5 yếu tố để phát triển thương mại điện tử bền vững

Tại Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam với chủ đề: Phát triển thương mại điện tử bền vững, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh đã đề cập đến 5 yếu tố quan trọng để phát triển thương mại điện tử bền vững.
Phát triển thương mại điện tử bền vững
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam nằm trong top 10 trên toàn thế giới

Duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tích cực, ổn định

Thiếu một trong hai yếu tố tăng trưởng tích cực hoặc ổn định thì không có sự bền vững trong phát triển thương mại điện tử.

Thương mại điện tử vừa qua tăng trưởng rất mạnh. Trải qua nhiều làn sóng phát triển, thương mại điện tử Việt Nam đến nay đã giữ được tốc độ tăng trưởng liên tục trong 15 năm qua với trung bình 20%/năm, trừ giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên toàn thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.

Như vậy, yếu tố tăng trưởng ổn định, tích cực có thể nói là điểm sáng của thương mại điện tử Việt Nam. Điểm sáng này cần được thường xuyên giữ gìn, bảo vệ thông qua việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, thường xuyên tuyên truyền để đảm bảo tính thực thi pháp luật hiệu quả trong doanh nghiệp và xã hội.

Bên cạnh hành lang pháp lý, các chính sách phát triển cũng cần được xây dựng và triển khai, các bên liên quan như các doanh nghiệp lớn trong ngành, doanh nghiệp hạ tầng cần chung tay với cơ quan quản lý nhà nước, gương mẫu, đi đầu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp từng bước ứng dụng thương mại điện tử để giúp cả xã hội đều có thể Go Online, sử dụng lợi thế của thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cân bằng và hài hòa

Cân bằng và hài hòa được hiểu là hài hòa lợi ích các bên liên quan từ doanh nghiệp sản xuất, nền tảng thương mại điện tử, đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán, người tiêu dùng,... ; thu hẹp dần khoảng cách, tiến tới cân bằng sự phát triển thương mại điện tử giữa các vùng miền.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. Cần chú trọng phát huy tính liên kết vùng, lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn lao động tại khu vực. Phát triển chuỗi liên kết và cung ứng trong vùng sẽ tạo ra được sức mạnh tổng thể cho sản phẩm địa phương có đủ sức cạnh tranh khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử.

Phát triển thương mại điện tử bền vững
Nguồn nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao vẫn là bài toán khó của thị trường lao động

Phát triển xanh

Thương mại điện tử là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường. Với việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh, quy trình giao vận, thương mại điện tử sẽ giảm một lượng lớn khí thải phương tiện ra môi trường, đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí. Cùng với người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số có thể khuyến khích các sản phẩm xanh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường bao gồm từ vật chứa cho đến các sản phẩm được mua bán. Bằng hệ thống công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cũng có thể hình thành các quy trình kiểm soát, đánh giá việc thực hiện các quy trình xanh, nâng cao nhận thực của toàn hệ thống về bảo vệ môi trường. 

Niềm tin

Phát triển thương mại điện tử bền vững không thể thiếu yếu tố niềm tin. Trước hết là niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái thương mại điện tử. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có niềm tin thị trường sẽ có cơ chế bảo vệ họ để có thể sáng tạo mà không bị doanh nghiệp lớn chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần có niềm tin vào chất lượng hàng hóa, tin rằng quyền lợi của họ được bảo vệ khi tham gia mua sắm trên thị trường thương mại điện tử.

Trong 10 năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển rất nhanh về lượng nhưng lý do lớn nhất mà người tiêu dùng vẫn coi là trở ngại khi mua hàng trực tuyến vẫn là “Chất lượng kém so với quảng cáo”, “Không tin tưởng đơn vị bán hàng”, “Khó kiểm định chất lượng hàng hoá”. Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, để thay đổi được thực trạng này cần tiếp tục: Hoàn thiện pháp luật cạnh canh trên môi trường thương mại điện tử; Hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; Xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường mạng.

Nguồn nhân lực

Thương mại điện tử là lĩnh vực mới, đang phát triển nhanh. Tuy nhiên quy mô nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu phát triển của thương mại điện tử. Ước tính, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy. Như vậy có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin,… Nếu không đảm bảo nhân lực cho thương mại điện tử thì rất khó đảm bảo sự bền vững của thương mại điện tử.

Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam: Phát triển thương mại điện tử bền vững nằm trong khuôn khổ Chương trình Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday lần thứ 10 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức.

Ngọc Châm