt giảm sản lượng sản xuất cũng như khối lượng thép xuất khẩu nhằm đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc trong việc cắt giảm khí thải. Tập đoàn Shagang Group hiện là hãng sản xuất thép lớn thứ 4 thế giới.
Bên cạnh đó, thị trường cũng lo ngại nhu cầu sử dụng thép từ hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nhà ở tại Trung Quốc sẽ tăng chậm lại trong thời gian tới khi nước này siết chặt quản lý thị trường bất động sản cũng như thu hẹp quy mô đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ Trung Quốc hiện đang yêu cầu một số thành phố lớn nước này phải bình ổn thị trường nhà ở khi giá nhà tăng quá cao trong giai đoạn vừa qua. Suy giảm nhu cầu sử dụng thép sẽ càng khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt suy giảm và đẩy giá quặng sắt tiếp tục giảm.