Có thể nói, thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Vì khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao, và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh thì sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Ngược lại, khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế thì lại tạo ra một sự bảo chứng về uy tín và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam, tự tin vươn mình cùng với các doanh nghiệp ngoại quốc, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Qua gần 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điển hình, trong 3 năm trở lại đây thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình THQG (Vietnam Value).
Theo đánh giá của Tổ chức Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia), trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD và xếp hạng thứ 42.
Do ảnh hưởng nặng nề từ Covid 19, trung bình 10 nước có giá trị thương hiệu hàng đầu thế giới đều bị sụt giảm, các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines cũng đều bị tụt hạng. Do đó, đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
Sự nâng cao về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được dựa trên nhiều yếu tố, nhưng không thể không kể đến sự mở rộng về quy mô sản xuất, nhân công lao động, doanh thu liên tục tăng qua các năm…
Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG trong kỳ xét chọn lần thứ 7 năm 2020, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động.
Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid 19 bùng phát ở nước ta, đa số các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia đều triển khai các hoạt động chung tay cùng cộng đồng với số tiền và hiện vật quyên góp lên tới trên 80 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình THQG, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại với vai trò là đơn vị đầu mối triển khai, đã và đang tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới doanh nghiệp ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng như tại thị trường nước ngoài với thương hiệu ngành hàng Foods of Vietnam. Cục đã mời các chuyên gia hàng đầu về thương hiệu đào tạo, phổ biến về bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, Cục XTTM cũng phối hợp với các hiệp hội ngành hàng thực phẩm, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho ngành hàng thực phẩm tại các hội chợ triển lãm quốc tế.
Các doanh nghiệp sẽ cơ hội gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với những nhà ra quyết định chủ chốt trong lĩnh vực mua hàng thuộc tất cả các ngành nghề liên quan đến khắp các nước trên khắp thế giới. Những buổi hội thảo chuyên sâu về nâng cao năng lực thiết kế cho doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi mẫu mã để thu hút người tiêu dùng, từ đó cũng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thực tiễn trong nước và quốc tế đã chứng minh thị trường nội địa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của quốc gia nói chung. Tại thị trường nội địa, thông qua việc xây dựng THQG, công tác tuyên truyền quảng bá cũng được thực hiện rất đa dạng và có độ phủ sóng rất cao với việc thực hiện phát sóng các chuyên đề về Thương hiệu quốc gia trên 4 Đài Truyền hình gồm Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn và Truyền hình SCTV, Truyền hình VTC, Truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam VOV1, nhờ vậy mà thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đạt THQG đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, tăng tần suất phủ sóng và nâng cao độ nhận diện thương hiệu.
Đây là các đài truyền hình giữ vai trò chủ đạo trong công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, có uy tín và ảnh hưởng lớn đối với hệ thống báo chí và truyền hình tại Việt Nam. Bên cạnh việc thực hiện quảng bá trên Đài truyền hình thì các phương tiện truyền thông khác như Đài tiếng nói Việt Nam, báo giấy, báo điện tử cũng sẽ được Bộ Công Thương triển khai. Các chuyên đề về Thương hiệu quốc gia cũng tập trung vào thương hiệu ngành, quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường, quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với văn hóa, du lịch...
Có thể nói, xây dựng Thương hiệu quốc gia là một công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia, còn năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện cần thiết để các ngành, các doanh nghiệp và sản phẩm phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.