Xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về Kế hoạch xây dựng Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO.

Theo quy định mới nhất, mỗi năm UNESCO chỉ xét duyệt 01 Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho mỗi quốc gia. Trong khi đó, lộ trình xây dựng Hồ sơ Khoa học di sản văn hóa phi vật thể từ nay đến năm 2019 của Việt Nam gồm: Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống (Hồ sơ đa quốc gia – xét đến năm 2015); Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt (xét năm 2016); Nghệ thuật Bài Chòi miền Trung Việt Nam (xét năm 2017); Nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái (xét năm 2018); Nghệ thuật Xòe Thái (xét năm 2019). Theo đó, việc đệ trình Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” có thể thực hiện sau thời điểm năm 2019, trong đợt xét năm 2020.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh trước mắt chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương liên quan triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, trong đó, cần tập trung cho hoạt động truyền dạy và quảng bá di sản. Việc xây dựng Hồ sơ sẽ triển khai 1 năm trước khi trình UNESCO. Đây sẽ là cơ hội tốt để các cơ sở sản xuất, nghệ nhân tranh Đông Hồ quảng bá, tôn vinh nét đặc sắc của dòng tranh dân gian.

Làng tranh Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ. Ngoài các đặc điểm khác biệt, đặc sắc về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, dùng để quét nền tranh) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe) v.v... Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ…

Trong giai đoạn hưng thịnh của nghề làm tranh Đông Hồ, nhiều hợp tác xã sản xuất tranh đã được thành lập, đây cũng là thời điểm tranh Đông Hồ được xuất khẩu sang các nước XHCN đạt kết quả cao. Nhưng từ năm 1985 -1990 do tác động của nền kinh tế thị trường, việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn, người dân làng tranh chuyển dần sang làm hàng mã, chỉ còn lại một số nghệ nhân bám trụ với nghề. Đến nay nhờ sự quan tâm của địa phương, nhiều tổ chức và sự gìn giữ của các nghệ nhân trong làng mà dòng tranh đậm chất dân gian này được khôi phục lại với nhiều sáng tạo mới mẻ, chiếm được nhiều cảm tình của các du khách trong và ngoài nước.