Những năm gần đây, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã có sự bứt phá mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công (CN-TTCN). Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Năm 2022, giá trị sản xuất CN- TTCN trên địa bàn huyện Yên Mô đạt 1.630 tỷ đồng, bằng 100,6% kế hoạch năm và tăng gần 155 tỷ đồng so với năm 2021. Xác định sản xuất CN-TTCN đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, huyện phấn đấu đưa giá trị sản xuất (giá CĐ 2010) CN - TTCN đạt trên 1.800 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, huyện Yên Mô đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, chính sách cụ thể, ban hành cơ chế thiết thực để thu hút đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng và phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, hỗ trợ vốn vay, mặt bằng,... Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, duy trì và phát triển các làng nghề cấp tỉnh, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Trong thời gian qua, huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển CN-TTCN đảm bảo hiệu quả, trong đó quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, lấp đầy và mở rộng Cụm Công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng.
Theo đó, UBND tỉnh cho phép mở rộng cụm coongn nghiệp Khánh Thượng, huyện Yên Mô lên diện tích 70,61 ha với tổng vốn đầu tư hạ tầng trên 400 tỷ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất.
Hiện nay đã hoàn thành việc san lấp, xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích 50ha, có 9 nhà đầu tư thứ cấp đã vào đầu tư trong Cụm, 01 công ty đã xây dựng xong nhà xưởng sản xuất, trong đó có 3 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút 1200 lao động vào làm việc. Cụm công nghiệp Khánh Thượng đã tiến hành bàn giao mặt bằng giai đoạn 02 với diện tích 21,0 ha, công ty ty đang tiến hành thủ tục đầu tư hạ tầng giai đoạn 02, để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.
Ngoài thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư vào các Cụm Công nghiệp, Yên Mô còn quan tâm thu hút đầu tư vào tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong đó, huyện khuyến khích phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu, phát triển ổn định và có thị trường tiêu thụ rộng và khả năng xuất khẩu.
Từ những nỗ lực, cố gắng của huyện trong điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp và thu hút đầu tư, tính đến nay, toàn huyện có trên 300 doanh nghiệp và 12 làng nghề đang hoạt động, trong đó đáng chú ý đã thu hút được 5 nhà đầu tư nước ngoài vào địa bàn, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động.
Một số doanh nghiệp hoạt động tiêu biểu như:
Công ty TNHH giày Athena Việt Nam thu hút hơn 6.015 lao động, sản lượng 10.008 nghìn sản phẩm tương ứng với doanh thu ước đạt 988,30 tỷ đồng.
Cty TNHH TM&DV Xuân Tình ước đạt sản lượng 1.200 nghìn sản phẩm tương ứng doanh thu đạt 45,75 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic Ninh Bình (Hàn Quốc) trong CCN Khánh Thượng đã thu hút hơn 850 lao động.
Công ty TNHH master Vina cơ sở II thu thút hơn 1.055 lao động… các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với mức lương từ 5-7 triệu đồng/ tháng/ người.
Ông Bùi Quốc Toàn – Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện chia sẻ: Yên Mô rất quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các thị trường tiềm năng để liên kết mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, qua đó, góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định, mở rộng sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, quy mô sản xuất CN - TTCN còn nhỏ lẻ, Yên Mô ngày nay đã chuyển mình mạnh mẽ với những công trình, dự án mới, mở ra nhiều triển vọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo đà cho Yên Mô bứt phá hơn nữa trong tương lai.