Bắc Kạn: Nhiều sản phẩm OCOP đã có chỗ đứng trên thị trường

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 14 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 162 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Trong đó 11 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc quy trình sản xuất; 11 sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị; 10 sản phẩm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất.

Một số sản phẩm OCOP như miến dong, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, gạo Bao thai, tinh bột nghệ, Nano Curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến... có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ ở một số thành phố lớn trên trên cả nước. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Tài Hoan đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia đã có mặt tại Cộng hòa Séc.

sản phẩm OCOP
Sản phẩm miến dong Tài Hoan đạt OCOP 5 sao Quốc gia đã có mặt tại thịe trường Séc

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP năm 2023

 Năm 2023, Bắc Kạn phấn đấu phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên; nâng cấp 04 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, đề xuất 01 sản phẩm tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Củng cố nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường (truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại…).

sản phẩm OCOP
Nhiều hoạt động kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP tại Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Bắc Cạn

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngày 15/02/2023, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND thực hiện Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP). Theo đó đối với sản phẩm mới, tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị cấp huyện, thành phố hoặc đến trực tiếp hướng dẫn các chủ thế kinh tế, các hộ kinh doanh trên cơ sở khảo sát, đánh giá hiện trạng về: Nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm; lực lượng lao động có tay nghề; khả năng phát triển sản phẩm OCOP...

Đối với việc nâng hạng sao, UBND các huyện, thành phố sẽ rà soát, đánh giá về quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu… hướng dẫn chủ thể đề xuất nâng hạng sao đối với các sản phẩm có tiềm năng.

Đồng thời tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ chủ trì triển khai các chính sách liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã  tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ.... Hướng dẫn các tổ chức kinh tế hoàn thiện sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn khác...

sản phẩm OCOP
Nhiều sản phẩm OCOP Bắc Kạn đã có chỗ đứng trên thị trường

Bà Đỗ thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, Bắc Kạn đã tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm đặc sản của địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn.

Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục sản phẩm OCOP được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada.... và ký kết tiêu thụ sản phẩm với Trung tâm Thương mại Big C-Hà Nội.

Trong thời gian tới, với các sản phẩm đã được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến thông qua các hoạt động quảng bá, kết nối cung - cầu như hội chợ, hội nghị, chương trình do Sở Du lịch, Sở Công Thương tổ chức.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 11,5%/năm; xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn có từ 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 - 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao.

Vì vậy, với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước nhiều hơn nữa, Bắc Kạn sẽ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân từ sản xuất truyền thống sang công nghệ hiện đại, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nhằm tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm an toàn theo quy định chất lượng nông nghiệp, tạo thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP Bắc Kạn vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái

Những năm gần đây, du lịch đã trở thành lĩnh vực phát triển quan trọng, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn. Năm 2023, các sự kiện “Tuần văn hoá – Du lịch Bắc Kạn” gắn với trải nghiệm bí xanh thơm Ba Bể năm 2023; "Sắc thu hồ Ba Bể"; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức tại huyện Chợ Đồn; Chợ Đêm phố cổ Na Rì và nhiều hoạt động sự kiện văn hóa khác trên địa bàn tỉnh… đã thu hút gần 662 nghìn lượt khách đến với Bắc Kạn.

sản phẩm OCOP
Bắc Kạn đang hướng đến việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) gắn với du lịch để thu hút nguồn lực

Tuy nhiên, để “níu chân” du khách, ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp thì các sản phẩm nông sản của địa phương cũng rất quan trọng.

Với lợi thế về danh lam, thắng cảnh và tiềm năng về du lịch sinh thái, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang hướng đến việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) gắn với du lịch để thu hút nguồn lực như: Mô hình du lịch sinh thái tại hồ Bản Chang, huyện Ngân Sơn; du lịch cộng đồng thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể; du lịch trải nghiệm vườn dâu tây tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn... Những mô hình kể trên đều có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP.

sản phẩm OCOP
Trải nghiệm du lịch sinh thái tại vườn bí xanh thơm Ba Bể

Huyện Ba Bể có danh lam thắng cảnh Di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể. Đây là lợi thế để huyện phát triển du lịch, đồng thời là tiềm năng cho việc phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa phục vụ khách du lịch đến với địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài huyện. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện Ba Bể luôn quan tâm thúc đẩy thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch.

Tại khu vực quanh vùng hồ Ba Bể, ngoài 2 mô hình du lịch Homestay Quỳnh Mai và Du lịch cộng đồng Ba Bể - Ba Bể Green Homestay đã đạt chứng nhận OCOP 3 năm 2021, hiện còn rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở bản Pác Ngòi, bản Bó Lù, Cốc Tộc… có thể phát triển trở thành sản phẩm OCOP. Bởi những mô hình này đều đảm bảo được chỗ nghỉ ngơi, ăn uống; phục vụ tham quan ngắm cảnh; tham gia trải nghiệm những hoạt động thường ngày của người bản xứ; tổ chức được những buổi diễn văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương; những tour đi bộ, đi xe đạp, chèo thuyền kayak trên hồ Ba Bể…

sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP tại chợ đêm Chợ Đồn

Hiện nay, huyện Ba Bể đã có 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Một số sản phẩm tiêu biểu đã tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh, tạo được chỗ đứng trên thị trường như: Bí xanh thơm, trà bí xanh, thịt trâu khô, miến dong, trà giảo cổ lam, chuối sấy dẻo, lạp sườn gác bếp, khẩu mẩy vùng cao, rượu suối nguồn, gạo Nếp Tài, rau bồ khai, khẩu mẩy vùng cao…

Một hình thức quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch nữa là “Chợ đêm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch huyện Chợ Đồn” được tổ chức định kỳ hằng tháng. Đây là Chợ đêm quy mô lớn nhất tỉnh Bắc Kạn được tổ chức với nhiều gian hàng OCOP cùng các gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn trong toàn huyện Chợ Đồn như: Lạp sườn, khâu nhục, chân giò hầm, măng, miến, quýt, trà hoa vàng, chè Shan tuyết, gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo củ mài, tinh bột nghệ.... Mỗi tháng, chợ đêm sẽ có những hoạt động văn hoá khác nhau. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực và bán các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Qua đó góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống và món ăn ẩm thực của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Nguyên Vỵ