Trong tháng 12/2023, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu diện rộng đối với cá hồi, cá tuyết, cua, cá minh thái cũng như các loại cá và hải sản khác có nguồn gốc từ Nga. Kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu thuỷ sản từ Nga.
Tuy nhiên, lệnh cấm mới nhất đã mở rộng đáng kể phạm vị áp dụng, nhắm vào cả các sản phẩm đã qua chế biến sử dụng nguyên vật liệu của Nga bất kể địa điểm xử lý cuối.
Đồng thời, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định không cho phép các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nga được hưởng ưu đãi miễn thuế trong giai đoạn 2024 - 2026.
Bên cạnh đó, hồi tháng 11/2023, Liên minh châu Âu cũng quyết định tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu các sản phẩm cá từ Trung Quốc để kiểm soát hoạt động đánh bắt phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Hiện một số tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam kỳ vọng các động thái trên có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam, đặc biệt là cá tra phi lê, tại thị trường Mỹ và châu Âu. Đây là hai thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam. Trên thực tế, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang châu Âu trong tháng 12/2023 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 và 23% so với tháng 11/2023.
Hiện nhu cầu tiêu thụ cá tra tại thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ dần phục hồi trong năm nay.
Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cho thực phẩm đã tăng nhẹ trong quý 4/2023. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hiện dự báo đà tăng giá lương thực tại Mỹ sẽ tiếp tục chậm lại, chỉ còn tăng 1,3% trong năm nay, so với mức tăng 2,7% trong năm 2023 và 10,4% trong năm 2022. Việc giá lương thực ổn định lại được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, từ đó củng cố đà hồi phục chi tiêu cho thực phẩm của người Mỹ trong năm 2024.
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã cổ phiếu VHC), mặc dù hoạt động bổ sung hàng của các đối tác ở Mỹ trong quý 4/2023 không mạnh chủ yếu do chi phí để bảo quản hàng tăng cao, lượng đơn hàng lớn hơn sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2024.
Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp đứng đầu ngành chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước. Thị trường Mỹ cũng là thị trường lớn nhất, chiếm 40% doanh thu xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp này.
Xem thêm: "Xuất khẩu cá tra năm 2024 - Lấy đà vượt Vũ môn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đáng chú ý, giá cá tra của Việt Nam còn được thúc đẩy từ việc thiếu hụt nguồn cung. Giá cá thấp kéo dài trong năm ngoái cùng với xuất khẩu hồi phục chậm đã khiến nhiều hộ nông dân hạn chế thả nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên vật nuôi và thời tiết bất lợi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến tỷ lệ hao hụt cá giống tăng lên, tác động tiêu cực đến nguồn cung cá giống.
Trong khi đó, chu kỳ nuôi cá tra thường kéo dài từ 6 - 8 tháng; do đó, nguồn cung cá tra được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong cả năm nay. Trong tuần này, giá cá tra nguyên liệu (loại 0,8 - 1,1 kg) tại Đồng Tháp đã cán mốc 30.000 đồng/kg, tăng mạnh 15% so với mức 26.000 đồng/kg hồi cuối năm 2023.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết xu hướng tăng của giá cá tra hiện “rất tốt” và dự báo giá có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc nhập hàng để trả đơn cho đối tác.
Với các yếu tố cung - cầu trên, hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS) hiện dự báo giá cá tra xuất khẩu bình quân sang thị trường Mỹ trong năm nay sẽ tăng 10% so với năm 2023.