Xu hướng tiêu dùng bia

Năm 2014, Việt Nam tiêu thụ 3,14 tỷ lít bia, một con số kỷ lục. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành bia thời gian gần đây cũng chững lại, từ mức 15 - 20% trước đây nay tụt xuống còn 6 - 7% trong 2

Hiện tại, mức tiêu thụ bia tính trên đầu người của Việt Nam đứng thứ sáu tại châu Á, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của thế giới là 27 lít/người.

Bia hơi vẫn là thứ đồ uống yêu thích với nhiều người, đặc biệt tại miền Bắc, mà tập trung nhiều nhất là ở Hà Nội với các nhãn hiệu: Bia hơi Hà Nội, Việt Hà, Heniger, Bia hơi Sài Gòn. Tuy nhiên, sau một thời gian, giờ đây một bộ phận không ít người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng bia chai, bia lon hoặc bia tươi tại các Beer Club.

Bia tươi - trào lưu mới nổi

Bia tươi thời gian qua thực sự lên ngôi và trở thành một xu hướng tiêu dùng mới. Tại các thành phố lớn, các Beer Club mọc lên ngày càng nhiều, cùng với chất lượng bia tốt hơn thì việc đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống phục vụ (các nhà hàng) quả thực đã tạo nên một gương mặt mới cho các tụ điểm uống bia.

Các Beer Club đã tạo dựng được cho mình một chỗ đứng ở phân khúc khách hàng trung lưu, cao cấp, đặc biệt là giới trẻ. Với việc tạo ra một không gian sang trọng, hiện đại, dịch vụ tốt, các Beer Club đã tạo nên một xu hướng tiêu dùng trong giới trẻ. Giờ đây, nhiều người tìm đến câu lạc bộ bia vừa để thỏa mãn sở thích tiêu dùng, vừa để thể hiện khả năng tài chính và sự thức thời trước một thói quen tiêu dùng mới và sẽ sớm trở thành một trào lưu mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp lớn của ngành bia cũng đổ tiền đầu tư để giành thị phần tại phân khúc tương đối cao cấp này. Hiện nay, cả nước có đến hàng trăm Beer Club với sự tham gia của các ông lớn như Heineken, Saporo, Tiger, Đại Việt, Habeco,… Sau khoảng 20 năm hình thành kênh bán hàng bia tươi với hai cái tên đầu tiên là Hoa Viên (TP. Hồ Chí Minh) và Legend (Hà Nội) thì đến nay, bia tươi mới thực sự trở thành một xu hướng tiêu dùng mới. Bia Sài Gòn, doanh nghiệp có sản lượng bia cao nhất nước với công suất đạt 1,4 tỷ lít/năm cũng bắt đầu tham gia vào sân chơi này.

Đầu tư cho bia tươi không chỉ là một cuộc chơi, nhiều doanh nghiệp lớn đã xem đây là mảnh đất vàng, minh chứng cho nó là các dự án nghiêm túc phát triển cho ngành hàng này mà điển hình là Saporo với việc nâng công suất nhà máy (trong đó có bộ phận sản xuất bia tươi) từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm và phấn đấu đạt 150 triệu lít/năm vào năm 2019.

Thị trường bia Việt Nam cũng bắt đầu có sự xuất hiện của loại bia không cồn, tiên phong trong lĩnh vực này là thương hiệu bia Sagota của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Bình Tây. Hiện Sagota đã được sản xuất thành công ở quy mô công nghiệp với công suất đạt 5 triệu lít/năm và có mức giá bán từ 50 - 60% giá bán bia không cồn nhập khẩu (bia không cồn nhập khẩu bán dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/lon). Dự kiến, thời gian tới, bia không cồn sẽ ngày càng được yêu thích do những ưu thế mà nó mang lại, cùng với những quy định khắt khe của các cơ quan chức năng với người sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu.

Các quan khách chúc mừng sản phẩm mới “bia không cồn Sagota”

Sản phẩm cao cấp Made in Việt Nam được yêu thích

Bia nhập khẩu những năm gần đây mặc dù chiếm sản lượng tiêu thụ không lớn nhưng cũng đã hình thành được một số lượng nhất định người tiêu dùng thường xuyên. Tuy nhiên, do mức giá khá cao nên bia nhập khẩu cũng kén người sử dụng và khó có thể trở thành một xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, đứng trước áp lực bán bớt cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại theo chủ trương của Chính phủ, hiện nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc cho ra đời các sản phẩm bia cao cấp. Điển hình như Bia Hà Nội cho ra đời dòng bia cao cấp Premium và mới đây là việc làm sống lại thương hiệu bia Trúc Bạch. Ít nhiều những dòng bia này cũng tạo ra những đối trọng đáng kể với các thương hiệu bia cao cấp trên thị trường hiện nay như: Heineken, Tiger, Carsberg,…

Mặc dù đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường và giữ vị trí dẫn đầu ở dòng bia phổ thông nhưng Bia Sài Gòn đã mạnh dạn quốc tế hóa thương hiệu, tung ra thị trường các sản phẩm bia cao cấp là Saigon Gold, bia lon Sài Gòn Special và Sài Gòn Lager hướng tới phân khúc người tiêu dùng trẻ, năng động. Có thể nói, một điểm mới của thị trường bia Việt Nam hiện nay đó là cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm cao cấp. Việc tung ra các sản phẩm bia cao cấp của các doanh nghiệp lớn ngành Bia Việt Nam được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận và từng bước làm thay đổi xu hướng tiêu dùng bia trong nước.

Ranh giới vùng miền đang bị xóa nhòa

Một điểm chuyển biến đáng kể nữa của thị trường bia Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây đó là ranh giới vùng miền của sản phẩm đang dần bị xóa nhòa. Nếu trước đây, địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc là mảnh đất “độc quyền” của Bia Hà Nội. Từ Hà Tĩnh đến Huế là “lãnh địa” của Bia Huế, từ Đà Nẵng trở vào là “thuộc địa” của Bia Sài Gòn thì vài năm trở lại đây, ranh giới hành chính này dần bị xóa mờ bởi chính sách phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp lớn trong ngành bia. Đặc biệt với Bia Sài Gòn, đây là doanh nghiệp tiên phong trong việc chinh phục người tiêu dùng miền Bắc mở rộng thị trường. Bia Sài Gòn đã giành được những thành công nhất định trong việc chia sẻ lại chiếc bánh thị trường tại miền Bắc và phần nào thay đổi tư duy “thống trị” của các doanh nghiệp ngành bia theo kiểu phân vùng địa lý.


Đức Thành