Thị trường Ấn Độ rất tiềm năng
Thanh long được xếp vào loại cây trồng có giá trị cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với phần lớn là thanh long ruột trắng và một tỷ lệ nhỏ thanh long ruột đỏ.
Hiện nay, thanh long Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 10% so với vụ mùa năm 2020.
Thanh long cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong những năm qua. Thị trường chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia, trong đó Trung Quốc chiếm tới 80% thị phần.
Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang các thị trường khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, EU… và thậm chí tới cả Chi Lê xa xôi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long gặp khó khăn. Do vậy, đa dạng thị trường xuất khẩu cho trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long là hết sức quan trọng.
Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là thị trường lớn và rất tiềm năng cho trái thanh long Việt Nam.
Bởi, Ấn Độ là thị trường gần 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay rất nhiều và thói quen ăn uống với trái cây là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân Ấn Độ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, xu hướng sử dụng hoa quả tươi của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm tới.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam tăng mạnh từ 26,67% trong năm tài chính 2014-2015 lên 52,04% năm 2018-2019.
Thống kê từ Sở Công Thương Bình Thuận cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu thanh long của tỉnh sang Ấn Độ năm 2017 mới chỉ đạt 316.400 USD, thì năm 2018 là 452.100 USD và năm 2019 đã tăng lên 842.800 USD (tăng bình quân 64%/năm).
Đặc biệt, Ấn Độ nhập khẩu 95% nhu cầu về thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Thanh long nhập khẩu được phân phối, tiêu thụ trên cả nước, tuy nhiên tập trung, chính tại khu vực phía Nam Ấn Độ, ở các bang như: Tamil Nadu, Kerala, Goa, Karnataka, Maharastra, Telegana, Madhya Pradesh... và tại các khu vực thành phố lớn, đô thị (chưa phổ biến tại vùng nông thôn).
Người Ấn Độ ưa chuộng thanh long vì đây là loại quả có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng.
Dễ tính nhưng rất khó giữ
Dù là thị trường dễ tính, yêu cầu không quá cao về chất lượng và tiêu chuẩn, tuy nhiên, để giữ vững được thị trường Ấn Độ thì rất khó. Bởi tại đây, yêu cầu về giá là rất quan trọng do thu nhập bình quân đầu người của người dân Ấn Độ còn thấp hơn so với Việt Nam và giá cả hoa quả nội địa của Ấn Độ rất thấp do chính sách hỗ trợ của chính phủ và năng suất khá cao.
Vì vậy, sản phẩm trái cây nhập khẩu vào Ấn Độ thường nhắm đến phân khúc có thu nhập trung bình trở lên và những sản phẩm mà Ấn Độ không/chưa sản xuất được hoặc chất lượng thấp hơn, ông Bùi Trung Thướng lưu ý.
Không chỉ vậy, hiện nay, Ấn Độ đã bắt đầu trồng thanh long ở một số địa phương, thậm chí những lãnh đạo cao cấp cũng tuyên truyền thanh long như trái cây gốc của họ. Đồng thời, Ấn Độ cũng đã đề nghị phía Việt Nam chuyển giao công nghệ trồng thanh long. Đây là thách thức khá lớn với những người trồng thanh long của Việt Nam.
Hơn nữa, câu chuyện đáng buồn, trong thời gian qua tính đoàn kết của doanh nghiệp Việt Nam chưa được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh về giá, về khách hàng… ảnh hưởng tới uy tín của trái thanh long Việt Nam.
"Có doanh nghiệp đối tác đang mua với giá ổn định, doanh nghiệp mới Việt Nam nhảy vào chào giá thấp hơn. Thị trường Ấn Độ rộng lớn, doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé nên cần đoàn kết mới chiến thắng được”, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, sau đại dịch các thị trường sẽ khó khăn do nhu cầu yếu, nên cạnh tranh là tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp cần đổi mới. Bên cạnh xuất khẩu thanh long tươi cần cả các sản phẩm chế biến từ thanh long, đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản để xuất khẩu. Đây là điều tiên quyết để phát triển thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ, bà Huỳnh Thúy Vy, Thành viên Ban chấp hành, Hội người Việt Nam tại Ấn Độ cũng lưu ý, các doanh nghiệp phải chú ý đến phương thức thanh toán. Nên chú ý đến phương thức thanh toán cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán, sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, sẽ thanh toán 70% còn lại để tránh những tranh chấp, rủi ro.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đến chất lượng hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu thanh long Việt Nam…
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho rằng, để phát triển xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ, các địa phương và doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý phát triển các vùng trồng chất lượng cao đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu khắt khe của thị trường, thay vì mở rộng diện tích.
Một khi có sản phẩm chất lượng đảm bảo thì việc tìm kiếm, phát triển thị trường, duy trì vị thế cạnh tranh sẽ thuận lợi và bền vững hơn rất nhiều.