5 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường: Từng bước chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại

Sau 5 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường đã chứng minh được tính hiệu quả xuyên suốt, ngày càng khẳng định vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại...

Sự cần thiết của mô hình ngành dọc

Lực lượng Quản lý thị trường ra đời từ năm 1957 với nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách Quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ. Dù trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tách-nhập, song, hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi các giải pháp phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, được Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân tin cậy, đánh giá cao.

05 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường
05 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018.

Trước ngày 12/10/2028, lực lượng Quản lý thị trường hoạt động theo mô hình cấu trúc ngang bao gồm các Chi Cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố với 681 Đội Quản lý thị trường.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại... diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm xảy ra không chỉ ở một địa bàn mà có phạm vi, quy mô liên tỉnh, liên vùng. Thậm chí nhiều đối tượng đã kết nối với người nước ngoài để đưa hàng lậu vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Đặc biệt, thời gian qua, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, mạng xã hội bùng nổ đã thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Trước bối cảnh đó, để đáp ứng sự phát triển của thị trường cũng như bảo vệ nền sản xuất trong nước, việc tổ chức lại mô hình hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường là yêu cầu tất yếu khách quan, cấp thiết và quan trọng.

Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018. Theo Quyết định này, lực lượng Quản lý thị trường được tổ chức lại theo mô hình Tổng cục ngành dọc tập trung, thống nhất từ trung ương đến cấp huyện, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ.

…tính ưu việt được phát huy

Ngay từ khi chuyển đổi, mô hình ngành dọc đã chứng tỏ tính ưu việt của mình. Trước hết, bộ máy Tổng cục Quản lý thị trường ở cấp Trung ương được tổ chức tinh gọn, chỉ còn: 4 Vụ, 1 Văn phòng và Cục Nghiệp vụ; trong khi đó, ở cấp địa phương còn 63 Cục Quản lý thị trường. Đáng chú ý, ở cấp Cục địa phương không còn cấp Chi cục, mà chỉ còn các Phòng, Đội trực thuộc. Số Đội Quản lý thị trường cũng giảm từ 681 Đội xuống còn 376 Đội (giảm 45%). Thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, trái lại, còn giúp lực lượng ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp.

05 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường
 Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hồi tháng 6/2023, dấu mốc quan trọng của trong sự phát triển của lực lượng 

Thứ hai, kể từ khi vận hành theo mô hình mới, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nhiều vụ việc điển hình về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, nhiều vụ việc đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao như: Vụ truy quét hàng giả tại 02 Trung tâm mua sắm ở Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm hàng giả, hàng lậu tại cảng ICD Mỹ Đình; kiểm tra, phát hiện trên 47 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng tại Bình Dương; tổng kiểm tra kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại Lào Cai; đột kích kiểm tra, phát hiện xưởng sản xuất khẩu trang giả làm từ giấy vệ sinh tại Hà Nội; kiểm tra thu giữ hàng trăm ngàn khẩu trang 3M giả mạo nhãn hiệu; phối hợp kiểm tra 21 bãi kinh doanh than tại Hải Dương; kiểm tra, hát hiện cơ sở gia công gần 2.000 áo khoác giả mạo nhãn hiệu Adidas tại Hải Dương...

Những vụ việc kể trên đã minh chứng mô hình ngành dọc của lực lượng Quản lý thị trường đã khắc phục được điểm yếu cốt tử - sự chia cắt theo địa bàn, đồng thời, mô hình này đã giúp các chỉ đạo, điều hành từ Tổng cục đến Cục Quản lý thị trường các địa phương được thực hiện xuyên suốt, tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời.

Chuyển mình hướng tới lực lượng chính quy, hiện đại

Dù đã liên tục thay đổi để theo kịp nhịp sống thị trường, song, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, trên thị trường đã xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn, phương thức vi phạm tinh vi mới, do đó, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường xác định công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải đi trước một bước, có các giải pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa; ưu tiên “phòng” hơn “chống”.

Lãnh đạo Tổng cục nhấn mạnh, để ngăn chặn các hành vi vi phạm từ sớm, thay vì ưu tiên hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa các vi phạm thông qua việc chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Trong khi đó đối với giải pháp từ xa, trong thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã ưu tiên đẩy mạnh ký kết hợp tác với các tổ chức, Tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước để ngăn chặn hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu.

05 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường
Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã ưu tiên đẩy mạnh ký kết hợp tác với các tổ chức, Tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước để ngăn chặn hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu

Tính riêng từ đầu năm 2023 tới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiếp và làm việc với các Đoàn công tác của Đại sứ quán Hàn Quốc, Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới; Đoàn công tác gồm Tham tán thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch, Tập đoàn LEGO và Công ty Luật Rouse - đại diện Sở hữu trí tuệ Tập đoàn LEGO tại Việt Nam; Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc... hoặc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức Doanh nghiệp Cooperative Verniging SNB-React U.A khu vực châu Á Thái Bình Dương (React); Công ty Procter & Gamble (P&G); Tập đoàn Thủy tinh chuyên dụng SCHOTT AG và mới đây nhất là ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam nhằm ngăn chặn các hành vi sản xuất phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu.

Dấu mốc đáng nhớ nhất đối với lực lượng Quản lý thị trường trong việc ký kết hợp tác nâng cao hiệu quả công tác Quản lý thị trường đó là việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hồi tháng 6/2023 vừa qua trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo an toàn thực phẩm và người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Quản lý thị trường.

“Việc ký kết ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam sẽ góp phần bảo vệ uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng” - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh và khẳng định, việc ký kết hợp tác còn giúp nâng cao công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ của lực lượng Quản lý thị trường, qua đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hay thương hiệu của mình.

Quản lý thị trường

Hướng tới một lực lượng “Chính quy - Chuyên nghiệp - Hiện đại”, trong 05 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, Tổng cục Quản lý thị trường đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng của kiểm soát viên thị trường, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, 05 năm qua, Tổng cục đã phối tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước ngạch kiểm soát viên thị trường và tương đương cho 2.100 lượt công chức, mở 05 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch kiểm soát viên chính thị trường và tương đương cho 750 công chức, 01 lớp quản lý nhà nước ngạch kiểm soát viên cao cấp thị trường cho 28 công chức đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong lực lượng QLTT... Bên cạnh đó, phối hợp với các hãng nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực chuyên môn đối với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể.

Đặc biệt, để xây dựng lực lượng chính quy, từ năm 2021, Tổng cục phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế quốc dân ký kết Thoả thuận hợp tác đào tạo cử nhân ngành Quản lý thị trường với mục tiêu đào tạo nên một lực lượng công chức Quản lý thị trường trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp, khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.

Mô hình mới đã mở ra tầm nhìn mới, đó là một không gian mới mà người đứng đầu Tổng cục được quyền chủ động hơn, nhưng cũng chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện hơn trong thực thi chức trách. Vì vậy, theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh “vẫn còn nhiều việc phải làm trong năm tới và nhiều năm sau nữa để đưa QLTT thành một lực lượng vững mạnh, không chỉ về lượng mà cả về chất”. Do đó, trong giai đoạn tới, lực lượng QLTT luôn tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường, không chỉ gói mình ở nhiệm vụ trong nước: Đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng mà còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.

Nguyên Vỵ