Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Nguyễn Thị Mai Hương, cho biết, theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, nếu hồ sơ không đầy đủ thì trong thời hạn 5 ngày làm việc thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ; trường hợp hồ sơ đầy đủ và đã nộp phí theo quy định thì thời hạn giải quyết là 20 ngày làm việc.
Đồng thời, Bộ xem xét, đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính này trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nghiên cứu tích hợp với Cổng thông tin một cửa quốc gia để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019.
Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng yêu cầu một số Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận sử dụng mã nước ngoài.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, giảm 50% mức phí cấp xác nhận sử dụng mã nước ngoài.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2020/TT-BTC ngày 26/5/2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020), trong đó quy định kể từ ngày 26/5/2020, phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài sẽ nộp phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 232/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã làm việc với các bộ, ngành có liên quan như Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Tổ tư vấn về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài hoặc ủy quyền sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP.
Theo đó, các Bộ ngành cho rằng, việc sử dụng mã số, mã vạch của các đối tác nước ngoài góp phần giúp hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, vẫn có một số trường hợp doanh nghiệp cố tình sử dụng những mã số, mã vạch nước ngoài mà không được ủy quyền, thậm chí đã có phản ánh từ những tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, qua phản ánh thực tế của doanh nghiệp, các đơn vị quản lý chuyên ngành cũng nhìn nhận, trong quá trình triển khai thực tế, việc hướng dẫn sử dụng mã nước ngoài cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cần được thể hiện rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID - 19. Các Bộ cũng đã thống nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, trong đó hướng dẫn cụ thể về các hình thức uỷ quyền cho phép sử dụng mã nước ngoài, việc tăng cường thực hiện hậu kiểm đối với doanh nghiệp sử dụng mã nước ngoài.
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thông báo cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng những trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc uỷ quyền sử dụng mã nước ngoài để theo dõi, tổ chức thực hiện hậu kiểm. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác hậu kiểm đối với việc sử dụng mã nước ngoài của doanh nghiệp xuất khẩu.