Xanh hóa bao bì thực phẩm - Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững

Xanh hóa bao bì thực phẩm là một xu hướng ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, mang lại nhiều lợi ích đối với cả người tiêu dùng và hệ sinh thái.
bao bì xanh
Xanh hóa bao bì thực phẩm là một xu hướng ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống

Bao bì thực phẩm là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp thực phẩm, vì nó không chỉ bảo vệ và bảo quản thực phẩm, mà còn tạo ra sự thu hút và nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.

Xanh hóa bao bì thực phẩm là một xu hướng ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra những lợi ích to lớn đối với cả người tiêu dùng và hệ sinh thái.

Lợi ích từ “Xanh hóa” bao bì thực phẩm 

Một trong những lợi ích quan trọng nhất của việc xanh hóa bao bì thực phẩm là giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bao bì thân thiện với môi trường giúp giảm lượng rác thải nhựa trên các bãi chôn lấp và biển, giảm thiểu sự ô nhiễm từ quá trình sản xuất và vận chuyển. Đồng thời, sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế hoặc tái sử dụng cũng giúp giảm lượng tài nguyên tự nhiên cần thiết cho việc sản xuất bao bì mới.

Ngoài ra, bao bì thân thiện với môi trường còn mang lại lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc sử dụng các vật liệu tự nhiên hoặc không gây hại cho sức khỏe giúp người tiêu dùng tránh được các chất hóa học độc hại có thể được thải ra từ bao bì nhựa truyền thống.

Đặc biệt, khi sử dụng bao bì sinh học phân huỷ, người tiêu dùng còn có thể tham gia vào quá trình tái chế và tái sử dụng, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững.

Ngành thực phẩm và đồ uống trước xu hướng bao bì xanh

Việt Nam là một trong những nước có ngành thực phẩm và đồ uống phát triển nhanh chóng, với quy mô thị trường ước tính đạt 65 tỷ USD vào năm 20202. Tuy nhiên, ngành này cũng đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là vấn đề bao bì thực phẩm. Để phát triển bền vững, ngành thực phẩm Việt Nam đã nhanh chóng nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, định hướng kinh tế tuần hoàn ở tầm chiến lược.

Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Trong đó, mỗi ngày các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế. Trong số, rác thải được thải ra thì bao bì là một trong những chất thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra nhiều nhất hiện nay.

Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi theo hướng bền vững, nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

Đây là một bước đi quan trọng để hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó các nguồn nguyên liệu và sản phẩm được tái sử dụng, tái chế và phân hủy sinh học, giảm thiểu lượng rác thải và tiết kiệm tài nguyên.

Để thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống cần phải thay đổi chiến lược sản xuất, thiết kế và chọn lựa các loại bao bì xanh, có khả năng tái chế hoặc phân hủy sinh học, thay thế cho các bao bì nhựa truyền thống.

Các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu thiết kế bao bì theo hướng thuận lợi cho việc tái chế, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa phát sinh rác thải xấu.

Các loại vỏ bao bì nhựa dần chuyển đổi sang nguyên vật liệu dễ tái chế hoặc “tự huỷ sinh học”. Một số bao bì xanh điển hình như túi vải hữu cơ, túi giấy, hộp giấy, túi cói, hộp tre, hộp nhựa PP, … Phương án sử dụng ống hút giấy, ống hút bột gạo, ống hút tre hay ống hút kim loại cũng được phổ biến nhiều hơn.

Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, các thành viên gồm 14 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ tái chế 100% bao bì sản phẩm, nhằm loại bỏ rác thải vào môi trường.

Đặc biệt là các sản phẩm như chai nhựa, hộp nhựa,… sẽ được thu gom để tái chế thành hạt nhựa, tái sản xuất thành bao bì mới. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trên 70% vỏ lon nhôm tại Việt Nam đã và đang được thu gom để tái chế sử dụng lại, là vật liệu tuần hoàn cao nhất trong các quy trình đóng gói bền vững.

xanh hóa bao bì
Xanh hóa bao bì không chỉ đơn thuần là theo xu hướng mà phần quyết định nằm ở nỗ lực của doanh nghiệp

Xanh hoá bao bì để phát triển bền vững

Chia sẻ tại “Hội thảo Bao bì thực phẩm - Kiểm soát chất lượng và nắm bắt xu hướng” diễn ra vừa qua, Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, hiện nay, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả; đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu. 

Do đó, xanh hóa bao bì đang trở thành một trong những ưu tiên của chính phủ và các bên liên quan, trở thành mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Kinh tế Tuần hoàn (NAPCE) đã xác định bao bì là một trong những lĩnh vực ưu tiên áp dụng kinh tế tuần hoàn, bao gồm bao bì sử dụng cho chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất nhựa và hóa chất.

Theo bà Hồ Thị Quyên, xanh hóa bao bì không chỉ đơn thuần là theo xu hướng mà phần quyết định nằm ở nỗ lực của doanh nghiệp. Việc lựa chọn vật liệu bao bì cho sản phẩm đồ ăn, thức uống cần được các doanh nghiệp tính toán, làm sao đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao nhất.

Đối với sản phẩm thực phẩm, các yêu cầu về bao bì sẽ có những đặc thù riêng nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và ghi đầy đủ các thông tin cần thiết cho người tiêu dùng. 

Đến thời điểm hiện tại, các tiêu chuẩn và quy định quan trọng trong kiểm nghiệm bao bì thực phẩm bao gồm: QCVN 12-4:2015/BYT cho bao bì thủy tinh và gốm sứ; QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT cho bao bì nhựa, kim loại, cao su; và TCVN 12723:2019 cho giấy và các tông; hoặc các quy định quốc tế như Quy định (EU) 10/2011 về vật liệu nhựa, FDA 21 CFR 177.1520 của Mỹ cùng các quy định khác.

Việt Nam hiện có hơn 900 doanh nghiệp, nhà máy hoạt động trong ngành giấy, bao bì với khoảng 70% doanh nghiệp nằm ở khu vực phía Nam, chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Ngành giấy và bao bì được đánh giá thuộc nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo từ 15-20% trong những năm tới.

Số liệu do tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc công bố cũng cho thấy quy mô thị trường bao bì giấy Việt Nam ước tính đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029.

Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau trong sản xuất bao bì. 

Không chỉ đầu tư công nghệ, giải pháp xanh, hệ thống nhà máy sản xuất giảm khí thải carbon, mà còn phải chuyển đổi sản xuất bao bì xanh. Các nguyên liệu đầu vào đều phải thân thiện với môi trường, đồng thời có thể thu gom, tái chế bao bì dễ dàng. 

bao bì giấy

Tiêu chí bao bì thân thiện môi trường

Theo Tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), bao bì thân thiện môi trường cần đáp ứng các tiêu chí:

  • Sử dụng nhiên liệu tái tạo trong quá trình sản xuất
  • Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm trong suốt vòng đời sản phẩm
  • Không chứa các hợp chất độc hại, an toàn cho sức khỏe con người
  • Có thể tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy sinh học
  • Tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu trong sản xuất và vận chuyển

Một số "bao bì xanh" được sử dụng phổ biến

Bao bì an toàn môi trường

Các loại bao bì an toàn với môi trường sẽ hạn chế tối đa những tác động xấu của bao bì nhựa, bảo vệ môi trường sống xanh và đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại trong sản xuất và sử dụng bao bì an toàn với môi trường sẽ giúp cho sản phẩm của các doanh nghiệp dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn, tạo được thiện cảm, niềm tin với thương hiệu. Đây là một trong những lý do mà rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã lựa chọn đi theo xu thế “sống xanh” trong việc phát triển, truyền thông sản phẩm.

Bao bì an toàn thực phẩm

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, việc sử dụng bao bì không an toàn khiến gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hoá, bệnh về da, ung thư,… Chính bởi vậy, bao bì an toàn thực phẩm là giải pháp được đặc biệt chú trọng hàng đầu nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Chất liệu sử dụng trong sản xuất bao bì an toàn thực phẩm phải là chất liệu cao cấp, gần gũi với thiên nhiên cũng như đời sống con người, an toàn, không gây ra các phản ứng hóa học hay gây hại đối với thực phẩm. 

 3 chất liệu sử dụng làm bao bì xanh phổ biến nhất hiện nay

Chất liệu bao bì bằng giấy Kraft, carton

Chất liệu bao bì làm bằng giấy và carton có thể được làm từ nguyên liệu tái chế hoặc một số ít làm từ gỗ nên hoàn toàn không độc hại, an toàn với sức khỏe người dùng. Điểm hạn chế duy nhất của nó là độ bền không cao, dễ thấm nước nên thường chỉ dùng để bọc các loại thực phẩm, đồ dùng khô.

Chất liệu vải không dệt

Đây là chất liệu không chứa bất kỳ hóa chất độc hại nào nên rất an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Túi được làm bằng chất liệu vải không dệt có độ bền khá cao với khả năng chống cháy và chống thấm nước hiệu quả và giá thành cũng khá rẻ. Thời gian sử dụng trung bình là khoảng 5 năm. Khi túi này bị bẩn thì bạn có thể giặt sạch và tái sử dụng lại mà không ảnh hưởng tới hình dáng ban đầu.

Chất liệu từ những sản phẩm thiên nhiên khác

 Các sản phẩm bao bì được làm từ những nguyên liệu trong thiên nhiên, có thể tái chế và không gây hại đến môi trường cũng như sức khỏe của con người.  Một số sản phẩm quen thuộc như: các loại túi mây, tre, lá, hộp đựng cơm bã mía, ly bã mía, gói xôi bằng lá sen,... Những sản phẩm này thường không sinh ra bất kỳ chất độc hóa học nào trong quá trình sản xuất, nên không gây ô nhiễm nước, đất. Chưa kể khi phân hủy, chúng sẽ tạo ra các chất hữu cơ có lợi cho đất, tạo thành vòng tuần hoàn vô cùng có lợi đối với môi trường. 

Thanh An