Đồng thời, Trung Quốc cũng huỷ việc hoàn thuế xuất khẩu đối với 23 loại thép và sản phẩm từ thép, bao gồm các loại thép cuộn cán nguội và thép silic. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết “Những thay đổi này nhằm thúc đẩy ngành thép Trung Quốc phát triển hơn”.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây là động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc trong việc tăng cường nguồn cung thép nhằm kìm giữ giá thép nội địa khi giá thị trường đang có xu hướng tăng mạnh trở lại về vùng giá cao lịch sử như hồi tháng 5 vừa qua.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã huỷ bỏ việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) 13% đối với 146 mặt hàng thép xuất khẩu của nước này nhằm điều tiết nguồn cung thép trên thị trường nội địa. Thuế nhập khẩu đối với sắt thép phế liệu, thép thô, gang thỏi… được nước này hạ về 0% nhằm tăng cường nguồn cung đầu vào cho hoạt động sản xuất thép nội địa. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đẩy mạnh điều tra hành vi đầu cơ, thao túng giá nhằm kiểm soát giá thép nội địa.
Các biện pháp này đã khiến lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5/2021 sụt giảm 34% so với hồi tháng 4/2021. Tuy nhiên, việc giá thép quốc tế ở mức cao kỷ lục đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép của nước này tăng trở lại. Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2021 tăng 23% so với tháng 5/2021.
Thông qua việc tăng cường nguồn cung cho thị trường nội địa, Chính phủ Trung Quốc còn hướng đến việc giữ sản lượng thép thô của nước này trong năm nay tương đương với mức của năm 2020 nhằm đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đó, Trung Quốc sẽ cần duy trì sản lượng thép thô trong 6 tháng cuối năm nay ở khoảng 502 triệu tấn, thấp hơn 11% so với mức sản lượng 6 tháng đầu năm 2021. Trong 6 tháng vừa qua, sản lượng thép thô của nước này đã đạt kỷ lục 563,33 triệu tấn, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia phân tích Tang Chuanlin từ hãng chứng khoán CITIC Securities (Trung Quốc) nhận định “Các nỗ lực kiểm soát hoạt động xuất khẩu thép hiện nay của Trung Quốc chủ yếu là nhằm kiểm soát sản lượng thép nội địa”.
Ông Tang Chuanlin cũng nhận định thị trường thép nội địa Trung Quốc sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay với mức thiếu hụt khoảng 5% tổng nhu cầu sử dụng. Điều này có thể khiến giá thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên.
Tính từ đầu năm đến nay, giá thép thanh xây dựng và giá thép cuộn cán nóng giao kỳ hạn trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã tăng lần lượt 32% và 37%. Giá thép trên sàn SHFE thường được xem là giá tham khảo cho các giao dịch thép tại thị trường Trung Quốc và Châu Á.
Dự kiến thị trường thép quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, đẩy mạnh siết chặt hoạt động xuất khẩu. Giá thép tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chạm mức cao kỷ lục trong giai đoạn vừa qua khi nhu cầu bất ngờ tăng mạnh và nguồn cung thiếu hụt.