Hồi sinh vùng “đất chết”
Nhưng không phải ai cũng biết, để gieo cái màu xanh tự nhiên ấy là biết bao mồ hôi, thậm chí cả máu, nước mắt của không ít CBCNV Công ty TNHH MTV Nguyên liệu Giấy miền Nam (Công ty Nguyên liệu Giấy miền Nam) đã gây trồng, chăm sóc, chiến đấu với giặc lửa và những kẻ phá rừng để đem đến màu xanh trên dãy Sạc Ly.
Hấp dẫn từ lời giới thiệu của anh cán bộ Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) về những cánh rừng thông ba lá đang chuẩn bị bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh trên đỉnh Sạc Ly, Kon Tum, tôi hăm hở lên đường. Từ trung tâm thành phố Kon Tum đi dọc theo đường 14, tới ngã ba Tân Cảnh, đi khoảng 10 km đã nhìn thấy thấp thoáng đỉnh đồi Sạc Ly, thống lĩnh ở đây là màu xanh ngút ngàn của những vạt rừng thông ba lá vươn mình trong nắng, gió đại ngàn.
Tiếp giáp giữa ba huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi, ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, trong chiến tranh, đỉnh đồi Sạc Ly là nơi chịu hậu quả nặng nề từ chất độc da cam và được mệnh danh là vùng “đất chết”.
Từng biết đến quá khứ đau thương nơi này, tôi không khỏi bất ngờ khi bắt gặp màu xanh tươi non trải dài trong nắng vàng như mật suốt chiều dài 30 km, dọc dãy Sạc Ly. Nghe kể, nhiều năm sau chiến tranh trong khi hầu hết diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn lân cận đã được phủ xanh bằng những rừng cao su, bời lời ngút ngát thì nơi đỉnh Sạc Ly, chỉ có duy nhất thứ cỏ lông chồn, cỏ tranh đua nhau mọc khi mùa mưa về, còn khi mùa khô đến cả dãy đồi cháy sạm đen, khô quạch, hầu như không ai dám đặt chân đến vùng đất này vì sợ bom mìn và chất độc hóa học.
Đầu năm 2001, Công ty Nguyên liệu Giấy miền Nam xây dựng vùng nguyên liệu giấy Kon Tum, phục vụ dự án Nhà máy Bột giấy Kon Tum. Những năm 2000 - 2004, Công ty đã trồng được hơn 16.000 ha rừng nguyên liệu, trong đó thông ba lá là hơn 12.000 ha.
Là một trong những cán bộ có mặt từ những ngày đầu xây dựng vùng nguyên liệu tại dãy Sạc Ly, anh Võ Thành Lợi - Phó Giám đốc Công ty Nguyên liệu Giấy miền Nam nhớ lại, những ngày đầu ấy cơ man là khó khăn bởi dân sinh khu vực này rất thưa thớt, cơ sở hạ tầng vật chất đều hết sức yếu kém. Anh Lợi kể, đường xa, khu vực trồng rừng lại cao và dốc nên việc trồng rừng ở đây cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Việc đi lại, vận chuyển cây giống, vật tư hết sức vất vả, đều phải thuê nhân công, chủ yếu là đồng bào dân tộc, dùng trâu, bò vận chuyển đến khu vực trồng rừng…
Quả thực có lên đến đây mới cảm nhận hết sự hồi sinh mãnh liệt của vùng đất đã bị hủy diệt đến kiệt quệ. Những cây thông ở đây cứ thẳng mình vươn lên trong nắng gió, có cây cao đến 15m.
Gian nan bài toán chu kỳ vay
Hiện Công ty Nguyên liệu Giấy miền Nam đang quản lý 8.762,44 ha rừng thông ba lá nằm trên địa bàn 33 xã, thị trấn thuộc 8 huyện (chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) của tỉnh Kon Tum. Khu vực này có địa hình đồi dốc, khe suối, xen kẽ với nương rẫy của nhân dân. Theo cán bộ ban trồng rừng khu vực này thì vào mùa mưa, công tác tuần tra canh gác gặp vô vàn khó khăn do đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số gần khu rừng trồng còn lạc hậu, người dân thiếu đất sản xuất đã ồ ạt kéo nhau vào rừng chặt phá, lấn chiếm đất, ngày càng diễn biễn phức tạp, gia tăng về số vụ, thậm chí bất chấp pháp luật, ngang nhiên chặt phá, lấn chiếm, chống người thi hành công vụ...
Về mùa khô Tây Nguyên thời tiết khắc nghiệt nắng nóng, khô hanh kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Công ty đã rất chú trọng các giải pháp phòng cháy như làm đường băng cản lửa, chòi canh lửa, bể chứa nước, đồng thời đảm bảo lực lượng thường trực 24/24 h, sẵn sàng dập tắt các điểm cháy. Tuy nhiên do mưa bão nhiều, gây hư hỏng nặng đường công vụ và hệ thống cầu ngầm, càng khó khăn hơn cho các phương tiện, phục vụ công tác tuần tra, canh trực, nhất là khi có báo động cháy rừng xảy ra. Hiện Công ty còn quỹ đất trống có khả năng trồng rừng là 2.617,6 ha, tuy nhiên không được lập dự án vay vốn trồng mới nên chỉ triển khai trồng rừng ở một số hiện trường theo hình thức liên doanh liên kết, giao khoán cho các hộ gia đình (theo Nghị định 135 của Chính phủ).
Hướng mắt về những vạt rừng thông đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mạnh trên dãy Sạc Ly, với vẻ mặt trăn trở, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Nguyên liệu Giấy miền Nam, ông Tống Hữu Chân chia sẻ, nếu không được tháo gỡ khó khăn, năm 2015, Công ty sẽ có nguy cơ thua lỗ, không có vốn để tiếp tục tái đầu tư trồng rừng, việc làm lâu dài, ổn định cho 138 hộ gia đình CBCNV. Cụ thể, hợp đồng vay vốn tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Dự án đầu tư ban đầu trồng rừng nguyên liệu giấy tại Công ty là kinh doanh gỗ nguyên liệu giấy (chu kỳ 15 năm). Nhưng hiện tại, nhà máy sản xuất bột giấy chưa hoạt động, các nhà máy chế biến, sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ thông tại khu vực chưa có, nếu khai thác gỗ nguyên liệu phải chở đi tiêu thụ tại nơi khác (Gia Lai, Bình Định, Đà Nẵng), chi phí vận chuyển cao. Theo dự án, từ năm 2015, Công ty sẽ phải khai thác cây thông trồng năm 2000, trên diện tích 8.762,44 ha rừng thông ba lá để trả nợ. Tuy nhiên nếu thực hiện phương án này, Công ty sẽ bị thua lỗ (ước tính khoảng 148,2 tỷ đồng). Bởi theo tính toán, năng suất rừng thông vào năm 2015 (chu kỳ 15 tuổi) đạt 142 m3/ha (suất tăng trưởng bình quân của thông ba lá 15 tuổi chỉ đạt mức 120-150 m3/ha) không đảm bảo trả nợ cho ngân hàng (phải đạt 193 m3/ha) nhưng giá bán cây đứng (nguyên liệu giấy) bình quân dự kiến 350 nghìn đồng/m3, không thể vận chuyển đến tận các nhà máy chế biến bởi chi phí quá cao.
Cũng theo ông Chân, hiện tại Công ty đang đề xuất gia hạn chu kỳ sản xuất, kinh doanh lên 20 hoặc 30 năm, tiếp tục vay vốn đầu tư quản lý bảo vệ rừng thêm 5 đến 15 năm nữa, kéo dài thời gian sinh trưởng của rừng (đồng thời áp dụng biện pháp lâm sinh chặt tỉa thưa 2 lần, tận dụng tối đa khả năng tăng trưởng về đường kính của cây rừng, thu sản phẩm gỗ lớn để tăng giá bán sản phẩm, tăng lợi nhuận). Theo tính toán của Công ty, các phương án sẽ đáp ứng được mục tiêu sắp xếp lại sản xuất, không gây thua lỗ, đảm bảo khả năng trả nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, với phương án khai thác trắng do lợi nhuận ít nên Công ty sẽ không có vốn để tiếp tục tái đầu tư trồng rừng, từ đó sẽ không duy trì được công ăn việc làm lâu dài, ổn định cho 138 hộ gia đình CBCNV và mục tiêu phát triển rừng bền vững (theo chỉ đạo của Chính phủ).
Cùng với sự vươn mình của những vạt thông ba lá trên dãy Sạc Ly là sự sinh sôi, phát triển mãnh liệt của màu xanh. Sự trù phú, ấm no hiện hữu trên từng nếp nhà của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh khu vực, vết thương từ chiến tranh dường như đã lùi vào quên lãng. Màu xanh, sự hồi sinh này cần được quan tâm gìn giữ.