Bàn giao Báo cáo nghiên cứu về Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho các ngành và lĩnh vực ưu tiên

Ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam đã bàn giao cho Bộ Công Thương Báo cáo nghiên cứu về chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho 10 ngành và lĩnh vực ưu tiên.
Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Toàn cảnh Lễ Bàn giao Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho các ngành và lĩnh vực ưu tiên 

Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tập trung vào các ngành và lĩnh vực ưu tiên do Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) thực hiện, trong khuôn khổ Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu (Dự án SwissTrade) do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và Bộ Công Thương là cơ quan chủ Dự án.

Các Báo cáo được chia sẻ cho Bộ Công Thương và đã được Bộ tham khảo trong quá trình xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Chiến lược; Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam” nhằm mục tiêu hỗ trợ Việt Nam nâng cao thành tích xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách bền vững thông qua việc cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công - tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.

Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Lễ Bàn giao sản phẩm chiến lược xuất khẩu quốc gia thuộc Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ

Với vị thế là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, xuất khẩu đã và đang là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế và có những đóng góp quan trọng cho chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Việt Nam đang dần trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong việc tiếp tục duy trì và phát triển đột phá hơn nữa về thành tích xuất khẩu trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay; tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa thực sự bền vững, một số ngành, lĩnh vực đã không còn nhiều dư địa tăng trưởng; xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi các bon thấp đã và đang đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách xuất khẩu một cách linh hoạt để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức…. và thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương phát biểu tại Lễ Bàn giao

Phát biểu tại Lễ Bàn giao, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương tin tưởng các báo cáo của ITC không chỉ có đóng góp cho Bộ trong quá trình xây dựng chính sách về xuất khẩu mà còn là tài liệu nghiên cứu có giá trị tham khảo tốt cho các Bộ, ngành và địa phương; các cơ quan, tổ chức nghiên cứu; các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà khoa học…

Những báo cáo này không chỉ giúp nhìn nhận lại bức tranh chung về phát triển xuất khẩu của Việt Nam trong 10 năm qua với những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân; mà còn đưa ra những gợi ý về định hướng và giải pháp phát triển xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu.” - ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh.

Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Các báo cáo của ITC không chỉ có đóng góp cho Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng chính sách về xuất khẩu mà còn là tài liệu nghiên cứu có giá trị tham khảo tốt cho các Bộ, ngành và địa phương; các cơ quan, tổ chức nghiên cứu; các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà khoa học…

Các hoạt động của Dự án không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các báo cáo chiến lược mà sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Hành động thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ về công tác quản lý, tổ chức triển khai, giám sát và đánh giá Chiến lược cũng như Kế hoạch.

Ông Werner Gruber, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết, Thụy Sỹ thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) luôn tích cực hỗ trợ Việt Nam trên con đường hội nhập và tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế.

Thông qua quan hệ hợp tác chiến lược với Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITC), chúng tôi không chỉ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu tổng thể nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường toàn cầu hiệu quả mà còn giúp định hình các chiến lược ngành, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong ngành công nghiệp quan trọng ở Việt Nam. Sự hợp tác này thể hiện cam kết của Thụy Sỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững và bao trùm.” - Ông Werner Gruber chia sẻ.

Báo cáo Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Ông Werner Gruber, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam phát biểu tại Lễ Bàn giao

Cũng tại Lễ Bàn giao, ITC đã trình bày các báo cáo chiến lược này nhằm góp phần triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn đến năm 2030 và Kế hoạch hành động liên quan. Cụ thể, ITC đã xây dựng báo cáo chiến lược đối với 5 ngành ưu tiên được lựa chọn: điện tử; hàng hóa môi trường; gỗ và đồ nội thất; nông nghiệp; và dệt may. Báo cáo chiến lược riêng cho từng ngành được xây dựng dựa trên tiềm năng xuất khẩu và đóng góp đối với việc làm và phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, ITC cũng tập trung xây dựng chiến lược riêng cho 5 lĩnh vực cạnh tranh thương mại: chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chất lượng; tiêu chuẩn và chứng nhận; tính bền vững và bao trùm; và tạo thuận lợi thương mại. Đây là những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho việc phát triển chuỗi giá trị và xuất khẩu, và kết luận của báo cáo cũng phù hợp với bức tranh lớn của nền kinh tế.

Huyền My