Thủ tục đơn giản
Ngày 11/3 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 868 Quy định việc cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, việc cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế chỉ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao nhiệm vụ xuất khẩu khẩu trang y tế với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế.
Sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu đạt TCVN 8389-1 : 2010; TCVN 8389-2 : 2010; TCVN 8389-3 : 2010 và đã có số lưu hành do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Hồ sơ cấp phép xuất khẩu được đánh giá là đơn giản, thuận tiện. Bao gồm 1 bản chính của doanh nghiệp đề nghị cấp phép và bản sao hợp lệ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc thông báo của Văn phòng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ xuất khẩu khẩu trang y tế với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế.
Trong thời hạn 24 giờ Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) xem xét cấp giấy phép xuất khẩu. Giấy phép xuất khẩu được gửi cho đơn vị đề nghị xuất khẩu để nộp cho Cơ quan Hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu.
Nói về nhu cầu thị trường, Bộ Y tế nhận định, dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu về nhóm trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến. Đặc biệt là nhóm sản phẩm vật tư y tế phòng hộ cá nhân như: khẩu trang, găng tay và trang phục bảo hộ…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm COVID-19.
Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19, như: Khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch.
Trước nhu cầu gia tăng mặt hàng này trên thế giới, các cơ sở sản xuất trong nước cần tăng công suất lên 40%.
Cần sự liên kết
Tuy nhiên, khi xuất khẩu các trang thiết bị bảo hộ chống dịch, doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn do tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn tại các quốc gia nhập khẩu (Mỹ, châu Âu) còn khác biệt khá lớn. Rất ít doanh nghiệp trong nước đạt được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Vì thế, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế của Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn tạm thời để hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất đáp ứng các yêu cầu cơ bản về tiêu chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Một số doanh nghiệp cho biết, Mỹ và EU đang rất cần các đơn hàng xuất khẩu về trang thiết bị y tế và những thành quả của Việt Nam trong công tác chống dịch đang là một điểm cộng cho Việt Nam đối với các sản phẩm này.
Mặc dù vậy, với năng lực hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có được các đơn hàng lớn trong khi các nhà nhập khẩu lại không muốn có các đơn hàng nhỏ lẻ.
Hiện không có nhiều doanh nghiệp có thể làm những hợp đồng lớn như May 10 đang thực hiện 400 triệu khẩu trang y tế với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020).
Như vậy có 2 vấn đề doanh nghiệp nước ta phải khắc phục là tiêu chuẩn của nước nhập khẩu và khả năng đáp ứng đơn hàng lớn.
Ở vấn đề thứ nhất, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế để ngành hàng này phát triển bền vững, lâu dài.
Vấn đề còn lại, các nhà sản xuất trong nước phải liên kết lại thực hiện một đơn hàng theo một tiêu chuẩn đồng nhất về chất lượng.