Xây dựng Coteccons (CTD) tham vọng chinh phục thị trường xây dựng 284 tỷ USD của Indonesia

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD) vừa có động thái hiện thực hoá chiến lược mở rộng ra nước ngoài với việc thành lập Văn phòng đại diện tại Indonesia.
Xây dựng Coteccons
Xây dựng Coteccons hiện đang đẩy mạnh mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế cũng như đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh có cộng hưởng.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD - sàn HoSE) vừa quyết định thành lập Văn phòng đại diện tại Indonesia để triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường này.

Đây là động thái đầu tiên cụ thể hoá nghị quyết đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con đã được Hội đồng Quản trị Xây dựng Coteccons thông qua hồi tháng 10/2023.

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường xây dựng Indonesia có quy mô ước tính đạt 284,17 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 407,87 tỷ USD vào năm 2029 với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) hằng năm là 7,5% trong giai đoạn 2024 - 2029.

Đặc biệt, Mordor Intelligence đánh giá thị trường xây dựng Indonesia “ít cạnh tranh”, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài tham gia thi công.

Vào hồi tháng 8/2023, Xây dựng Coteccons đã có sự phân công lại nhiệm vụ đối với nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Chris Senekki - Phó Tổng Giám đốc Coteccons sẽ thôi giữ chức vụ này, và được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Covestcons - công ty con chịu sự chi phối 100% của Xây dựng Coteccons.

Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng quốc tế, ông Chris Senekki sẽ đảm nhận nhiệm vụ mở rộng kinh doanh của Xây dựng Coteccons và các công ty con ra thị trường nước ngoài.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh của Xây dựng Coteccons trong thời gian tới, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT cho biết, công ty đang hướng tới sự đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh có cộng hưởng.

Thay vì tập trung nguồn thu vào một ngành cốt lõi, côn ty sẽ hướng đến những ngành nghề có nguồn thu liên quan như M&A doanh nghiệp về nhôm kính,... thậm chí là liên doanh, lãnh đạo Xây dựng Coteccons nói.

Giá cổ phiếu CTD Xây dựng Coteccons
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CTD của Xây dựng Coteccons từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Xây dựng Coteccons (CTD): Lợi nhuận tăng bằng lần, lượng backlog lên tới 24.000 tỷ đồng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Xây dựng Coteccons đã hoàn tất thủ tục giao dịch mua lại 100% vốn góp của Công ty TNHH Sinh Nam Metal Việt Nam và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E). Đây là hai doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ Singapore và có lịch sử, thương hiệu, nhân sự kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ điện, nhôm kính.

Đáng chú ý, Xây dựng Coteccons cũng có động thái tham gia sâu vào mảng bất động sản với việc tự thực hiện các dự án thay vì chỉ làm tổng thầu thi công. Công ty này đã tham giá đấu thầu thực hiện đầu tư dự án tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong năm tài chính 2024 (từ ngày 01/07/2023 đến 30/06/2024), Coteccons đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.793 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 274 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, chỉ trong 2 quý đầu của niên độ tài chính, Coteccons đã hoàn thành 55% chỉ tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Duy Quang