Xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng

Năm 2019, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử và linh kiện điện tử, cao su… sẽ được hưởng mức thuế 0% khi nhập khẩu vào các thị trường CPTPP.

Chủ động các nguồn lực

 

Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khối thủy sản, dệt may, gỗ, cà phê… Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, các địa phương tại Ðồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ đã triển khai khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ.

Các doanh nghiệp tại địa phương này xác định, năm nay sẽ kiểm soát chặt chất lượng giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu, ngăn chặn hiện tượng tiêm chích tạp chất và tồn dư kháng sinh trong thủy sản nuôi để đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

Năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Tôm là mặt hàng đóng góp gần 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.

Ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD. Ông Trần Ðình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành xác định sẽ gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng.

Diện tích nuôi tôm chân trắng được quy hoạch khoảng 105.000 ha, sản lượng ước đạt 530.000 tấn. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm sú vẫn duy trì khoảng 620.000 ha. Việc đẩy mạnh sản phẩm tôm thẻ chân trắng cho giá trị cao là cơ sở để ngành thủy sản hướng tới mục tiêu đạt 4,5 tỷ USD xuất khẩu tôm vào năm 2020.

Có khoảng 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3 - 4 năm theo cam kết. Các thị trường tại khối ASEAN, Hàn Quốc… dự báo sẽ có nhu cầu nhập khẩu thủy sản tăng cao trong thời gian tới. Trên cơ sở này, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận, tăng sản lượng và tăng chất lượng là giải pháp tăng trưởng của năm 2019.

Với ngành gỗ, mục tiêu xuất khẩu mang về 10,5 tỷ USD trong năm 2019 và kỳ vọng sẽ có những bứt phá từ tận dụng cơ hội của EVFTA và CPTPP. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Thị trường lớn thứ hai của ngành này là Nhật Bản, chiếm 13%, tiếp đến là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Úc, Canada, Pháp…

Bộ Công Thương nhận định, năm nay, thị trường Canada sẽ được các doanh nghiệp gỗ đẩy mạnh xuất khẩu để hưởng ưu đãi giảm thuế nhập khẩu gỗ tại thị trường này. 

Tăng chất lượng, tăng giá trị

 

Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm là “chìa khóa” được các doanh nghiệp tập trung triển khai, đồng thời là giải pháp trọng tâm để doanh nghiệp có thể đưa xuất khẩu Việt Nam cán mốc 265 tỷ USD, tăng 8 - 10% so với năm 2018, như mục tiêu ngành công thương đã đề ra cho năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để tận dụng lợi ích và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao tính cạnh tranh và năng suất thông qua mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá và giảm giá thành sản phẩm.

Trong đó, đầu tư phát triển công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được thế mạnh về nguồn lao động, nhưng trình độ công nghệ nhìn chung chưa cao. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động khắc phục được điểm yếu này. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG - doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc đã áp dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra quy trình sản xuất chất lượng. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết, áp dụng công nghệ đã giúp Công ty kiểm soát chi phí đầu vào và đầu ra, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Sao Mai An Giang… cũng đã sớm áp dụng công nghệ để kiểm soát chất lượng sản phẩm, hạn chế dịch bệnh, đầu tư các nhà máy, dây chuyền sản xuất hiện đại, với phương châm tăng chất lượng, tăng giá trị để cạnh tranh.