Đẩy mạnh hoạt động TikTok trong quảng bá điểm đến du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam

Bài báo nghiên cứu "Đẩy mạnh hoạt động TikTok trong quảng bá điểm đến du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam" do ThS. Bùi Thiện Đức Thịnh - ThS. Lê Đỗ Thiên Trúc (Trường Đại học Sài Gòn) thực hiện.

Tóm tắt:

Kể từ khi ra mắt vào tháng 9 năm 2016, TikTok đã vươn lên nhanh chóng để trở thành nền tảng video ngắn phổ biến nhất. Tại điểm đến du lịch Quảng Nam, TikTok đã tác động mạnh mẽ đến du lịch thông qua các video ngắn trở thành đại sứ quảng bá, tiếp thị; điều đó đã được khẳng địch qua #HelloQuangNam. Quảng Nam với sự ưu đãi của thiên nhiên có nhiều điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) lôi cuốn khách du lịch, với TikTok sẽ là cầu nối giữa khách du lịch với điểm đến DLCĐ trong bối cảnh tiếp thị du lịch và ra quyết định của người tiêu dùng trong môi trường kỹ thuật số. Bài nghiên cứu sẽ giúp các nhà tiếp thị du lịch sử dụng nền tảng chia sẻ video ngắn hiệu quả hơn như một yếu tố tiếp thị du lịch.

Từ khóa: du lịch cộng đồng, điểm đến du lịch cộng đồng, du lịch, tỉnh Quảng Nam, TikTok.

1. Đặt vấn đề

Phương tiện truyền thông xã hội được đặc trưng bởi khả năng tiếp cận, phạm vi tiếp cận toàn cầu và khối lượng thông tin khổng lồ. Các thông tin về điểm đến du lịch có vai trò và ảnh hưởng đến quyết định của khách du lịch về chuyến đi của du khách. Quyết định du lịch của du khách có nhiều yếu tố như lựa chọn điểm đến trước chuyến tham quan, đặt chỗ ở, lựa chọn thời gian lưu trú và các hoạt động du lịch cụ thể. (Goossens, 2000) lập luận rằng thông tin du lịch có thể thúc đẩy mọi người đi du lịch và động lực này làm tăng nhu cầu biết thêm thông tin của họ như một cơ sở cho các quyết định du lịch của họ. (Gursoy & McCleary, 2004) chỉ ra rằng nhiều khách du lịch ưu tiên tìm kiếm thông tin. Việc thu thập thông tin tốt có thể làm giảm rủi ro và sự không chắc chắn liên quan đến các quyết định du lịch, như (Parvaneh và cs, 2014) đã lưu ý, do đó, thông tin du lịch là yếu tố then chốt trong quyết định du lịch của người tiêu dùng.

Đối với hầu hết du khách, việc lựa chọn điểm đến là một quyết định quan trọng vì nó là cơ sở cho những hành động tiếp theo của họ (Smallman & Moore, 2010). Lựa chọn điểm đến là một quá trình ra quyết định có chủ ý, bao gồm việc thu thập và xử lý rất nhiều thông tin.

Kể từ khi ra mắt tại Việt Nam, năm 2019, TikTok đã vươn lên nhanh chóng để trở thành nền tảng video ngắn phổ biến nhất. Nền tảng #HelloVietnam đã tác động mạnh mẽ đến du lịch thông qua các video ngắn chủ yếu được sử dụng để giới thiệu hình ảnh của điểm đến du lịch và như một hình thức quảng bá, tiếp thị.

Những video ngắn này cung cấp một cách mới để giới thiệu cảnh quan văn hóa, ẩm thực gợi lên điểm tham quan của điểm đến cho khách du lịch tiềm năng. So với các hình thức truyền thông xã hội khác, video ngắn linh hoạt hơn và dễ tiếp cận hơn với số lượng lớn người dùng. TikTok xác định các chủ đề quan tâm và nhắm mục tiêu đến người dùng phù hợp, đồng thời mô hình hiển thị của nó chỉ ra rằng những người dùng này sẽ xem video quảng cáo ngắn đang được phát. Mô hình phân phối như vậy mang lại một cách hiệu quả để giới thiệu cảnh quan của điểm đến và cung cấp thông tin về điểm đến đó cho du khách tiềm năng (Cao và cs, 2021).

Nội dung du lịch video ngắn đã trở thành một hình thức chia sẻ, trải nghiệm phổ biến để du khách lên kế hoạch cho những chuyến đi và kỳ nghỉ. Những video này kích thích mong muốn của họ, do đó tạo ra sự sẵn lòng đến thăm các địa điểm (Du và cs, 2022).

Vai trò của truyền thông xã hội trong việc ra quyết định du lịch được khám phá trong nhiều nghiên cứu du lịch, như các nghiên cứu về tác động của truyền miệng điện tử (Chen và cs, 2015) và nội dung do người dùng tạo (UGC) (Oliveira & Casais, 2019) và tác động của mạng xã hội đối với việc đặt phòng khách sạn (Varkaris & Neuhofer, 2017). So với các loại phương tiện truyền thông xã hội khác, tường thuật trực quan của phương tiện video ngắn như tiktok mang đến cho khách du lịch thông tin phong phú hơn văn bản và hình ảnh (Liu và cs, 2020).

Số liệu thống kê của DataReportal, Singapore (tháng 5/2023), có hơn 1,1 tỷ người dùng TikTok trên 18 tuổi. Trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Tiktok nhiều nhất thế giới, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6 với 50.6 triệu người. 

Biểu đồ 1: Tỷ lệ người dùng trên 18 tuổi sử dụng TikTok

du lịch cộng đồng

Nguồn: DataReportal, Singapore

Thu thập thêm thông tin về một điểm đến sẽ làm tăng sự sẵn lòng của khách du lịch tiềm năng đến thăm địa điểm đó (Koo và cs, 2016), khi đó phương tiện truyền thông xã hội là công cụ được sử dụng phổ biến và đáng tin cậy nhất khi chọn điểm đến (Alonso-Almeida và cs, 2019). Khách du lịch coi trọng việc thu thập thông tin để đảm bảo rằng các kế hoạch du lịch được chuẩn bị tốt (Hysa và cs, 2021), do đó, tính hữu ích của Tiktok trong việc tìm kiếm thông tin du lịch.

2. Hoạt động Tiktok với du lịch tỉnh Quảng Nam

Ngày 24/4/2019, TikTok đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Tạp chí Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác quảng bá cho ngành Du lịch Việt Nam với TikTok, thực hiện chương trình quảng bá du lịch Việt Nam bằng công cụ video với 4 chiến dịch truyền thông cho các địa phương là #HelloVietnam, #HelloDanang, #HelloNinhbinh, #HelloQuangNam; triển khai chương trình #ancungtiktok, quảng bá cho ẩm thực Việt Nam. Qua đó, du khách có thêm nhiều kênh trải nghiệm về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực của Việt Nam được chia sẻ trên nền tảng TikTok trước khi quyết định chọn điểm đến du lịch của mình.

Nhân sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2022, thực hiện chiến lược phát triển du lịch địa phương, ngày 25/3/2022, Sở VH-TT&DL Quảng Nam, TikTok và Trường Đại học FPT Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình ký kết hợp tác chiến lược có hiệu lực 3 năm. Theo đó, TikTok là đơn vị chủ trì tổ chức chiến dịch #HelloQuangNam, khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hóa, ẩm thực của tỉnh Quảng Nam và chia sẻ trên TikTok.

Chương trình hợp tác giúp cụ thể hóa hoạt động thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch, góp phần xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Quảng Nam đến du khách đạt hiệu quả thông qua việc cho phép người tham gia chia sẻ những trải nghiệm chân thực, thể hiện niềm tự hào về văn hóa, ẩm thực và con người Quảng Nam trên tiktok thông qua 2 hashtag đính kèm: #HelloQuangNam và #HelloVietNam.

#HelloQuangNam trở thành chiến dịch quảng bá du lịch trên hành trình số hóa du lịch của Việt Nam do Tổng cục Du lịch và TikTok khởi xướng từ năm 2019.

3. Thực trạng các điểm đến du lịch cộng đồng Quảng Nam

Điểm đến du lịch Quảng Nam được thiên nhiên ưu ái, sở hữu nhiều cảnh sắc riêng có một sức hút rất lớn đối với đông đảo du khách bởi khung danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Các sản phẩm hoạt động truyền thông và quảng bá các điểm đến DLCĐ Quảng Nam trên nền tảng TikTok sẽ rất cần thiết để lan tỏa mạnh mẽ hơn điểm đến DLCĐ Quảng Nam đến với cộng đồng người yêu thích du lịch trong nước, cũng như quốc tế.

Miền núi tỉnh Quảng Nam bao gồm 9 huyện, trải dài dưới chân dãy Trường Sơn, với tổng diện tích hơn 783 nghìn ha, chiếm hơn 74% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc Xơ Đăng, Cor, Cơ Tu, Giẻ Triêng,... Vùng đất ở vùng sâu trong đất liền này là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Thêm vào đó, dưới chân đại ngàn còn là vùng địa hình sinh thái đa dạng, hệ động thực vật phong phú, cảnh quan đa sắc. Tiềm năng to lớn này đang từng bước được khai thác nhằm phát triển DLCĐ Quảng Nam. Phát triển DLCĐ là một trong những nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Quảng Nam, hiện có 19 điểm DLCĐ được đưa vào đón khách; trong đó 7 điểm có ban quản lý điểm du lịch, 7 điểm đã thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Các khu DLCĐ như: Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), Làng Văn hóa - Du lịch Bhơ Hôồng (huyện Đông Giang); Du lịch Sâm Ngọc Linh, du lịch văn hóa cộng đồng (huyện Nam Trà My); Làng Văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với bảo vệ, phát triển rừng; Phát triển du lịch bền vững tại Làng Văn hóa thôn Pơ’ning (xã Lăng); Làng Du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê); Khu du lịch Đỉnh Quế (huyện Tây Giang)...

Đến nay, một số mô hình, sản phẩm DLCĐ đã được hình thành, khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Các mô hình, sản phẩm DLCĐ tiêu biểu, như: Làng Bích họa Tam Thanh (TP. Tam Kỳ), Làng Rau Trà Quế, Làng Gốm Thanh Hà, Làng DLCĐ Trà Nhiêu (Duy Xuyên), Làng DLCĐ Cẩm Thanh, Làng Mộc Kim Bồng, Cù Lao Chàm (thuộc TP. Hội An), Rừng Dừa Bảy Mẫu, Làng DLCĐ Triêm Tây (Điện Bàn),...

Theo Đề án Hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, (thời hạn triển khai thực hiện Đề án từ năm 2021 đến năm 2025) thì 7 điểm đến sẽ được hỗ trợ gồm: làng DLCĐ Tam Thanh (Tam Kỳ); làng DLCĐ xã đảo Tam Hải, làng du lịch sinh thái cộng đồng hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành); làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước); làng DLCĐ Đại Bình (Nông Sơn); làng DLCĐ Mô Chai (Nam Trà My); làng DLCĐ Triêm Tây (Điện Bàn), tổng kinh phí đầu tư gần 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Các điểm đến DLCĐ này sẽ được hỗ trợ xây dựng dự án phát triển DLCĐ tại điểm, quy hoạch mặt bằng, đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực, quảng bá... Đề án sẽ như là một đòn bẩy để phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, từ thực tế tổ chức các mô hình DLCĐ tại địa phương đã để lộ ra nhiều nút thắt, điểm nghẽn, cần sớm tập trung giải quyết, đó là:

- Cơ sở hạ tầng phát triển DLCĐ còn hạn chế, giao thông chưa kết nối đồng bộ, thiếu bãi đỗ xe;

- Các dịch vụ du lịch (nhà hàng, lưu trú...) chưa đảm bảo nhu cầu của du khách;

- Chưa có các sản phẩm dịch vụ DLCĐ đặc trưng;

- Công tác quản lý DLCĐ, bảo vệ cảnh quan môi trường còn hạn chế đến từ cách làm du lịch tự phát của người dân tại địa phương.

4. Đề xuất giải pháp đẩy mạnh hoạt động TikTok trong quảng bá điểm đến du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam

Số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong tháng 1/2024, Việt Nam đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế.

Biểu đồ 2: Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 và tháng 1/2024

Đơn vị: nghìn lượt

du lịch cộng đồng

Nguồn: Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Tính riêng tỉnh Quảng Nam, năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đạt 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần. Trong đó, lượng khách quốc tế đã đạt gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần; doanh thu du lịch ước tính đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần; doanh thu từ du lịch đạt 18.683 tỷ đồng. (Biểu đồ 2)

Ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, với việc đạt mốc 1,5 triệu khách du lịch trong tháng đầu năm 2024 thì là tín hiệu lạc quan trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, Ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam cần đẩy mạnh chương trình truyền thông và không thể không đề cập đến vấn đề hợp tác quảng bá cho du lịch Việt Nam trên nền tảng TikTok.

4.1. Tăng cường quản lý, phòng ngừa tác động tiêu cực đến từ các sản phẩm TikTok

Niềm tin nhận thức là yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất về ý định hành vi sử dụng nền tảng chia sẻ nội dung của khách du lịch (Balouchi và cs, 2017) và ảnh hưởng đáng kể đến việc người dùng sẵn sàng chấp nhận thông tin du lịch trên mạng xã hội (Chen và cs, 2020). Khách du lịch thường thu thập thông tin du lịch thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, phương pháp và phương tiện này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và sự không chắc chắn, khiến niềm tin nhận thức trở thành một yếu tố quan trọng (Kim & Kim, 2020).

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, một số lỗ hổng trong quản lý của TikTok có thể dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường cho tin giả phát tán, gây hại đến kinh tế, bất ổn cho xã hội; gây ra những trào lưu tiêu cực, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ,… vì vậy phải có cơ chế kiểm duyệt; các giải pháp công nghệ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại của kỷ nguyên số hóa nhằm ngăn chặn: các nội dung thiếu văn hóa, truyền bá mê tín dị đoan; các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là nội dung trích từ phim; người sử dụng tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác hoặc tổ chức nhằm hạ uy tín cá nhân, tổ chức.

Với những sản phẩm “xanh” và “sạch” trên TikTok giúp người dùng có niềm tin, có sự trải nghiệm chất lượng hình ảnh điểm đến được quảng bá thật và thú vị, khách du lịch sẽ đi đến quyết định chọn điểm đến như mong muốn cho kỳ nghỉ của bản thân với gia đình, người thân.

4.2. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn sản xuất sản phẩm TikTok cho cá nhân, tổ chức

Sự bội thực thông tin trên Internet đã khiến du khách ngờ vực với tính xác thực của nội dung trên mạng xã hội. Khách du lịch thích khám phá những điểm đến mới nhưng cũng phải cân nhắc ngân sách tài chính của mình nên họ lên kế hoạch cho chuyến đi một cách cẩn thận, đồng thời thu thập càng nhiều thông tin càng tốt (Choudhary & Gangotia, 2017). Là một nền tảng xã hội chia sẻ video, TikTok nhằm mục đích cung cấp giải trí và thư giãn, có sự kết hợp vô số nội dung du lịch được đăng bởi khách du lịch, doanh nghiệp. Nội dung cần được xử lý thông qua phân loại chủ đề và phân tích dữ liệu, sau đó được đưa lên nền tảng TikTok gửi đến người dùng.

Vì vậy, để có những sản phẩm có chất lượng, có chiều sâu chuyên môn thì cá nhân, tổ chức cần được trang bị những chuyên môn từ căn bản đến nâng cao. Thông qua các lớp tập huấn, đào tạo; cá nhân, tổ chức được định hướng sử dụng đầy đủ, hiệu quả các tính năng của TikTok; cũng như trang bị các kiến thức Luật An ninh mạng. Tạo ra các sản phẩm chất lượng là làm cho hoạt động tiếp thị về du lịch trở nên hiệu quả hơn và tối ưu hóa mọi hành động tiếp thị trên nền tảng TikTok.

4.3. Tổ chức định kỳ hàng năm các hội thi quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam

Trong những năm qua, để đẩy mạnh hoạt động TikTok trong quảng bá điểm đến du lịch cộng đồng, tỉnh đã tổ chức Cuộc thi TikTok #HelloQuangNam diễn ra từ ngày 25/3 - 05/6/2022 là sân chơi để cộng đồng sáng tạo đam mê du lịch được tự do chia sẻ những trải nghiệm chân thực, đồng thời thể hiện văn hóa, ẩm thực và con người xứ Quảng thông qua 2 hashtag đính kèm: #HelloQuangNam và #VisitQuangNam trên nền tảng tiktok. Cuộc thi thu hút rất nhiều hot TikTok trên khắp Việt Nam hưởng ứng với hơn 1.000 bài dự thi tại hashtag #visitquangnam, #helloquangnam và có hơn 300 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok. Đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam đến với du khách trong nước và quốc tế thông qua nền tảng đang rất hot hiện nay là TikTok.

Tiếp đến là cuộc thi “Đi muôn nơi cùng #NganNgaVietNam” từ tháng 8 - 10/2022, cuộc thi khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung về phong cảnh, văn hóa, ẩm thực, lối sống của con người Việt Nam được chia sẻ trên nền tảng thông qua hashtag #NganNgaVietNam. Đó là một sân chơi tìm về vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống, tôn vinh văn hóa và chia sẻ niềm tự hào dân tộc, từ đó góp phần quảng bá du lịch quốc gia. Chỉ sau hơn nửa tháng triển khai cuộc thi, #NganNgaVietNam đã có những điểm nhấn đáng kể trên hành trình quảng bá du lịch và văn hóa Việt Nam trên nền tảng TikTok với hơn 110 triệu lượt xem.

Rõ ràng hiệu quả mang lại từ các cuộc thi là đưa hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam không những đến gần hơn với khách du lịch nội địa mà còn vươn xa ra thế giới. Qua đó, tỉnh Quảng Nam cần có kế hoạch định kỳ hàng năm tổ chức hội thi TikTok giới thiệu hình ảnh điểm đến du lịch Quảng Nam.

5. Kết luận

 Nền tảng truyền thông xã hội nên được sử dụng hiệu quả và hiệu quả hơn, vì chúng là những kênh mạnh mẽ kết nối du khách và điểm đến (Li và cs, 2017). Là một nền tảng mới nổi, nhưng TikTok hướng đến công nghệ nền tảng cho các dịch vụ quảng cáo trong tương lai, là sự lựa chọn số một của doanh nghiệp thì TikTok cần thiết xây dựng chiến lược tầm xa, cụ thể:

- Tăng cường sự kiểm soát nội dung để có sự chọn lọc bảo vệ sự an toàn và đảm bảo sự phù hợp cho thương hiệu của điểm đến DLCĐ.

- Có chiến lược tập huấn kỹ năng sản xuất sản phẩm cho người dùng nhằm tối ưu hóa hoạt động truyền thông và quảng bá du lịch.

- Tỉnh Quảng Nam cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng các hoạt động TikTok nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến DLCĐ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2020). Quảng Nam: Đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng - Thời cơ trước mắt, lợi ích dài lâu. Truy cập tại: https://vietnamtourism.gov.vn/post/34857
  2. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam (2021). Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 “Phương án phát triển ngành du lịch, dịch vụ, thương mại và logistics”.
  3. Bộ Chính trị (2013). Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X ngày 25/12/2013 về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet”.
  4. Tỉnh ủy Quảng Nam (2016). Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 27/12/2016 về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
  5. Alonso-Almeida M.-d.-M., Borrajo-Millán F., & Yi L. (2019). Are Social Media Data Pushing Overtourism? The Case of Barcelona and Chinese Tourists. Sustainability, 11(12), 3356. Available at: https://www.mdpi.com/2071-1050/11/12/3356.
  6. Balouchi M., Aziz Y. A., Hasangholipour T., Khanlari A., Abd Rahman A., & Raja-Yusof R. N. (2017). Explaining and predicting online tourists’ behavioral intention in accepting consumer generated contents. Journal of Hospitality and Tourism Technology, 8(2), 168-189. https://doi.org/10.1108/JHTT-09-2016-0059
  7. Cao X., Qu Z., Liu Y., & Hu J. (2021). How the destination short video affects the customers' attitude: The role of narrative transportation. Journal of Retailing and Consumer Services, 62, 102672. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jretconser.2021.102672
  8. Chen C.-H., Nguyen B., Klaus P. P., & Wu M. S. (2015). Exploring Electronic Word-of-Mouth (eWOM) in The Consumer Purchase Decision-Making Process: The Case of Online Holidays - Evidence from United Kingdom (UK) Consumers. Journal of Travel & Tourism Marketing, 32(8), 953-970. https://doi.org/10.1080/10548408.2014.956165
  9. Che J., Li R., Fu Z., Zhang C., & Yuan F. (2020). An Empirical Study on Travelers’ Acceptance Intention of Travel Information on Social Networks. Mathematical Problems in Engineering, https://doi.org/10.1155/2020/1843073
  10. Choudhary P., & Gangotia A. (2017). Do travel decision-making styles and gender of generation Y have any association with travel information share on social networking sites?. Journal of Hospitality and Tourism Technology, 8(2), 152-167. https://doi.org/10.1108/JHTT-09-2016-0052
  11. Du X., Liechty T., Santos C. A., & Park J. (2022). I want to record and share my wonderful journey: Chinese Millennials’ production and sharing of short-form travel videos on TikTok or Douyin. Current Issues in Tourism, 25(21), 3412-3424. https://doi.org/10.1080/13683500.2020.1810212
  12. Goossens C. (2000). Tourism information and pleasure motivation. Annals of Tourism Research, 27(2), 301-321. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/S0160-7383(99)00067-5
  13. Gursoy D., & McCleary K. W. (2004). An integrative model of tourists’ information search behavior. Annals of Tourism Research, 31(2), 353-373. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.annals.2003.12.004
  14. Hysa B., Karasek A., & Zdonek I. (2021). Social Media Usage by Different Generations as a Tool for Sustainable Tourism Marketing in Society 5.0 Idea. Sustainability, 13(3), 1018. https://www.mdpi.com/2071-1050/13/3/1018
  15. Kim M., & Kim J. (2020). The Influence of Authenticity of Online Reviews on Trust Formation among Travelers. Journal of Travel Research, 59(5), 763-776. https://doi.org/10.1177/0047287519868307
  16. Koo C., Joun Y., Han H., & Chung N. (2016). A structural model for destination travel intention as a media exposure. International Journal of Contemporary Hospitality Management, 28(7), 1338-1360. https://doi.org/10.1108/IJCHM-07-2014-0354
  17. Li S. C. H., Robinson P., & Oriade A. (2017). Destination marketing: The use of technology since the millennium. Journal of Destination Marketing & Management, 6(2), 95-102. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jdmm.2017.04.008
  18. Liu, X., Mehraliyev F., Liu C., & Schuckert M. (2020). The roles of social media in tourists’ choices of travel components. Tourist Studies, 20(1), 27-48. https://doi.org/10.1177/1468797619873107
  19. Oliveira B., & Casais B. (2019). The importance of user-generated photos in restaurant selection. Journal of Hospitality and Tourism Technology, 10(1), 2-14. https://doi.org/10.1108/JHTT-11-2017-0130.
  20. Parvaneh Z., Liao F., Arentze T., & Timmermans H. (2014). A Micro-simulation Model of Updating Expected Travel Time in Provision of Travel Information: A Bayesian Belief Approach Implemented in a Multi-state Supernetwork. Procedia Computer Science, 32, 796-801. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.procs.2014.05.493.
  21. Smallman C., & Moore K. (2010). PROCESS STUDIES OF TOURISTS’ DECISION-MAKING. Annals of Tourism Research, 37(2), 397-422. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.annals.2009.10.014.
  22. Varkaris E., & Neuhofer B. (2017). The influence of social media on the consumers’ hotel decision journey. Journal of Hospitality and Tourism Technology, 8(1), 101-118. https://doi.org/10.1108/JHTT-09-2016-0058.

 

Using TikTok to promote Quang Nam province’s community tourism

Master. Bui Thien Duc Thinh

Master. Le Do Thien Truc

Sai Gon University

ABSTRACT:

Since its launch in September 2016, Tiktok has spread rapidly and become the most popular short-form video platform. In Quang Nam province, TikTok has become a marketing channel for provincial tourism activities. Its impacts have been confirmed through the hashtag #HelloQuangNam. With the blessings of nature, Quang Nam province has many attractive community tourism destinations, and these destinations can reach out to potential tourists through TikTok. This study is expected to help tourism marketers better use TikTok to promote Quang Nam province’s community tourism.

Keywords: community tourism, community tourism destinations, tourism, Quang Nam province, TikTok.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]