Văn Yên là một huyện có địa bàn rộng, hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường thủy, đường sắt và đường bộ nên lưu lượng hàng hóa luân chuyển lớn. Ngoài chợ Mậu A ở trung tâm huyện còn có nhiều chợ đầu mối ở các khu vực thị tứ, trung tâm cụm xã và nhiều điểm bán lẻ hàng hóa ở các khu vực đông dân cư nên khá phức tạp trong công tác quản lý thị trường. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác quản lý, kiểm tra còn mỏng, Đội QLTT số 4 chỉ có 6 công chức và 2 cán bộ hợp đồng, nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn rất hạn hẹp.
Mặt khác, huyện có nhiều xã vùng sâu, vùng xa chủ yếu là đồng bào dân tộc, nhận thức về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng còn chưa cao, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng đưa những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa đã hết hạn sử dụng vào tiêu thụ để kiếm lời. Mặc dù chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống nhưng tình trạng vi phạm về điều kiện kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến khá phức tạp trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Đội QLTT số 4 đã tích cực tham mưu cho UBND huyện tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc chấp hành các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: Công an, Hạt Kiểm lâm, Chi cục Thuế, Trung tâm Y tế huyện cũng như các đội, phòng chức năng của Chi cục QLTT tỉnh tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Xác định tại địa bàn huyện không có cơ sở sản sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng mà lượng hàng này chủ yếu là mì chính, xà phòng, dầu gội… được đưa từ các tỉnh vùng dưới lên, Đội đã tăng cường nắm bắt thông tin, đấu tranh theo hướng phòng ngừa, cảnh báo cho các đại lý bán lẻ, tuyên truyền cho nhân dân cách nhận biết hàng giả, hàng thật.
Hàng tuần, đơn vị đều cử cán bộ xuống các xã để nắm bắt thông tin về giá cả, tình hình buôn bán, kịp thời báo cáo cấp trên. Đội đã phối hợp cùng UBND các xã tiến hành kiểm tra các cơ sở, hộ kinh doanh tại các chợ phiên. Không chỉ kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thông thường, Đội còn quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo qui định của pháp luật về quản lý giá, niêm yết giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ trung tâm, chợ xã.
Kết quả 5 tháng đầu năm 2014, đơn vị đã kiểm tra 85 vụ, xử lý 74 vụ vi phạm thương mại, chủ yếu như kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vi phạm nhãn hàng hóa, đo lường và chất lượng hàng hóa, buôn bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu… Đội đã xử lý và thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 148 triệu đồng, trong đó xử phạt hành chính gần 126 triệu đồng, bán hàng tịch thu trên 22 triệu đồng. Đội còn xử lý và tiêu hủy hàng hóa kém chất lượng của các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm như mì chính, bột giặt Omo giả, bánh kẹo, sữa, nước ngọt, bột canh… quá hạn sử dụng với giá trị hàng hóa tiêu hủy gần 20 triệu đồng.
Ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch, Đội QLTT số 4 còn thực hiện kiểm tra theo chuyên đề, theo công văn chỉ đạo của Chi cục QLTT tỉnh như: kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh xe đạp điện, cao điểm kiểm tra thuốc lá nhập lậu. Đặc biệt, trong tháng 5/2014, thực hiện chỉ đạo của Chi cục QLTT tỉnh về kiểm tra theo chuyên đề đối với mặt hàng mì chính, đơn vị đã phát hiện 2 vụ việc buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu mì chính Ajinomoto và tiến hành tịch thu 20,3kg mì chính, xử phạt hành chính 8 triệu đồng.
Cũng trong đợt kiểm tra này, Đội phát hiện 4 vụ việc kinh doanh hạt nêm, bột canh và một số thực phẩm khác quá hạn sử dụng, xử phạt hành chính 2,2 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 1 triệu đồng.
Bắt giữ phương tiện vận chuyển hàng giả lên địa bàn thị trường huyện Văn Yên
Song song, Đội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là trong các dịp lễ, tết, lễ hội, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…; cử cán bộ tham gia các chốt kiểm dịch động vật theo yêu cầu nhiệm vụ UBND huyện giao. Đội đã phối hợp cùng Trạm Thú y, Công an huyện và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm, động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, góp phần ngăn chặn lây lan dịch cúm gia cầm trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tuyên truyền tới người tiêu dùng thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; hướng dẫn người kinh doanh và người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả; nhắc nhở các hộ kinh doanh không buôn bán các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, văn hóa phẩm ngoài luồng, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức pháp luật và ý thức đạo đức kinh doanh đối với các hộ buôn bán.
Hiện nay, huyện Văn Yên có trên 1.000 hộ đăng ký hoạt động kinh doanh, 76 doanh nghiệp và 41 hợp tác xã. Thị trường Văn Yên phát triển cả về cung và cầu, là đầu mối giao thương tập trung tất cả các loại hàng hóa khắp nơi đổ về nên thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại, có đầy đủ các sản phẩm hàng hóa được bày bán phục vụ nhân dân.
Vì vậy, để bình ổn giá cả các mặt hàng và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, Đội thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn để nắm bắt tình hình, sự dao động về giá cả các mặt hàng trong từng thời điểm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến người bán hàng biết được chính sách bình ổn giá của Nhà nước, quy định về chống đầu cơ tích trữ gây mất ổn định thị trường.
Thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Đội QLTT số 4 huyện Văn Yên tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt tình hình thị trường, cài cắm nhân mối thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn theo Thông tư số 24/2012/TT - BCT của Bộ Công thương; thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra thị trường năm 2014; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra trên khâu lưu thông; tạo điều kiện để các đơn vị, cá nhân làm ăn chân chính thực hiện tốt luật kinh doanh thương mại, góp phần đưa thị trường vào nề nếp, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng cũng như quyền lợi của nhà sản xuất.