Cụ thể, giá bỏ thầu với ngô được trồng tại Argentia đã tăng thêm 5 USD/tấn lên 167 USD/tấn; giá ngô Brazil cũng tăng thêm 10 USD/tấn lên mức 178 USD/tấn. Đà tăng giá của ngô Argentina và Brazil cũng phản ánh việc giá ngô trên thị trường nội địa của các nước này tăng lên. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ ngô của khối Liên minh Châu Âu (EU) tăng lên nhưng giá ngô tại khu vực Biển Đen được giữ ổn định tại mức 166 USD/tấn do sản lượng thu hoạch ngô tại khu vực này tăng cao. Giá bỏ thầu mua ngô trồng tại Hoa Kỳ tăng 5 USD/tấn lên mức 170 USD/tấn do nhu cầu xuất khẩu tăng.
Đối với tình hình xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ, USDA cho biết, tính đến thời điểm này, số lô hàng ngô đầu vụ đã được Hoa Kỳ xuất khẩu sang khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) ở mức cao đột biến. Điều này có thể cho thấy nhu cầu nhập khẩu ngô Hoa Kỳ trên thị trường thế giới trong niên vụ 2018/2019 sẽ ở mức cao. Dựa trên các hợp đồng đã được ký kết và các thông tin tổng hợp, tổng khối lượng ngô xuất khẩu của Hoa Kỳ trong niên vụ 2018/2019 đã đạt gần 16 triệu tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm niên vụ 2017/2018. Trong số các đơn hàng nhập khẩu này, khối lượng ngô Hoa Kỳ được khu vực Đông Á nhập khẩu là gần 5 triệu tấn, chiếm khoảng 30% tổng khối lượng xuất khẩu. Trong khi đó, tổng lượng ngô Hoa Kỳ được khu vực Đông Á nhập khẩu tính đến tuần thứ 13 của niên vụ 2017/2018 mới đạt 1,3 triệu tấn.
Theo USDA, nguyên nhân chính khiến nhu cầu sử dụng ngô không chỉ riêng tại khu vực Đông Á mà trên toàn cầu tăng cao là lợi thế cạnh tranh của ngô đã tăng lên đáng kể so với các loại ngũ cốc khác dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc như lúa mỳ và lúa mạch. Thứ nhất, nguồn cung ngô hiện đang dồi dào do các vụ thu hoạch đều có mức sản lượng cao kỷ lục. Thứ hai, trong niên vụ này, ngô Hoa Kỳ hiện có lợi thế cạnh tranh hơn đáng kể so với ngô Brazil. Cụ thể, sản lượng ngô của Brazil thấp hơn so với dự báo cùng với các khó khăn trong khâu vận chuyển. Các cảng xuất hàng của Brazil hiện đang bị tắc nghẽn bởi các đơn hàng xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc. Điều này đã khiến các lô hàng xuất khẩu ngô bị chậm lại đáng kể so với thông thường. Thứ ba, về mặt thị trường nội đia Hoa Kỳ, lượng đậu tương xuất khẩu từ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sang thị trường Trung Quốc bị giảm thấp trong niên vụ này và tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ tìm kiếm các thị trường mới. Các yếu tố này đã khiến lượng ngô được xuất khẩu sang khu vực Đông Á trong quý I của niên vụ 2018/2019 tăng gần gấp 4 lần so với niên vụ trước.
Tuy nhiên USDA cũng đưa ra khuyến nghị với các nhà xuất khẩu ngô nước này là mặt hàng ngô của Hoa Kỳ đang dần chịu sức cạnh tranh lớn hơn từ khu vực Nam Mỹ và Ukraine với mức sản lượng thu hoạch cao kỷ lục.