Nỗ lực cao nhất theo sát tiến độ
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (tại Xã Mỹ Lộc, Huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình) có quy mô công suất 2x600MW, tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 (sau VAT) là 41.799,131 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tổng thầu EPC: Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Dự án đặt mục tiêu đối với Tổ máy 1 đốt điện lần đầu vào 23/2/2022, hòa lưới điện 19/5/2022, đốt than lần đầu 16/6/2022 và phát điện thương mại (COD) vào 30/11/2022. Đối với Tổ máy 2, đặt mục tiêu đốt dầu lần đầu vào 22/4/2022, hòa lưới điện 20/7/2022, đốt than lần đầu vào 5/8/2022 và COD, đồng thời bàn giao nhà máy (PAC), vào 31/12/2022.
Đến nay, dự án vẫn đang bám sát các mục tiêu tiến độ đề ra. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 (Ban QLDA), tiến độ tổng thể Dự án đạt 88,2%. Trong đó, tiền độ thiết kế đạt 100%; tiến độ mua sắm đạt 95,66%; tiến độ xây thi công đạt 87,12% và tiến độ chạy thử đạt 22,25%.
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, việc kiện toàn bộ máy quản lý dự án và xây dựng kế hoạch cấp vốn đã được PVN chú trọng, nhằm đáp ứng đủ điều kiện ngân sách, tài chính để Ban QLDA có thể thanh toán kịp thời cho các nhà thầu, đảm bảo tiến độ thi công; song song với đó tổ chức quản lý, giám sát công tác giải ngân chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.
Trên công trường hiện tại có 24 đơn vị tham gia thi công và chạy thử. Nhân lực trực tiếp thi công trong tháng 1/2022 đã tăng so với các tháng trước đây, nhân lực bình quân trong những ngày bình thường duy trì khoảng trên 500 người, nhà thầu chạy thử duy trì nhân công cho các công việc quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán và sẽ tiếp tục huy động tăng cường sau nghỉ lễ để đảm bảo tiến độ các hạng mục.
Dự án đã hoàn thành lắp đặt và đang chạy thử 22/28 hệ thống. 6 hệ thống còn lại được triển khai lắp đặt và chạy thử song song.
Trong đó, hầu hết các hệ thống liên quan đến đốt lửa lần đầu bằng dầu và hòa lưới lần đầu bằng dầu đã hoàn thành lắp đặt, đang triển khai lắp điện hệ thống giám sát khối thải (CEMS), tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng và chạy thử thiết bị. Đã hoàn thành xúc rửa hóa chất lò hơi, chạy quạt khói, quạt gió, thông thổi đường hơi tự dùng, chạy đơn động cơ bơm cấp, bơm nước làm mát, bơm ngưng Tổ máy 1,… chuẩn bị cho mốc đốt lửa lần đầu.
Các hệ thống thuộc mốc đốt than đang được đẩy nhanh thi công lắp đặt để đáp ứng mốc đốt than lần đầu.
Ngoài ra, công tác an ninh, an toàn và sức khỏe môi trường đang được củng cố, quán triệt chặt chẽ tới tất cả các đơn vị, nhà thầu tham gia thi công, yêu cầu tuân thủ các quy định để đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn và vệ sinh lao động, an toàn môi trường trên công trường.
Các hạng mục xây dựng; công tác chuẩn bị sản xuất, đào tạo nhân lực vận hành, bảo dưỡng sửa chữa; công tác hậu cần phục vụ vận hành nhà máy; công tác giải ngân, thanh toán cũng đang được rà soát, triển khai nhanh chóng, nghiêm túc.
“Đến nay, các hạng mục công việc trên công trường cơ bản chúng ta có thể yên tâm cho mốc 23/2 và 19/5 sắp tới. Với mốc xa hơn là 16/6 và 30/11, Tập đoàn, Ban QLDA và Tổng thầu đang quyết tâm rất cao, bằng tất cả nguồn lực của mình, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, khó khăn còn lại để đảm bảo phấn đấu hoàn thành và đưa vào vận hành COD 30/11/2022 đúng như cam kết với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như Bộ và địa phương”, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho hay.
Ghi nhận quyết tâm lớn của tập thể Ban QLDA, các đơn vị thầu và người lao động tại dự án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng công tác quản lý rủi ro để đảm bảo các mốc tiến độ đang được thực hiện tốt, và bày tỏ tin tưởng “với tinh thần quyết tâm thi công xuyên Tết thế này, chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu”.
Thứ trưởng lưu ý, Ban QLDA cần khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực tinh nhuệ trên tất cả các công đoạn để phục vụ công tác bảo dưỡng, chạy thử và chuẩn bị sán xuất, song song với quá trình thi công.
Vấn đề an toàn môi trường cũng cần được quán triệt và thực hiện nghiêm ngặt để không xảy ra sự cố liên quan đến an toàn môi trường trong suốt quá trình, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đây cũng là lĩnh vực được đại diện các đơn vị Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương lưu ý đối với Ban QLDA, đặc biệt cần chú ý rà soát, đảm bảo yếu tố an toàn của các thiết bị máy móc, các hoá chất sử dụng trong quá trình sục rửa; cần có Hệ thống quản lý an toàn sức khoẻ và có phương án dự phòng để đảm bảo phòng ngừa, tránh các sự cố môi trường có thể xảy ra. Về phía mình, các đơn vị khẳng định sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để hỗ trợ tối đa, kịp thời xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền.
"Lên dây cót" cho giai đoạn nước rút
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉa sẻ, là người đã gắn bó rất nhiều năm với dự án, chứng kiến những khó khăn qua từng giai đoạn, Bộ trưởng rất vui mừng khi tiến độ dự án đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đi vào lĩnh vực cụ thể về kỹ thuật thì hầu hết các linh kiện thiết bị dù đã nhập, lắp đặt nhiều năm rồi, không được bảo dưỡng bảo quản đúng quy trình, nhưng vẫn đảm bảo vận hành an toàn.
“Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của PVN với tư cách chủ đầu tư, nỗ lực rất lớn của Ban QLDA và nhà thầu. Những gì các đồng chí đã khẳng định trong mấy tháng nay cho thấy chúng ta hoàn toàn có niềm tin”, Bộ trưởng chúc mừng những thành tích bước đầu mà dự án đã đạt được.
Chỉ còn 19 ngày đến mốc gần nhất là đốt dầu lần đầu Tổ máy 1 ngày 23/2, Bộ trưởng khẳng định những mục tiêu tiến độ đã đặt ra là “mệnh lệnh từ trái tim”, cũng là sự thúc giục đối với tất cả các đơn vị có liên quan đưa dự án về đích, đóng góp cho nguồn cung năng lượng quốc gia và góp phần mang lại lợi ích, nguồn thu cho đất nước và địa phương.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Bộ trưởng yêu cầu PVN:
Một là, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cấp vốn cho dự án. Tuy nhiên, công tác quản lý, giải ngân, thanh toán cần được giám sát, thực hiện đúng quy định hiện hành về sử dụng nguồn vốn.
Hai là, chỉ đạo tổng thầu và các đơn vị thầu lên tiến độ chặt chẽ để bảo đảm thực hiện cho được tất cả những mục tiêu đã đặt ra, “nếu sớm được ngày nào tốt ngày đó, nhưng không thể muộn hơn”.
Ba là, vì các máy móc thiết bị nhập về, thậm chí lắp đặt, đã lâu nên việc bảo trì, bảo dưỡng là cần thiết. Cần có sự phối hợp giữa tổng thầu và đơn vị cung cấp thiết bị để kiểm tra toàn bộ kĩ thuật trong lắp đặt, chạy thử, bảo trì bảo dưỡng.
Bộ trưởng lưu ý các ý kiến về việc đảm bảo an toàn máy móc của Thứ trưởng Đặng Hoàng An và đại diện các đơn vị thuộc Bộ là rất hợp lý, cần dược tiếp thu. Việc thu gom sản phẩm, chất thải đầu ra trong quá trình xúc rửa, chuẩn bị vận hành rất quan trọng, tránh xảy ra sự cố môi trường.
Bốn là, trong quá trình thực hiện dự án phải triển khai các phương án đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối với sự giám sát của một “tổng chỉ huy” về vấn đề bảo đảm an toàn. Đặc biệt, cần kiểm soát vấn đề kỹ thuật, an ninh không để xảy ra cháy nổ, mất mát, bởi chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra, thiết bị nhà máy là các sản phẩm đơn chiếc, đặc thù, không có sẵn để thay thế ngay, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Quan trọng là, phải phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương để tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích thường xuyên, kĩ lưỡng cho người dân hiểu được và giúp nhà máy bảo vệ tài sản.
Năm là, tiếp tục mua sắm thiết bị, linh kiện để bảo đảm dự án hoạt động bình thường. Thủ tục mua sắm phải đúng theo quy định, kiểm soát chặt chẽ.
Bộ trưởng đề nghị PVN thảo luận với EVN - đơn vị chủ quản của nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 - về hạ tầng dùng chung, phải làm sao để cơ bản hoàn thiện trước khi nhà máy khánh thành giai đoạn 1, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Tất cả các hạng mục phụ trợ, từ đầu vào như than, dầu, linh kiện thiết bị,… đến đầu ra như tro, xỉ,… cần được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, đến khi vận hành thương mại đồng bộ cả 2 Tổ máy thì những hạ tầng này đã phải hoàn thiện.
Đối với tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét chỉ đạo điều chỉnh các đơn vị liên quan điều chỉnh những dự án có liên quan đến thẩm quyền địa phương và tháo gỡ kịp thời; có thể cử đại diện cơ quan chức năng tham gia cùng Tập đoàn, Ban QLDA hoàn thiện hồ sơ sao cho đẩy đủ, đúng quy định nhất.
Đồng thời, tạo điều kiện khẩn trương cấp phép phòng cháy chữa cháy, hoàn thiện dự án nhà ở và hạ tầng giao thông xung quanh dự án; đặc biệt, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho dự án trong bối cảnh dịch bệnh.
Đối với các nhà thầu xây lắp, Bộ trưởng nhấn mạnh cần cố gắng quán triệt tinh thần lên tiến độ và đưa ra các giải pháp thực hiện nghiêm túc, “khó đâu, vướng đâu, gỡ đó”.
Về phía mình, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành liên quan và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án hoạt động đúng tiến độ.
Đối với một số kiến nghị của Tập đoàn và Ban QLDA thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Thứ trưởng Đặng Hoàng An trực tiếp phụ trách chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp hoàn tất hồ sơ, cấp phép theo đúng quy định pháp luật trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất. Đối với các vấn đề khác, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi các đơn vị liên quan để tháo gỡ cho dự án.
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời chúc sức khoẻ, thành công và hạnh phúc tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đồng thời hy vọng, Tập đoàn PVN, Ban QLDA, các nhà thầu sẽ tiếp tục nỗ lực ở mức cao nhất, phấn đấu đưa dự án về đích đúng tiến độ trong năm 2022.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương cũng đến thăm, chúc Tết lãnh đạo, cán bộ và người lao động tại Nhà máy Đạm Ninh Bình. Chi tiết xem tại Tạp chí Công Thương.