9 nhóm biện pháp phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội

Tại kỳ họp chuyên đề vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, trong những năm qua, Trung ương và Thành uỷ Hà Nội đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở kinh doanh, hoạt động vui chơi, giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, khu, cụm công nghiệp… vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều vụ cháy xảy ra, đặc biệt có những vụ cháy rất nghiêm trọng, gây hậu quả, thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. 

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội chỉ đạo phòng cháy chữa cháy
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Tuấn Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp

Trước tình hình đó, Thường trực HĐND đã kịp thời và khẩn trương trình HĐND ban hành Nghị quyết. Trong đó tiếp tục tăng cường các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

9 biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

1. Tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay.

Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết, hằng ngày.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nội dung, hình thức, phương pháp đa dạng, thiết thực, hiệu quả.

Đặc biệt, trong giai đoạn này tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo an toàn phòng cháy, chữa cháy đến các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất và các cơ sở trên địa bàn về biện pháp thoát nạn, phòng ngừa cháy nổ; cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn (đặc biệt việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt...).

3. Tăng cường xây dựng phong trào và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ; kiện toàn củng cố về nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho các lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy nổ, sự cố tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

4. Triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở các nơi có nguy cơ cháy, nổ cao, như: Các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hoạt động vui chơi, giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống; rừng… 

Người đứng đầu chính quyền các cấp Thành phố, cơ quan, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

Xem thêm: "Đề xuất “luật hoá” nhà ở chung cư mini, lợi bất cập hại" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

5. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là các đối tượng nguy cơ cháy, nổ cao. Xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực…

6. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là tại các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...

7. Tiếp tục nghiên cứu, có chế độ chính sách thiết thực để động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

8. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện đại, phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

9. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp (trong đó có hợp tác công tư, xã hội hóa) để mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thành phố.

Phòng cháy chữa cháy
Vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, Q.Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Cũng tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, HĐND thành phố quyết nghị bổ sung một số chính sách đặc thù, làm cơ sở để hỗ trợ thêm cho các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy ngày 12/9/2023 tại số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Đây là việc làm ý nghĩa, cần thiết để tiếp tục quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ về vật chất, tinh thần đối với các gia đình, nạn nhân bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Ngọc Châm