Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm từ cao su liên tục tăng trưởng, cụ thể nếu như năm 2016 đạt 482,8 triệu USD tăng 12,5% so với năm 2015, thì sang 2017 con số này đã tăng lên 596,89 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2016 và kết thúc năm 2018 đạt 710,52 triệu USD, tăng 19,1% so với năm 2017.
Tính riêng tháng 12/2018 đạt 64,73 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng 11/2018.
Sản phẩm từ cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật Bản, thị trường EU, Trung Quốc…
Trong đó Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng nhiều hơn cả 21,21% đạt 150,76 triệu USD, tăng 29,04% so với năm 2017, riêng tháng 12/2018 kim ngạch đạt 15,98 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 11/2018 và tăng 46,12% so với tháng 12/2017.
Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản với kim ngạch trong tháng 12/2018 chỉ có 11,43 triệu USD, giảm 3,79% so với tháng 11/2018 nhưng tăng 18,34% so với tháng 12/2017, tính chung cả năm 2018 đạt 132,46 triệu USD, tăng 19,05%.
Đối với thị trường EU, năm 2018 đã xuất 118 triệu USD, tăng 31,82% so với năm 2017.
Với vị trí và khoảng cách địa lý gần với Việt Nam, Trung Quốc đại lục đã nhập 89,74 triệu USD sản phẩm từ cao su từ Việt Nam, tăng 17,87% so với năm 2017, riêng tháng 12/2018 đạt 7,99 triệu USD tăng 0,97% so với tháng 11/2018 và tăng 9,17% so với tháng 12/2017.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất sang các thị trường khác như: Bangladest, Saudi Arabia, Campuchia….
Nhìn chung, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ cao su sang các thị trường phần lớn đều tăng trưởng chiếm trên 73%, trong đó xuất sang thị trường Tây Ban Nha tăng vượt trội, gấp trên 3,9 lần (tức tăng 299,24%) tuy kim ngạch chỉ đạt 3,1 triệu USD, mặc dù tháng 12/2018 xuất sang thị trường này giảm 54,32% so với tháng 11/2018 nhưng nếu so với tháng 12/2017 tăng gấp 3,8 lần (tức tăng 287,40%) tương ứng với 239 nghìn USD.
Ngoài ra, xuất sang thị trường Brazil cũng tăng khá, tăng 97,21% so với năm 2017 đạt 12,8 triệu USD, riêng tháng 12/2018 tăng 6,27% so với tháng 11/2018 và tăng gấp 2 lần (tức tăng 103,35%) so với tháng 12/2017 đạt 1,4 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, xuất sang Hongkong (TQ) và Thái Lan lại sụt giảm mạnh, giảm lần lượt 27,95% và 21,04% tương ứng với 187,8 nghìn USD; 922,4 nghìn USD.
Ngành Cao su Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, cơ hội càng được mở rộng thông qua các cam kết từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngành cao su đang có lợi thế rất lớn, tận dụng từ mủ cao su đến thân gỗ.
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Việt Nam hiện đang là một trong những nước dẫn đầu về năng suất ở châu Á, là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan và Indonesia.
Vifores cho biết, nguyên liệu cao su thiên nhiên (cao su thiên nhiên), sản phẩm cao su, gỗ cao su và đồ gỗ được làm từ gỗ cao su được xác định là 3 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành Cao su hiện nay. Ngoài xuất khẩu, tiêu thụ nội địa các sản phẩm của ngành Cao su cũng ngày càng được mở rộng, với nhiều thành phần kinh tế tham gia, từ khâu sản xuất, trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 nghìn lao động tham gia trong các khâu khác nhau của chuỗi cung và trên 260.000 hộ gia đình trực tiếp tham gia khâu sản xuất.