Bi hài buffet

Sắp sinh nhật cô cháu ngoại duy nhất, ông bà Liên vui lắm, khấp khởi đưa nhau đi mua quà cho cháu. Nhưng từ khi biết được ý định con gái và con rể sẽ tổ chức lễ sinh nhật ở nhà hàng ăn kiểu buffet, ôn

Đến ngày, vợ chồng ông Liên cùng con cháu vui vẻ bước vào nhà hàng. Nhưng cố tình đi chậm lại, ông Liên nấn ná chưa ngồi vào vị trí bên cạnh bà Liên thì đã có ngay mấy thằng cháu nội vô tư ngồi mất chỗ của ông. May quá, chỉ chờ có thể, ông ngồi ra một chỗ khác. Thì ra, ông Liên đã tìm ra chiêu để tránh bà vợ nhiệt tình chăm sóc ông quá mức khiến cho bữa tiệc tự chọn nào ông cũng bị tước - mất - quyền - tự - chọn.

“Buffet” trong tiếng Pháp có nghĩa là tự chọn hay còn gọi là “tiệc đứng”, nghĩa là thực khách có thể đi lại, đứng ngồi tùy thích khi ăn uống. Cái lợi của tiệc buffet là có thể phục vụ cho nhiều người hơn so với tiệc ngồi. Buffet có cái hay vì tạo nhiều cơ hội để thực khách giao tiếp với nhau – nhất là với những buổi tiệc có tính chất xã giao, vì vậy thời gian ăn buffet có thể kéo dài. Vào thế kỷ XVIII, những bữa tiệc ngoài trời phục vụ một số lượng lớn khách mời, với bàn dài bày sẵn đồ ăn, bắt đầu xuất hiện ở Pháp, rồi lan sang Anh và các nước châu Âu. Mãi đến giữa thế kỷ XIX, người Mỹ mới biết đến buffet, nhờ sự sáng tạo của một nhà hàng Trung Quốc mở trên đất Mỹ. Buffet trở nên đặc biệt thịnh hành ở Mỹ vào những năm 1930 với nhiều biến tấu hiện đại.


Ở Việt Nam, buffet mới phổ biến trong khoảng chục năm trở lại đây với một loạt các nhà hàng, khách sạn lớn, có tên tuổi. Giá buffet cũng dao động từ khoảng 250.000 đến 600.000 đồng/suất, thế nên rất nhiều người chọn buffet làm nơi tổ chức sinh nhật, họp mặt gia đình hay đi ăn dịp cuối tuần. Và đã biết bao câu chuyện bi – hài xảy ra ở các bữa tiệc buffet mà ông Liên là một ví dụ.

Vợ ông luôn chăm sóc ông thái quá, kể cả khi ăn tiệc tự chọn. Nhớ mấy lần trước, bà Liên rộn ràng “đi chợ” một lúc rồi trở về mang theo một đĩa tú ụ là đồ ăn, rồi bảo ông “có tôi đi thế này ông đỡ phải đi”. Nể vợ vì ở chỗ đông người, nhưng ông không thích bị “ép hạ” thế nên đành ngồi ăn với thái độ rất miễn cưỡng. Lần này ông quyết “vùng lên” bằng cách tạo khoảng cách với bà, để bà quên ông đi, để ông được tận dụng quyền - tự - chọn mà người mời ông đến ăn đã ân tình trao vào tay những người khách quý.

Chả bù cho ông Liên, bà Hà lại ngược lại. Đi ăn tiệc tự chọn mà bà không dời khỏi ghế lấy một lần. Tất cả là do cô con gái sợ mẹ “bị thiệt” nên ra sức mang về cho mẹ đồ ăn. Cái gì bà thích thì bà ăn, cái gì bà không thích thì bà bỏ lại chỏng chơ trên bàn, trông đến là thiếu văn minh. Cứ thế cho nên đi vài lần ăn tiệc tự chọn rồi mà bà Hà vẫn chả biết một bữa tiệc quy mô thế nào, có tất cả bao nhiêu món, món nào tên là gì, khu vực nào là đồ khai vị, khu vực nào đồ tráng miệng… Lần gần đây nhất bà đi với đám bạn cũ, tất nhiên không có cô con gái, thế là ú a ú ớ rất mất hình ảnh “sang chảnh, ăn chơi vốn sẵn tính trời” mà bao năm bà cố công gây dựng trước bạn bè.



“Ăn cho đáng đồng tiền” hay “để dành bụng ăn buffet” là câu cửa miệng vui thường hay bắt gặp ở những nhóm bạn đi ăn buffet cùng với nhau. Câu nói trên tuy đùa mà thật vì thường buffet đã được thu tiền trước, ăn nhiều hay ít cũng chừng đó tiền và thế là nảy sinh tâm lý ở không ít người là ăn sao cho “năng suất” cao nhất. Chả thế mà có nhiều anh chị nhịn bữa sáng cho bụng đói meo để bữa trưa đi ăn cho bõ công trả tiền. Hài nữa là người Việt ta có tinh thần “tương thân, tương ái”, món ngon mình cảm nhận cũng muốn gắp và san sẻ cho người thân, quen của mình. Thói quen lấy đồ ăn giùm cũng xuất phát từ tinh thần đó. Tuy nhiên, ngon hay không tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: sở thích của từng người, tâm trạng vui buồn, sức khỏe, môi trường… Lấy thức ăn giùm càng không phù hợp trong tiệc buffet vì dễ gây nên những sự lãng phí không đáng có.

Liên quan đến tiệc buffet, nếu như có những thực khách a-ma-tơ như thế thì lại có những khách hàng cực kỳ chuyên nghiệp bù lại. Có những gia đình trước mỗi buổi tiệc lại “tập huấn” và “truyền thông” cho các thành viên trong nhà từ già đến trẻ. Đặc biệt là các cháu nhỏ và các cụ già thường không mấy khi chọn món theo kiểu “ở nhà không có” như người lớn mà thường xuyên lao vào ăn những món mà hay được ăn và thích ăn như: cơm rang, mì xào (với trẻ nhỏ), khoai, ngô, sắn, bánh bột lọc (với người già). Chính vì vậy nên việc làm công tác tư tưởng trước mỗi lần đi ăn tưởng đùa nhưng thực ra vô cùng quan trọng. Ăn thế nào đúng cách, ăn thế nào cho đúng là thưởng thức của ngon vật lạ, đặc sản của nhà hàng chính là mục tiêu mà những người sành ăn muốn hướng tới.

Vừa rồi, tại bữa tiệc mừng thọ ông bà tại một nhà hàng buffet, một bạn nhỏ bé xíu chắp tay sau lưng đi đi lại lại chán chê rồi mới bắt đầu ăn món khai vị là mỳ Ý sốt. Bác của bạn mới thắc mắc sao hôm nay món khoái khẩu mà bạn ăn ít thế thì bạn ý bảo: Cháu ăn ít còn để bụng thưởng thức các món khác nữa ạ. Chao ôi, một bạn nhỏ mà nói “chuẩn không cần chỉnh” về bản chất của nghệ thuật ẩm thực đến thế thì còn gì bằng.


Dưới đây là một vài tư vấn khi ăn tiệc buffet do nhà hàng Hotpot chia sẻ.


CÁCH CHỌN MÓN

- Khoan hãy vội đến ngay quầy lấy đĩa mà hãy đi lướt qua một vòng thưởng ngoạn xem thực đơn có những món gì và vị trí các món ăn sắp đặt ở đâu. Khi đó, trong đầu đã “chấm” sẵn các món “dứt khoát” ăn, kế đến là các món dự định thử cho biết. Sau khi kết thúc một vòng hãy lấy đĩa và chọn cho mình các món ăn khai vị đầu tiên.

- Nguyên tắc chung là món khô ăn trước, món nước ăn sau, đồ chiên xào và mấy món ngọt ăn sau cùng. Món thích hợp nhất để ăn đầu tiên là các món gỏi, nộm, salad, vì có vị chua nên những món này sẽ kích thích vị giác và tiêu hóa của bạn. Tiếp theo là những món luộc, món nướng, món trộn, rồi mới đến các món chiên, món xào và những món giúp no bụng như: súp, mỳ, cơm, bánh mỳ… sau cùng mới là các món tráng miệng, hoa quả.

- Không nên ăn trong tiệc buffet nếu như có những món ăn khác cho bạn lựa chọn: cơm chiên, mì xào, rau xào, khoai, ngô, sắn, bánh bột lọc và các loại tương tự vì đây là các món ăn vào là no ngay, bên ngoài rất sẵn lại rẻ mà còn ngon hơn nên hãy dành bụng để thưởng thức các món bạn đã “chấm sẵn”. Ngoài ra bạn cũng không nên uống nước trái cây vì thực chất đó toàn là nước hương trái cây thôi, rất dễ làm bạn đầy bụng chướng hơi.


  • ĂN BUFFET ĐÚNG CÁCH

  • Ăn chậm rãi, ăn thưởng thức, vừa ăn vừa đàm đạo với bạn bè.
  • Không ngại đi lại nhiều lần để lấy thức ăn hoặc nước uống.
  • Giữ trật tự, nhường và chờ đợi người đến trước lấy xong mới đến lượt mình.
  • Cầm đĩa thức ăn trên tay, di chuyển chậm và cẩn trọng, không va chạm vào người khác. Không để trẻ nhỏ tự do chạy nhảy trong khu vực nhà hàng để tránh những ảnh hưởng đối với người khác và giữ an toàn cho trẻ.
  • Thử trước một ít với món lạ, nếu nếm thử thấy được thì hãy ăn thật. Đừng thấy món ăn trông bắt mắt mà lấy thật nhiều, bởi nếu không hợp khẩu vị sẽ rất phí.
  • Chỉ nên lấy không quá hai đĩa cùng lúc, mỗi đĩa chỉ nên có khoảng tối đa 2-3 món, số lượng vừa phải.


  • NHỮNG CÁCH ĂN NÊN TRÁNH

  • Lấy quá nhiều món ăn trong một lần, lấy quá nhiều số lượng của mỗi món.
  • Chỉ lấy một loại nguyên liệu trong một món chế biến tại chỗ. Ví dụ món lẩu, gồm nhiều loại như hải sản (tôm, cá, mực…) và thịt (phổ biến là thịt bò), nhiều người tham lam chỉ lấy tôm và thịt bò với số lượng nguyên đĩa, đến người kế tiếp thì không còn nguyên liệu đó nữa.
  • Chen lấn khi lấy thức ăn. Có vài nhà hàng bố trí nơi lấy thức ăn quá chật chội, khiến thực khách dễ va chạm nhau và tạo cảm giác giành giật khi lấy thức ăn.
  • Di chuyển quá nhanh trong khu vực để đồ ăn.
  • Để thức ăn thừa mứa, không ăn hết. “Văn hoá ăn buffet” không cho phép bạn để thừa một tí thức ăn nào vì ăn cái gì và ăn bao nhiêu hoàn toàn thuộc quyền lựa chọn của bạn.