Trong thông báo ngày 7/8, Ban phúc thẩm của WTO đã bác đơn kháng cáo của Bắc Kinh vì đã không chứng
minh được rằng các hạn ngạch xuất khẩu mà Trung Quốc áp dụng đối với đất hiếm, cũng như vonfram và
molypden là chính đáng.
Ban phúc thẩm kêu gọi Trung Quốc cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với các quy tắc thương mại
quốc tế. Quyết định của Ban phúc thẩm được coi là cuối cùng và về nguyên tắc các quốc gia thành
viên WTO có nghĩa vụ phải tuân theo quyết định của cơ quan này.
Về phía Trung Quốc, nước này bày tỏ "hối tiếc mạnh mẽ" về quyết định trên đồng thời cho rằng họ
"không từ bỏ quyền của mình khi tham gia WTO nhằm khẳng định việc bảo đảm thuế xuất khẩu dựa trên
sự cần thiết để bảo vệ môi trường."
Trung Quốc cho biết sẽ "cẩn thận đánh giá phán quyết, tiếp tục cải thiện việc quản lý tiêu thụ các
sản phẩm tài nguyên một cách phù hợp với WTO" và sẽ có những bước đi trong tương lai sao cho phù
hợp với các yêu cầu của hệ thống giải quyết tranh chấp WTO. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước
này sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp với các quy định của WTO nhằm bảo vệ sự cạnh tranh bình đẳng
và đảm bảo phát triển bền vững.
Ủy viên thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht cho rằng phán quyết trên đánh dấu thêm
một mốc nữa trong những nỗ lực của EU nhằm đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng với các vật liệu thô cần
thiết để phát triển công nghiệp.
Quyết định của WTO về đất hiếm thể hiện rõ việc hạn chế xuất khẩu không thể được sử dụng để bảo vệ
hoặc thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước mà gây tổn hại cho các đối tác cạnh tranh nước
ngoài.
Hồi tháng Ba, Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO kết luận rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu
đất hiếm của Trung Quốc vi phạm quy định của tổ chức này. Phán quyết được đưa ra sau các đơn khiếu
nại của Mỹ, EU và Nhật Bản vào năm 2012. Trung Quốc đã kháng cáo lên Ban phúc thẩm của WTO vào
tháng Tư và quyết định giữ nguyên phán quyết của cơ quan này khẳng định việc Trung Quốc đã thua
trong vụ kiện về đất hiếm.
Trung Quốc hiện sản xuất hơn 90% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Ngoài đất hiếm, Trung Quốc còn
áp dụng hạn chế xuất khẩu với các kim loại như vonfram, molybden.
Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu áp dụng hạn ngạch đối với việc xuất khẩu đất hiếm với lý do hạn chế
ô nhiễm và bảo vệ nguồn tài nguyên.
Quyết định này ngay lập tức khiến giá đất hiếm tăng lên gấp nhiều lần. Mỹ, EU và Nhật Bản đã lên án
việc hạn chế xuất khẩu này khiến các công ty Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ
khác./.