Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ đưa một số mặt hàng nông sản Mỹ, trong đó có đậu tương và thịt lợn, ra khỏi danh sách hàng hóa bị nước này đánh thuế bổ sung.
Mới đây, cả Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua đều có những động thái mang tính “hòa giải” với việc Trung Quốc nối lại nhập khẩu nông sản Mỹ trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn tăng thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc đã áp mức thuế bổ sung 25% đối với các nông sản Mỹ, trong đó có thịt lợn và đậu tương từ tháng 7/2018. Sau đó, Trung Quốc đã tăng thuế đối với đậu tương và thịt lợn nhập khẩu của Mỹ thêm lần lượt 5% và 10% kể từ ngày 1/9.
Theo Tân Hoa Xã, "Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp liên quan mua một số lượng nhất định đậu tương, thịt lợn và các nông sản khác của Mỹ kể từ ngày 13/9 theo các nguyên tắc của thị trường và quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".
Trước khi Trung Quốc thông báo miễn áp thuế bổ sung đối với thịt lợn và đậu tương, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mua ít nhất 10 tàu đậu tương Mỹ trong ngày 12/9, mức cao nhất kể từ tháng 6/2019.
Các quan chức cấp thấp của Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc gặp tại Washington (Mỹ) trước khi các cuộc đàm phán giữa những nhà đàm phán thương mại cấp cao của hai nước này nhóm họp vào tháng 10/2019.
Tổng thống Donald Trump ngày 12/9 cho hay ông mong muốn một thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc, song không loại trừ khả năng hai nước đạt được một thỏa thuận tạm thời.
Thương chiến Mỹ Trung dai dẳng đã khiến nền kinh tế của hai quốc gia lớn nhất thế giới này bị ảnh hưởng, mà khiến kinh tế toàn thế giới diễn biến theo. Mới đây, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice nhận định cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu mất 0,8% trong năm 2020 và gây nhiều thiệt hại hơn trong những năm sau đó. Trước đó, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ sụt 0,5% trong năm tới, do tác động từ các mức thuế quan. Ông Rice cho rằng những căng thẳng thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, vốn đang đối mặt với những thách thức như hoạt động chế tạo yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.