Thông tin được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2024 diễn ra ngày 10/6 cho biết, tổng sản lượng thủy sản tháng 5/2024 ước đạt 801,3 ngàn tấn, lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 3.515,2 ngàn tấn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 38,1% kế hoạch năm 2024.
Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2025 ước đạt 366,5 ngàn tấn, lũy kế 5 tháng ước đạt 1.597,1 ngàn tấn tăng 0,7% so với cùng kỳ 2023, đạt 45,1% kế hoạch năm 2024. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 5/2024 ước đạt 434,8 ngàn, lũy kế 5 tháng ước đạt 1.918,1 ngàn tấn tăng 4,1% so với cùng kỳ 2023, đạt 33,8% kế hoạch năm 2024.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD
Về xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (+84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (+22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.
Theo mặt hàng, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 72% với giá trị gần 935 triệu USD, tăng 21%, tôm sú chiếm 12% đạt 155 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. Chiếm tỷ trọng cũng đáng kể là tôm hùm, chiếm hơn 8% đạt trên 106 triệu USD, với mức tăng đột phá gấp gần 70 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sắt, tôm càng, tôm tít, tôm vằn cũng có xu hướng tăng tích cực trong thời gian qua.
Xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2024 mang về gần 757 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm cá tra nguyên con đông lạnh, nguyên con xẻ bướm, cắt khúc đông lạnh, bong bóng cá tra… (mã HS 03) và cá tra chế biến (mã HS 16, chủ yếu là cá tra tẩm bột) có chiều hướng tăng xuất khẩu tốt hơn (tăng lần lượt 17% và 21%) trong khi cá tra phile đông lạnh (HS 030462) chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế tới hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 388 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 44%, đóng túi tăng 24%, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 7% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cua ghẹ lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 101 triệu USD, tăng 83%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam.
Đối với các loại thủy sản khác, xuất khẩu các loại nhuyễn thể có vỏ trong 5 tháng đầu năm nay đạt trên 65 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nghêu vẫn là sản phẩm chủ lực, chiếm 55% với gần 36 triệu USD, tiếp đến là ốc chiếm 15% với gần 10 triệu USD, các sản phẩm tiếp theo gồm điệp, hàu, sò, hến…
Xuất khẩu các loại cá nước ngọt trong 5 tháng đầu năm cũng có tín hiệu khả quan, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tập trung nhiều vào các loài cá diêu hồng, cá rô, rô phi, cá trê, cá chép, cá trôi, lươn…các loài này đều có nhu cầu cao hơn năm ngoái.
Trái ngược với các mặt hàng thủy sản khác, xuất khẩu mực và bạch tuộc 5 tháng đầu năm nay đạt 239 triệu USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu mực chiếm 54% đạt hơn 129 triệu USD, xuất khẩu bạch tuộc chiếm 46% đạt 110 triệu USD. Xuất khẩu mực khô và mực đông lạnh giảm lần lượt 5% và 10%, trong khi xuất khẩu mực chế biến tăng 8%. Xuất khẩu bạch tuộc chế biến giảm 13%, trong khi xuất khẩu bạch tuôi đông lạnh tăng 8%.
Thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực hơn các thị trường khác
Về thị trường xuất khẩu, trong top các thị trường hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng qua, chỉ có Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Theo số liệu Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại dẫn nguồn từ Cục Nghề cá biển Quốc gia Hoa Kỳ (NMFS), tháng 3/2024, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu thủy sản từ Canada, Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam, Thái Lan; trong khi nhập khẩu từ các thị trường cung cấp lớn khác giảm. Trong đó, Việt Nam là thị trường có mức tăng về lượng cao nhất trong tháng 3/2024, đạt 21,4 nghìn tấn, trị giá 101,6 triệu USD, tăng 49,3% về lượng và tăng 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung quý I/2024, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 về lượng và thứ 7 về trị giá cho Hoa Kỳ, đạt 75,5 nghìn tấn, trị giá 334,5 triệu USD, tăng 18,58% về lượng và tăng 9,49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ trong quý I/2024 tăng cả về lượng lẫn trị giá so với quý I/2023, ở mức 8,8% về lượng và 5,2% về trị giá.
“Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024”, VASEP nhận định.
Dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.
Tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2024, VASEP và các doanh nghiệp thành viên đã tập trung xác định những vấn đề chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới; thảo luận trao đổi và vạch ra những chương trình, kế hoạch, biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và hướng đến mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024.