Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu, thương mại của Việt Nam với thế giới cũng chịu tác động không nhỏ.
Đối với khu vực Á - Phi, không nằm ngoài xu hướng giảm chung, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực này trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 212 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 82 tỷ USD, giảm 8,4% và nhập khẩu đạt 130 tỷ USD, giảm 18,7%.
Tuy nhiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực Á - Phi vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận.
Thứ nhất, khu vực Á - Phi vẫn luôn là khu vực quan trọng, chiếm hơn 65% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, trong đó, xuất khẩu sang khu vực Á - Phi chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam đến các khu vực khác bị sụt giảm nhiều thì xuất khẩu sang Á - Phi là động lực để hạn chế bớt sự sụt giảm này.
Thứ hai, trong xu thế giảm chung của xuất khẩu, các mặt hàng truyền thống và quan trọng của Việt Nam sang khu vực Á - Phi vẫn duy trì được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tốt: phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 2,9 tỷ USD, tăng 19,2%), giày dép các loại (đạt 2,2 tỷ USD, tăng 12,5%), gạo (đạt 1,7 tỷ USD, tăng 46,1%), hàng rau quả (đạt 1,7 tỷ USD, tăng 51,1%)...
Thứ ba, nhập siêu của Việt Nam từ khu vực Á - Phi giảm mạnh, việc nhập khẩu chủ yếu tập trung vào nguyên nhiên liệu đầu vào như máy móc, xăng dầu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày… từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và đặc biệt là xuất khẩu ra thế giới, góp phần duy trì cán cân thương mại thặng dư chung của cả nước.
Thứ tư, hoạt động xuất nhập khẩu với khu vực Á - Phi ngày càng thể hiện được sự đa dạng hóa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các thị trường mới, thị trường ngách được đẩy mạnh khai thác và khai thác tốt, có mức tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt (như khu vực Trung Đông tăng 7%) trong bối cảnh hầu hết các khu vực thị trường đều suy giảm.
Những kết quả này có sự nỗ lực đồng hành của các Bộ, ngành với doanh nghiệp, mà nổi bật là Bộ Công Thương, đầu mối là Vụ Thị trường châu Á - châu Phi.
Chỉ trong 6 tháng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Bộ Công Thương đã đàm phán, ký kết 12 cơ chế/thỏa thuận hợp tác với các nước đối tác trong khu vực để tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, đơn cử như Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với Bangladesh; Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Thương vụ tích cực triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, giao thương, mở rộng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sang các thị trường mới, thị trường ngách có nhiều tiềm năng để hạn chế sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống trong bối cảnh sự suy giảm cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn.
Khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Á, châu Đại Dương, theo đó, là các thị trường có thể đẩy mạnh khai thác trong bối cảnh hiện tại.
Ngoài ra, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã chủ động, kịp thời tham mưu để giải quyết các vấn đề cấp bách, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu. Trong đó, có việc tìm kiếm nguồn cung than, tổ chức đoàn khảo sát thực tế và kết nối mua than từ Lào, góp phần đảm bảo nguồn cung than phục vụ sản xuất điện trong nước trong bối cảnh nguồn cung điện khan hiếm những tháng đầu hè năm 2023. Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các nông sản vào mùa vụ của Việt Nam như quả sầu riêng thời gian cuối tháng 5 vừa qua. Hỗ trợ các địa phương giao thương, kết nối và bán sản phẩm nông sản vào mùa vụ như sầu riêng, thanh long, vải thiều thông qua các hoạt động xúc tiến giao thương và chỉ đạo thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường sở tại…
6 tháng cuối năm, dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực châu Á - châu Phi sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thương mại song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn dự báo chưa thể phục hồi nhanh.
Trong bối cảnh đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Công Thương trong công tác phát triển thị trường, trong đó đặc biệt tập trung triển khai kết quả của các chuyến thăm cấp cao, các Kỳ họp, các văn kiện mà Bộ Công Thương đã ký với các cơ quan đối tác các nước để khơi thông thị trường, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại trong hợp tác thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu với các nước.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thông tin kịp thời về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước trong khu vực; đồng thời tích cực theo dõi, cập nhật và cung cấp thông tin về thị trường của các đối tác có ảnh hưởng tới hoạt động thương mại của Việt Nam tới các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương; bám sát diễn biến thị trường và tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới để thông tin kịp thời đến doanh nghiệp cũng như đưa ra các khuyến nghị liên quan.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác khai thông thị trường, đẩy mạnh thâm nhập các thị trường mới, thị trường ngách để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống đang suy giảm.
“Trong các hoạt động 6 tháng cuối năm, bên cạnh việc cố gắng duy trì các thị trường truyền thống đã có, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ tập trung nhiều vào hỗ trợ các địa phương để thúc đẩy các sản phẩm thế mạnh của địa phương sang các khu vực thị trường còn nhiều dư địa và tiềm năng như các địa phương của Trung Quốc, châu Phi, Trung Đông, Nam Á”, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết.