Trong Báo cáo thường niên năm 2023, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã cổ phiếu HAH - sàn HoSE) nhận định, so với năm 2023, thị trường vận tải biển nói chung và vận tải container nói riêng trong năm nay sẽ có xu hướng ổn định và tăng nhẹ về giá cước vận tải cũng như giá thuê tàu. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhiều khó khăn và thách thức.
Cụ thể, về phía nguồn cung, nguồn cung đội tàu trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong năm nay do số lượng tàu giao mới dự kiến chiếm 10,4% tổng nguồn cung đội tàu, với tổng công suất lên đến 2,95 triệu TEU - mức cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Theo hãng nghiên cứu thị trường Clarkson, nguồn cung dự kiến sẽ vượt 3,1% nhu cầu trong năm 2024.
Trong khi đó, các yếu tố ảnh hưởng đến sức cầu kéo dài từ năm 2023 vẫn chưa có cải thiện và tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024. Đó là người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trước tình hình lạm phát, lãi suất tăng, và xu hướng chi tiêu hậu Covid - 19 dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ như du lịch, chăm sóc sức khỏe…
Ngoài ra, các bất ổn địa chính trị xảy ra từ những điểm nóng trên toàn thế giới vẫn chưa thể kết thúc sớm, tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu, ban lãnh đạo Xếp dỡ Hải An đánh giá.
Kết quả kinh doanh của Xếp dỡ Hải An trong năm vừa qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi cả giá cước vận tải, giá cho thuê tàu, lẫn sản lượng khai thác sụt giảm sâu. Bên cạnh đó, Liên doanh ZIM-HAIAN vừa mới đi vào hoạt động nên công ty vẫn ghi nhận lỗ tại liên doanh này.
Luỹ kế cả năm 2023, Xếp dỡ Hải An ghi nhận doanh thu hơn 2.612 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 371 tỷ đồng, lần lượt giảm 18,5% và giảm 64% so với năm 2022. Dữ liệu của SSI Research cho thấy, giá cước bình quân mảng vận tải biển trong năm 2023 đã giảm từ 50-60% so với mức kỷ lục trong năm 2022.
Chia sẻ về định hướng kinh doanh trong thời gian tới, ban lãnh đạo Xếp dỡ Hải An cho biết sẽ tập trung tăng thị phần vận tải container và phạm vi hoạt động trên tuyến nội địa bằng việc tăng số chuyến và các cảng ghé mới.
Bên cạnh đó, Liên doanh ZIM-HAIAN sẽ phát triển các tuyến Nội Á (Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Đông), áp dụng linh hoạt tỷ lệ tàu được công ty tự khai thác và cho thuê định hạn, tiết kiệm chi phí để đảm bảo cho đội tàu hoạt động có lãi.
Với việc vừa tiếp nhận tàu HAIAN ALFA vào tháng 12/2023 và tiếp tục nhận thêm 3 tàu đóng mới trong năm 2024, năng lực vận tải của công ty sẽ được củng cố và công ty sẽ tìm kiếm các hãng tàu nước ngoài để hợp tác khai thác, trao đổi chỗ trên các tuyến nội Á nhằm từng bước mở rộng khai thác các tuyến nội Á.
Hiện công ty đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng sản lượng vận tải nước ngoài lên 30% 40% tổng sản lượng vận tải hàng năm của đội tàu, ban lãnh đạo Xếp dỡ Hải An chia sẻ.
Đáng chú ý, Xếp dỡ Hải An sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mua tàu thích hợp để tăng năng lực, chất lượng cho đội tàu; đồng thời, đầu tư vào các dự án hạ tầng nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Trong tháng 12/2023, Xếp dỡ Hải An đã công bố kế hoạch dự kiến mua hơn 4,6 triệu cổ phiếu, tương đương 51,5% cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cảng Lưu Nguyễn - Cái Mép, với trị giá 124,4 tỷ đồng. Đây là một phần trong chiến lược của Xếp dỡ Hải An nhằm mở rộng dịch vụ logistics và cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Theo đánh giá mới đây của một số tổ chức tài chính, hoạt động khai thác tuyến Nội Á của Xếp dỡ Hải An sẽ tăng tốc kể từ quý 2/2024 trở đi khi giao dịch thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc đang phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, việc sử dụng nợ vay và phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cho việc đầu tư thêm tàu mới có thể khiến chi phí lãi vay tăng, làm giảm lợi nhuận của Xếp dỡ Hải An. Trong năm ngoái, chi phí lãi vay của Xếp dỡ Hải An đã tăng 28,4%.
Bên cạnh đó, việc nhận thêm tàu mới trong tình trạng dư cung năng lực vận tải hiện nay có thể khiến công ty vẫn phải ký các hợp đồng cho thuê tàu định hạn với mức giá thấp.