Thưa Bộ trưởng, từ đầu năm đến nay thì các nền kinh tế trong cộng đồng ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã chứng kiến rất nhiều những biến động bởi tác động của dịch Covid-19. Vậy Việt Nam đã phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 như thế nào, với kênh kinh tế là một trong ba trụ cột chính trong hợp tác ASEAN?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm nay là một năm rất đặc biệt. Chúng ta đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời ngay từ đầu năm lại xuất hiện dịch Covid-19 và ngày càng diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh như vậy, yêu cầu cao nhất của Việt Nam cũng như ASEAN và cộng đồng các nước trên toàn thế giới đều là phải tập trung ưu tiên để chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.
Vì vậy, ở tất cả các nước, dù sớm hay muộn cũng đã phải áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc công cộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Có thể nói, việc này đã tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế, thương mại cũng như đời sống của nhân dân các tầng lớp ở Việt Nam và các nước.
Do đó, trọng tâm của năm Chủ tịch ASEAN 2020, bên cạnh các sáng kiến quan trọng của Chính phủ Việt Nam và những nội dung đã đưa vào trong chương trình nghị sự, xuất hiện những nội dung mới, yêu cầu mới từ diễn biến thực tiễn của dịch bệnh và những tác động của nó đến kinh tế thương mại, các khía cạnh khác của các nước ASEAN cũng như toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, chúng ta đã chủ động điều chỉnh để có được một kế hoạch thích ứng, phù hợp với vai trò Chủ tịch ASEAN trong khuôn khổ về kinh tế và thương mại.
Chúng ta cũng xác định mục tiêu rất quan trọng mà đã được các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra, từ Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 14/2 về việc tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN, ứng phó với Covid-19, cho đến các sáng kiến, Tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, sáng kiến của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Nhật Bản, mới đây nhất là hội nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN và ASEAN+3. Tất cả đều hướng tới những nội dung, mục tiêu cấp bách và thiết thực lúc này, đó là ứng phó với Covid-19 một cách có hiệu quả, từng bước hồi phục lại nền kinh tế và thương mại, cũng như các khuôn khổ hợp tác chung nội khối ASEAN và ASEAN với các đối tác.
Đặc biệt, đối với ASEAN, những tác động và những hậu quả tiêu cực của Covid-19 cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã bộc lộ ra ở nhiều khía cạnh, nhưng trước hết đó là sự đứt gãy của các nguồn cung trong chuỗi cung ứng mà các nước ASEAN và Việt Nam đang tham gia. Đặc biệt là khi các nước ASEAN, trong đó có cả Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì tác động là rất nghiêm trọng.
Đối với tác động về thị trường, có thể thấy ngay trong quý I đã bộc lộ tình trạng Covid-19 diễn ra rất nhanh và mạnh ở tất cả các nước, đặc biệt là tại các thị trường lớn của Việt Nam, đồng thời là những thị trường trung tâm của các nước ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ… đã làm cho khả năng xuất khẩu và thương mại với các đối tác này đều bị giảm sút nghiêm trọng. Và chính vì vậy, nỗ lực của chúng ta và các nước ASEAN trong hợp tác kinh tế có nhu cầu rất đa dạng và rất lớn.
Chưa kể chúng ta còn phải tiếp tục tính đến khả năng đảm bảo an ninh lương thực cũng như hợp tác nội khối trong hàng loạt các lĩnh vực an ninh khác để đảm bảo cho đời sống của nhân dân cũng như phát triển kinh tế xã hội các nước trong ASEAN.
Vâng, cụ thể với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế trong nước cũng như khu vực, chúng ta cần phải làm gì để ổn định và phát triển kinh tế trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bằng cả những nỗ lực của chúng ta cũng như trong phối hợp chung với các nước ASEAN, chúng ta đều xác định các doanh nghiệp của chúng ta, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là những đối tượng cần được quan tâm và hưởng đầu tiên những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Chính vì vậy, chúng ta sẽ tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, bằng các kênh hỗ trợ của Chính phủ, sẽ xem xét để hỗ trợ cần thiết kể cả nguồn lực và cơ chế chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng phải trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế và phù hợp với những quy tắc chung của WTO để vẫn đảm bảo được nguyên tắc của thị trường và không phân biệt đối xử. Từ đó, các doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp của các nước ASEAN, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có điều kiện để vượt qua khó khăn và khôi phục lại được các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tiếp tục rà soát lại các khung khổ pháp luật về môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam để tiếp tục minh bạch hóa và thuận lợi hóa, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến tiếp cận thị trường cũng như liên quan đến hoạt động đầu tư.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường hơn nữa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức kết nối và liên kết trong các lĩnh vực, trong các khu vực kinh tế cũng như giữa các quốc gia và đặc biệt là tranh thủ sự phát triển của những công nghệ mới trong thương mại, trong các công nghệ cao khác để chúng ta vượt qua được những hạn chế và trở lại của các biện pháp phòng chống Covid-19.
Thứ tư, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua đã bộc lộ ra rất nhiều điểm yếu của các nền kinh tế ASEAN, cũng như sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, trong đó các nước ASEAN và Việt Nam cùng tham gia. Đã đến lúc chúng ta phải bằng những nỗ lực mạnh mẽ hơn của bản thân ASEAN cũng như của ASEAN với đối tác, để chúng ta có chính sách mới phù hợp hơn về đầu tư, lao động, công nghệ, thị trường, tài chính,… từ đó tổ chức liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN với các nước đối tác, hướng tới tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng này, đảm bảo khả năng thích ứng, bền vững hơn, có hiệu quả hơn của các nền kinh tế ASEAN cũng như của các chuỗi cung ứng đối với những nguy cơ mới trong tương lai.
Thứ năm, chúng tôi cho rằng cần phải tiếp tục các biện pháp để khai thông thị trường trong nước và thị trường ngoài nước.