![Toàn cảnh Toạ đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” do Tạp chí Công Thương tổ chức](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/21/xay-dung-mo-hinh-hop-tac-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-giua-trung-uong--dia-phuong-va-doanh-nghiep_678f79972fd4c.jpg)
Với nhiều nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cùng sự chủ động từ phía doanh nghiệp, thời gian qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp không còn là vấn đề đáng ngại như những năm về trước.
Trong đó, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai, ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Một số doanh nghiệp đã thành công áp dụng mô hình cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, dần tiếp cận và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi giá trị toàn cầu. Tham gia vào chương trình, các địa phương cũng cho thấy vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Toạ đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, chính sách về công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua cũng đã tương đối hoàn thiện. Cụ thể, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Hiện nay Bộ Công Thương đã và đang thực hiện giai đoạn tổng kết cũng như chuẩn bị đề xuất để tiếp tục kéo dài Chương trình đến năm 2035.
![Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/21/xay-dung-mo-hinh-hop-tac-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-giua-trung-uong--dia-phuong-va-doanh-nghiep_678f79b6d7879.jpg)
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng có nằm ở rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Đầu tư, các luật quy định về thuế,…
Tôi cũng xin nói thêm chi tiết một chút đối với Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, từ năm 2017 khi áp dụng chính sách này đến nay, chúng tôi đánh giá tác động của chính sách này đối với các doanh nghiệp là rất lớn. Chúng tôi đã có những bảng tổng kết, những con số rất chi tiết về hiệu quả của chính sách này và nó thể hiện bằng kết quả khi mà các chính sách này được đưa vào áp dụng trong thực tế.
Cụ thể như, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta hiện nay đã tham gia dần được vào các chuỗi cung ứng và đạt được giá trị gia tăng tương đối cao. Bên cạnh đó, chúng ta tự chủ được những nguồn nguyên vật liệu, cụ thể như trong ngành dệt may - da giày hiện nay chúng ta cũng tự chủ được khoảng 30 - 45%; trong lĩnh vực cơ khí chế tạo chúng ta tự chủ được phần nguyên liệu khoảng 30%; trong lĩnh vực ô tô tỉ lệ nội địa hóa tương đối lớn,…
Với những chính sách ưu đãi về công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều các doanh nghiệp FDI vệ tinh đi theo những tập đoàn lớn đã tham gia đầu tư vào Việt Nam để được hưởng các chính sách ưu đãi về chính sách, về thuế và các chính sách liên quan đến môi trường, vốn đã được ban hành.
Tuy nhiên, nhìn chung, đến nay, các địa phương còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng,… trong thời gian vừa qua, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tôi cho rằng một số địa phương làm rất tốt. Như Thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua (trước năm 2024) đã có chính sách cho các dự án ưu tiên được vay vốn bằng cách cấp bù lãi suất. Và theo như tôi được biết thì trong ngày 19/7/2024 vừa rồi UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành một Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chính sách cấp bù lãi suất cũng đã được đưa vào trong dự thảo của Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Quan điểm của chúng tôi, với vai trò là Bộ Công Thương, chúng tôi cũng chỉ là bước đầu để cho các địa phương làm theo thôi, bởi Bộ cũng không thể đủ nhân lực, nguồn lực để triển khai tất cả các công việc, mà vai trò của địa phương ở đây là rất lớn. Để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, các địa phương phải rất sát sao, và theo tôi để làm tốt công tác này thì trong chính sách thu hút đầu tư của địa phương cũng nên đâu đó có sự ràng buộc các nhà đầu tư khi mà đầu tư vào, được hưởng các chính sách ưu đãi thì cũng phải có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, ví dụ như có thể trong một thời gian nhất định đưa một số lượng nhất định doanh nghiệp của Việt Nam tham gia được vào cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đây là một nội dung mà tôi nghĩ là các địa phương rất nên lưu ý.