Ngày 27/4 tại Hải Phòng, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) đã tiến hành lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về Hợp tác sản xuất kinh doanh (SXKD) với liên danh Tập đoàn An Phát và các đối tác nước ngoài và tổ chức lễ vận hành thương mại phân xưởng sản xuất sợi Filament của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Tiếp đến, ngày 24/7/2018, Xơ sợi Đình Vũ và Công ty Cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn - thành viên của Tập đoàn An Phát đã cùng nhau ký kết "Hợp đồng gia công sợi DTY".
Theo kế hoạch, 2 bên hợp tác để vận hành toàn bộ phân xưởng sợi Filament trong quý III/2018 và vận hành toàn bộ Nhà máy trong quý IV/2018. Như vậy, có thể nói về cơ bản Xơ sợi Đình Vũ đã được giải cứu sau 3 năm nằm đắp chiếu.
Tuy nhiên trong 3 năm ấy, 2 năm đầu tiên, mọi việc gần như dẫm chân tại chỗ. Nói về tinh thần, PVN đã hết sức sốt ruột và quyết liệt trong xử lý 5 dự án không hiệu quả của ngành. Nhưng cuộc họp nào, phương án nào đưa ra cũng rơi vào tình trạng trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Với Xơ sợi Đình Vũ, nhà máy này đã ở “trạng thái tĩnh” 22 tháng trước đó; muốn khởi động, phải mất 1 năm, cả tuyển nhân sự, đào tạo… Dự trù kinh phí khoảng 250 tỷ đồng, trong đó trả nợ cũ 172 tỷ đồng, 40 tỷ đồng bảo dưỡng, 17 tỷ đồng cho đào tạo…Nhưng tiền ở đâu ra? Hàng chục cuộc thảo luận, tranh luận lên phương án khởi động lại nhà máy đều dừng lại ở phần cuối cùng: thu xếp kinh phí. Điều đó có nghĩa là “tập quán” nghe ngóng, chờ đợi Nhà nước rót vốn để xử lý các vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 5/7/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các dự án không hiệu quả ngành Công Thương đã bày tỏ sự không hài lòng, nhóm 5 dự án của PVN (trong đó có Xơ sợi Đình Vũ) “Hầu như không có chuyển biến gì, mà tình hình còn tệ đi”; và một lần nữa nhắc lại định hướng “Nhà nước kiên quyết không rót vốn để xử lý các dự án tồn đọng”. Hai hôm sau, ngày 7/7/2017, Bộ Công Thương tổ chức họp khẩn với PVN; thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã truyền đạt phương châm chỉ đạo: “Khởi động dự án trước, tiếp đó là thoái vốn Nhà nước” nhằm thu hút sự tham gia của các cổ đông hiện hữu, cổ đông tiềm năng cùng chủ đầu tư chung tay giải quyết bài toán “đầu tiên - tiền đâu”. Đồng thời “lệnh” rất cụ thể: 2017 hoàn thành phương án xử lý; 2018 cơ bản giải quyết hết khó khăn; 2020 hoàn thành dứt điểm.
Sau đó, PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên (PVFCCo, PVCFC, BSR) cử nhân sự đến hỗ trợ Xơ sợi Đình Vũ rà soát đánh giá thực trạng, thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng Nhà máy, và thành lập Tổ hỗ trợ về Kỹ thuật, Tài chính, Thương mại, Pháp lý… từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ khởi động lại Nhà máy.
Đầu năm 2018, Xơ sợi Đình Vũ đã khởi động một phần phân xưởng DTY theo hướng từng bước nâng dần công suất xưởng DTY, tạo tiền đề cho việc khôi phục và vận hành sản xuất kinh doanh toàn nhà máy - như một bước mời chào các cổ đông hiện hữu và cổ đông tiềm năng. Đồng thời, trình cấp thẩm quyền các kịch bản liên quan đến việc vận hành lại nhà máy. Theo kịch bản thứ nhất, nhà máy sẽ tự vận hành. Kịch bản thứ hai là hợp tác gia công và kịch bản thứ ba là bán hoặc phá sản công ty. Mỗi kịch bản sẽ được tính toán và đề xuất phương án cụ thể sao cho đơn vị chịu ít thiệt hại nhất cũng như kiến nghị các cơ chế chính sách bảo đảm phương án khả thi nhất.
Tiếp đó, Xơ sợi Đình Vũ mời chào các nhà đầu tư hợp tác có đủ tiềm năng gửi hồ sơ tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh. Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, đánh giá năng lực thực tế, Xơ sợi Đình Vũ đã tiến hành ký MOU về hợp tác sản xuất kinh doanh với Liên danh Tập đoàn An Phát và các đối tác nước ngoài.
Có thể nói, định hướng “Nhà nước kiên quyết không rót vốn” và phương châm chỉ đạo của Bộ Công Thương: “Khởi động dự án trước, tiếp đó là thoái vốn Nhà nước” đã tạo ra một vị thế hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư có thực lực tham gia vào khởi động lại nhà máy, “giải cứu” một dự án đắp chiếu 3 năm nay.