Sáng 4/9/2020, Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 26 - Cục QLTT Hà Nội cùng thành viên tổ công tác 368-Tổng cục QLTT đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Quỳnh Hoan tại địa chỉ Tổ 17, Bắc Lãm, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội.
Qua thực tế kiểm tra, đấu tranh, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở Quỳnh Hoan đã và đang thực hiện việc chụp ảnh thông tin trên bao bì của Công ty TNHH Tân Hợp Thành (địa chỉ số 1A- Đường Hồ Văn Thắng – xã Tân Thạch Tây – huyện Củ Chi – TP HCM) sau đó chỉnh sửa lại thông tin nhãn THCook thành HQCook.
Thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa là Công ty TNHH Tân Hợp Thành thành KAGAWA với địa chỉ tại 301/28 Phan Xích Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TP HCM; Website: www. kagawa.vn còn giữ nguyên (giả mạo) mã số mã vạch 8938504329... và dấu hợp quy Vietcert 15.600-HQ-15 QCVN 12-3:2011/BYT của Công ty TNHH Tân Hợp Thành theo các giấy chứng nhận số 15.600-HQ5 và chứng nhận sử dụng mã vạch số N012417 sau đó cơ sở Quỳnh Hoan đặt in bao bì với các nội dung giả mạo trên tại Công ty Tín Phát có địa chỉ tại khu Công nghiệp La Phù, Hoài Đức, Hà Nội.
Tiếp theo, cơ sở Quỳnh Hoan sử dụng bao bì có các thông tin giả mạo trên để đóng gói các loại nồi kim loại không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Thông tin tại hiện trường, đại diện Đội QLTT số 1 Hà Nội cho biết, số lượng nồi kim loại không nguồn gốc, hóa đơn, là hàng trôi nổi, không hợp quy chuẩn, khi sử dụng sẽ gây độc hại cho người tiêu dùng trong quá trình nấu ăn.
Sau khi kiểm đếm sơ bộ, số lượng hàng hóa phát hiện tạm giữ gồm 527 chiếc nồi kích thước 28cm, 24cm, 18cm, 14cm và 1.770 chiếc vỏ thùng bao bì có in các thông tin giả mạo.
Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ cơ sở Quỳnh Hoan cho biết, toàn bộ hoạt động giao dịch bán hàng được thực hiện qua mạng xã hội zalo. Khi có khách đặt hàng, cơ sở này sẽ đóng gói vào các bao bì có in các thông tin giả mạo nhãn hiệu.
Hiện tại, Đội QLTT số 1 đang tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ các nội dung vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng.
Ngay sau vụ việc, đại diện Công ty TNHH Tân Hợp Thành đã gửi thư cảm ơn chiến công của lực lượng QLTT trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền, lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng.
Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch 3972 của Tổng cục QLTT về đấu tranh, phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020, cũng như thực hiện Kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại năm 2020 của Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội.
Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp cùng thành viên Tổ công tác 368 tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 3, xóm 3, Đại Định, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội do ông Đào Xuân Sơn làm chủ.
Cơ sở đang kinh doanh hàng hóa là quần áo, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... hoạt động ẩn sâu trong khu dân cư và chỉ sử dụng tài khoản facebook.com có tên “Tổng kho Huyền Trang” để giao dịch mua bán, giao nhận hàng hóa.
Các loại hàng hóa đang kinh doanh tại cơ sở gồm: Nước hoa Dionel, Kem dưỡng ẩm Graco, Dầu xoa trị mụn OL-CELL, Dầu gội Ylofang, Bột ngũ côc Hafer Flocken, Thực phẩm bổ sung Vitamin E, Kem trị mụn KLNPBIH, Kem đánh răng Sensodyne, Quần dài Gucci...
Khai nhận với cơ quan chức năng, chủ cơ sở thừa nhận, toàn bộ hàng hóa tại cơ sở không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu là hàng lậu và giả mạo nhãn hiệu GUCCI và SENSODYNE đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Đáng chú ý, ngày 3/9, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) cũng đã phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng môi trường, CATP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra kho hàng tập kết các nguyên liệu pha chế trà sữa, nước giải khát tại xóm 4,Yên Bài, Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 4.117kg thực phẩm đóng gói, nguyên liệu pha chế đồ uống trà sữa gồm: bột trà sữa, nước siro các loại vị; mứt hoa quả các loại do nước ngoài sản xuất, không có có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Kho hàng này được xác định do Lỗ Văn Nam (SN 1989, có hộ khẩu thường trú tại Yên Bài, Mê Linh, Hà Nội) làm chủ.
Đại diện Đội QLTT số 17 cho biết, tất cả các mặt hàng nguyên liệu pha chế trà sữa vừa bị cơ quan chức năng phát hiện và tạm giữ trên, được tập kết tại kho sau đó mang đi tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh nước uống trà sữa trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Từ vụ việc trên, lực lượng chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần lựa chọn những thương hiệu, các loại nước uống có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Đặc biệt, tránh xa những mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất sứ và có chất lượng không đảm bảo, gây ảnh hưởng sức khoẻ của người tiêu dùng.