Bàn về vấn đề giảm trừ thu nhập khi tính thuế thu nhập cá nhân

ThS. TRẦN MINH HIỆP (Khoa Luật Thương mại - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân là một quy định mới trong Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ban hành ngày 21/11/2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2014), thể hiện tính tiến bộ hơn rất nhiều so với pháp luật thuế thu vào thu nhập của cá nhân trước đây. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ gánh nặng về thuế đối với cá nhân có thu nhập, đồng thời góp phần vào việc thực hiện chính sách xã hội đối với những chủ thể cần được chia sẻ thu nhập từ cá nhân có thu nhập; đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển bình thường về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, việc quy định và áp dụng vào thực tiễn trong thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho cá nhân có thu nhập chịu thuế, tác động không nhỏ đến quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của người phụ thuộc cũng như chính sách khuyến khích ủng hộ từ thiện, nhân đạo, đồng thời làm thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Từ khóa: Thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc, nguyên tắc giảm trừ.

I. Các trường hợp giảm trừ

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành thì trước khi tính thuế thu nhập cá nhân, cá nhân có thu nhập được quyền tính giảm trừ thu nhập của mình dưới hai hình thức, gồm giảm trừ gia cảnh và giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.

1. Giảm trừ gia cảnh

Theo khoản 2 điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân,quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau”. Xuất phát từ bản chất đó, các thành viên gia đình có sự gắn bó, thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau cả về tinh thần lẫn vật chất, trong đó sự chia sẻ về thu nhập từ người có thu nhập sang người không có thu nhập là phù hợp với truyền thống gia đình và quyền con người được công nhận trong Hiến pháp 2014. Pháp luật thuế thu nhập cá nhân ghi nhận quyền được giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế thuế thu nhập cá nhân là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tính công bằng cho đối tượng nộp thuế.

Thứ nhất, về điều kiện được giảm trừ: Theo quy định tại khoản 1 điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) thì “giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú”. Như vậy, hai điều kiện cơ bản để giảm trừ gia cảnh là chỉ áp dụng đối với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và chỉ áp dụng đối với cá nhân cư trú.

Một là, giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Điều kiện này loại trừ chín khoản thu nhập khác của đối tượng nộp thuế. Trong khi đó, xét về thực tế, có rất nhiều người có thu nhập chính từ các nguồn thu nhập khác như cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, cá nhân kinh doanh chứng khoán, cá nhân kinh doanh bất động sản và chi phí cuộc sống cho những người phụ thuộc cũng phụ thuộc vào nguồn thu nhập này. Vì lẽ đó, việc pháp luật giới hạn lại khoản thu nhập được áp dụng để tính giảm trừ là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân có thu nhập từ các nguồn này.

Hai là, đối với người không cư trú, bản thân họ cũng có quyền được chia sẻ gánh nặng về thuế trước các yêu cầu của cuộc sống trong thời gian cư trú tại Việt Nam. Người cư trú có thời gian cư trú tại Việt Nam, tạo ra thu nhập trên lãnh thổ Việt Nam thì phải được đối xử bình đẳng như người cư trú. Việc họ không đủ điều kiện là người cư trú không đồng nghĩa với việc họ không được đảm bảo quyền được giảm trừ thu nhập trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Cho nên, pháp luật thuế thu nhập cá nhân tước bỏ quyền được giảm trừ đối với người không cư trú là bất bình đẳng so với người cư trú.

Thứ hai, về mức giảm trừ gia cảnh. Khoản 1 điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Quy định này là chưa thỏa đáng và chưa tính đến các yếu tố tác động đến việc sử dụng nguồn thu nhập như điều kiện cuộc sống là đô thị hay nông thôn, người phụ thuộc là người như thế nào... Hơn thế nữa, việc pháp luật xác định mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng là quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cả những người phụ thuộc. Thực tế, người có thu nhập phải chi phí cho người phụ thuộc ở mức nhiều hơn mức thu nhập được giảm trừ cho người phụ thuộc, vì bản thân người phụ thuộc cũng cần các khoản tiêu dùng như là người có thu nhập. Việc xác định mức thu nhập được giảm trừ gia cảnh có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện quyền duy trì và đảm bảo cuộc sống của cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp. Do đó, việc xây dựng mức giảm trừ phải được xác định dựa trên những căn cứ pháp lý và thực tiễn nhất định như điều kiện kinh tế, xã hội, mức thu nhập bình quân đầu người, mức chi tiêu bình quân đầu người, đồng thời cũng phải tính đến mức lương tối thiểu mà nhà nước quy định.

Thứ ba, về nguyên tắc giảm trừ. Khoản 2 điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) quy định “Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế”.

Đây là một quy định đúng, đảm bảo sự bình đẳng trong việc áp dụng chế độ giảm trừ, hạn chế tình trạng một người cá nhân được tính giảm trừ vào nhiều lần vào nhiều đối tượng nộp thuế khác nhau. Tuy nhiên, thủ tục để thực hiện đúng và chính xác nguyên tắc này là vấn đề đáng quan tâm. Hiện nay, việc kê khai người phụ thuộc tràn lan, cơ quan thuế mất khả năng kiểm soát vấn đề kê khai người phụ thuộc đang diễn ra mà chưa có cơ chế để khắc phục, điều đó làm giảm đi tính ưu việt trong quy định về nguyên tắc giảm trừ gia cảnh, vừa gây phiền hà cho người nộp thuế, vừa tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có liên quan sách nhiễu người hộp thuế.

Thứ tư, về xác định người phụ thuộc. Khoản 3 điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) quy định người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:

- Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;

- Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.

Quy định này về cơ bản chưa bao quát hết những người phụ thuộc và điều kiện để xác định người phụ thuộc, đồng thời nội dung quy định chưa chặt chẽ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Một là, về xác định người phụ thuộc. Thực tế, gia đình Việt Nam là gia đình nhiều thế hệ, việc ông bà phụ thuộc vào cháu là hoàn toàn có thể khi mà con của ông bà (tức cha hoặc mẹ của người có thu nhập) đã hết tuổi lao động hoặc anh, chị có thể phải nuôi em vì cha mẹ không có thu nhập. Việc pháp luật giới hạn đối tượng được xác định là người phụ thuộc làm giảm đi tính ưu việc trong quy định về giảm trừ gia cảnh.

Hai là, theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 3 điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 về quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì đối với con trên 18 tuổi, người ngoài độ tuổi lao động hoặc người trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật để được coi là người phụ thuộc phải thỏa mãn điều kiện “bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 1 triệu đồng/tháng”. Thực tế, không chỉ bị tàn tật mới không có khả năng lao động mà còn những người bị bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, bị bệnh tâm thần và không có khả năng lao động cũng không được tính là người phụ thuộc là một bất cập lớn của pháp luật hiện hành. Bởi lẽ, chính những người bị bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, bị bệnh tâm thần là những chủ thể cần được chăm sóc đặc biệt nhất và nhu cầu sử dụng thu nhập cho chi phí chữa bệnh là lớn nhất. Đồng thời, việc xác định mức thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng không là người phụ thuộc là không công bằng với những người có mức thu nhập dưới 1 triệu đồng.

Ba là, pháp luật quy định việc xác định người phụ thuộc mang tính mở khi xác định người phụ thuộc còn bao gồm “cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng”. Khái niệm “trực tiếp nuôi dưỡng mang tính mơ hồ, không rõ ràng vừa khó áp dụng trên thực tế, vừa gây sách nhiễu phiền hà cho người có thu nhập. Bởi lẽ, hiểu như thế nào là trực tiếp nuôi dưỡng vẫn chưa được các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa quy định này trên thực tế. Trong khi đó, thực tế, người có thu nhập còn phải nuôi dưỡng thêm nhiều người khác ngoài cha, mẹ, con, vợ hoặc chồng.

2. Về giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo

Thứ nhất, về xác định thu nhập được giảm trừ cũng chỉ giới hạn đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo là thu nhập từ tiền lương, tiền công. Thực tế, thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân là ít, mang tính ổn định thường xuyên nhằm đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Vì lẽ đó, việc trích lập để đóng góp từ thiện, nhân đạo là ít có khả năng, nhất là những trường hợp có thu nhập ổn định, trung bình (dưới 15 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, đối với các khoản thu nhập từ kinh doanh, chia cổ tức, trúng thưởng, từ quà tặng mang tính không thường xuyên, có được không từ bằng chính sức lao động nhưng thường nhận được với giá trị lớn. Do đó, việc người có thu nhập sử dụng thu nhập từ trúng thưởng, từ quà tặng để làm từ thiện là rất lớn. Vì vậy, nếu pháp luật không có phép giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo đối với thu nhập từ trúng thưởng, từ tặng cho làm giảm ý nghĩa của hoạt động này.

Thứ hai, việc đóng góp từ thiện, nhân đạo chỉ được chấp nhận và cho phép giảm trừ khi được đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương lựa, đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học. Đây là quy định không hợp lý, làm giảm đi tính tự nguyện làm từ thiện, nhân đạo của người có thu nhập. Bởi lẽ, việc làm từ thiện, nhân đạo có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như chi cho học bổng của một trường đại học, chi từ thiện xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, ủng hộ trực tiếp đến đồng bào lũ lụt ở miền Trung… Tất cả những trường hợp đó đều có thể có được hóa đơn, hoặc chứng từ hợp pháp do các chủ thể nhận thu nhập chứng nhận. Tuy nhiên trong trường hợp này, đối tượng nộp thuế lại không được giảm trừ trước khi tính thuế. Hơn nữa, việc làm từ thiện thông qua các cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện trong thời gian qua đã không phát huy được tính bảo đảm tiền của người đóng góp đến tận tay đối tượng mà người đóng góp mong muốn được hưởng. Do đó, người có thu nhập cũng không muốn làm từ thiện khi bị giới hạn phương thức làm từ thiện theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo không được áp dụng đối với cá nhân không cư trú. Quy định này tạo sự bất bình đẳng với người không cư trú và làm giảm ý nghĩa của hoạt động từ thiện nhân đạo. Bởi vì, hoạt động làm từ thiện, nhân đạo của người không cư trú được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và có thể kiểm soát được thì phải giảm trừ trước khi tính thuế. Thiết nghĩ, Nhà nước nên khuyến khích họ làm từ thiện, nhân đạo nhằm phát huy tinh thần và lòng tốt của tất cả mọi người có thu nhập khi mà đối tượng được hưởng lợi ích đó trên lãnh thổ Việt Nam.

II. Hoàn thiện quy định của pháp luật về giảm trừ thu nhập khi tính thuế thu nhập cá nhân

1. Về giảm trừ gia cảnh

Thứ nhất, điều kiện kinh tế xã hội hiện nay và trong tương lai gần không ngừng tăng cao, thêm vào đó, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng. Vì lẽ đó, đã đến lúc cần điều chỉnh lại mức thu nhập được giảm trừ đối với chính người có thu nhập và đối với người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc, cần tăng mức thu nhập được giảm trừ ít nhất bằng 50% so với mức giảm trừ áp dụng đối với chính đối tượng nộp thuế. Theo tác giả, để khắc phục tính lạc hậu của mức thu nhập được giảm trừ, nên chăng, pháp luật không quy định một số tiền cụ thể để tính giảm trừ gia cảnh mà dựa vào mức lương tối thiểu của nhà nước và quy định mức giảm trừ là bao nhiêu lần của mức lương tối thiểu. Quy định như vậy sẽ dễ thực thi hơn khi giá cả hàng hóa, dịch vụ có sự biến động, nhất là trong điều kiện làm phát hiện nay.

Thứ hai, cần mở rộng thu nhập được giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản cho những chủ thể không có khoản thu nhập từ từ tiền lương, tiền công. Đây là yêu cầu phù hợp với thực tiễn, khi ngày càng nhiều có nhà đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp và cuộc sống của họ phụ thuộc vào nguồn thu nhập chính này. Không phải nhà đầu tư chứng khoán, người kinh doanh bất động sản nào cũng có thu nhập rất cao mà phần lớn là những khoản thu nhập trung bình, cũng chỉ đủ để chi phí cho cuộc sống bình thường như bao người có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công khác.

Thứ ba, cần quy định cho phép người không cư trú cũng được quyền giảm trừ gia cảnh đối với chính họ cho phần thu nhập phát sinh tương ứng với thời gian họ có mặt tại Việt Nam. Mức giảm trừ bằng với mức giảm trừ áp dụng đối với cá nhân cư trú.

Thứ tư, cần mở rộng phạm vi người phụ thuộc. Bên cạnh các đối tượng là người phụ thuộc theo quy định của pháp luật hiện hành cần mở rộng thêm trường hợp những người khác có căn cứ là người phụ thuộc vào đối tượng nộp thuế, như cháu phải nuôi ông bà do các con của ông bà đã hết tuổi lao động hoặc bị tàn tật và không có thu nhập; anh chị phải nuôi em khi bố mẹ đã hết tuổi lao động hoặc bị tàn tật và không có thu nhập… Đây là quy định hợp lý và có thể thực hiện được trong điều kiện công nghệ và pháp lý hiện nay.

Ngoài ra, pháp luật hôn nhân và gia đình cũng quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người không trực tiếp nuôi dưỡng nhưng có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, việc giảm trừ đối với người phụ thuộc mới chỉ áp dụng đối với người mà người có thu nhập trực tiếp nuôi dưỡng. Do đó, cần mở rộng phạm vi người phụ thuộc bao gồm luôn cả người được cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Thứ năm, cần quy định lại mức thu nhập được giảm trừ cho người phụ thuộc. Trong khi mức lương tối thiểu hiện nay từ 2.580.000 đồng/tháng đến 3.750.000/tháng đồng mà thu nhập của cá nhân từ 1.000.000 đồng/tháng trở lên được xác định là người không phụ thuộc là điều bất hợp lý. Thêm vào đó, nếu một người có thu nhập dưới 1.000.000 đồng/tháng khi được xác định là người phụ thuộc, họ sẽ có thêm 3.600.000 đồng/tháng để tiêu dùng (do người có thu nhập chi trả). Trong khi đó, nếu cá nhân có thu nhập 1.000.001 đồng/tháng trở lên thì không được xác định là người phụ thuộc, đồng nghĩa với việc họ chỉ có 1.000.001 đồng/tháng để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của mình (Lợi được 1 đồng thu nhập nhưng thiệt đến 2.599.999 đồng thu nhập tính thuế tính theo mức giảm trừ hiện hành). Do đó, pháp luật cần quy định, mức thu nhập được giảm trừ cho người phụ thuộc là hiệu số giữa mức giảm trừ áp dụng cho người phụ thuộc không có thu nhập với thu nhập thực tế của người phụ thuộc đó.

2. Về giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo

Thứ nhất, cần mở rộng thu nhập được giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Bên cạnh thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, cần mở rộng thêm đối với các khoản thu nhập có được từ trúng thưởng, quà tặng, từ nhượng quyền thương mại. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng khuyến khích đối tượng nộp thuế làm từ thiện khi nhận được các khoản thu nhập này.

Thứ hai, cần mở rộng đối tượng nộp thuế được giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Bên cạnh việc áp dụng đối với người cư trú thì mở rộng sang đối tượng là người không cư trú. Bởi lẽ, nhu cầu làm từ thiện, nhân đạo và thực tiễn cần nhận từ thiện, nhân đạo từ các chủ thể này là có thật. Do đó, quy định này nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của đối tượng nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.

Thứ ba, cần mở rộng khái niệm làm từ thiện, nhân đạo. Việc làm từ thiện, nhân đạo có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Yêu cầu đặt ra là phải có bằng chứng chứng minh việc làm từ thiện, nhân đạo đó là có thật. Quy định tạo điều kiện cho người làm tư thiện, nhân đạo chủ động và thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời giảm đi những thất thoát, chi phi quản lý không cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007, sửa đổi năm 2012, 2014.

2. Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 về quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

3. Đặng Thị Phụng, Quy định về giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 2009.

4. Nguyễn Thị Thủy - Quy định về chiết giảm gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân - những bất cập, Kỷ yếu Tọa đàm: Pháp luật thuế thu nhập cá nhân - Những giải pháp đảm bảo tính thực thi, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tháng 1/2009.

5. Nguyễn Thị Lan, (2008), “Về giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân nhìn từ góc độ bình đẳng giới”, Tạp chí Luật học, (03).

DISCUSS THE ISSUE OF INCOME TAX DEDUCTION WHEN CALCULATING PERSONAL INCOME TAX

MA. TRAN MINH HIEP

Faculty of Commercial Law - Ho Chi Minh City University of Law

ABSTRACT:

Family circumstances deduction when calculating personal income tax is a new regulation in the Law of Personal Income Tax No. 04/2007 / QH12 issued on 21/11/2007 (amended in 2012 and 2014). It shows a lot more progress than the tax legislation levied on personal income in the past. This regulation is important in sharing tax burdens on individuals with incomes and contributes to the implementation of social policies for those who need to share personal income, ensuring the right to proper care for physical and mental development. However, the regulation and application in practice in the past time has caused many shortcomings, causing difficulties for individuals with taxable income, affecting the right to be cared and nourished of those who are in need.  This has also affected  the policy of encouraging charitable donations, humanitarianism, and at the same time caused lost in revenue to the state budget.

Keywords: Personal income tax, family deduction, dependents, principle of deduction.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây