Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân trả lời phỏng vấn Tạp chí Công Thương

Với yêu cầu xuyên suốt là phát triển hài hòa và bền vững các giá trị xã hội, môi trường và các giá trị kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định 6 không gian kinh tế động lực, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai.

Năm 2022 là một năm nỗ lực vượt khó thành công của tỉnh Quảng Ngãi. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Nhận thức được vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng những tiềm năng của mình, Quảng Ngãi đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX.

Đặc biệt, với yêu cầu xuyên suốt là phát triển hài hòa và bền vững các giá trị xã hội, môi trường và các giá trị kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định 6 không gian kinh tế động lực trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai.

Tạp chí Công Thương đã có buổi trao đổi với đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi về những động lực tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn mới và giải pháp huy động nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng phát triển thời gian tới.

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi

PV: Từ một tỉnh nghèo chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; đến nay, Quảng Ngãi đã có sự phát triển vượt bậc, công nghiệp trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng chí có thể khái quát một số thành tựu Quảng Ngãi đã đạt được ở lĩnh vực kinh tế trong thời gian qua?

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Trước hết, có thể nói năm 2022 là một năm nỗ lực vượt khó thành công của tỉnh Quảng Ngãi. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Ở đây, có thể nói đến một số kết quả sau:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 57.605 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 8,08%.

- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 68,4%.

- GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.280 USD/người

- Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 129.042 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2021.

- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 18.152 tỷ đồng, tăng 2,0% so với năm 2021.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt ước đạt 64.697 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2021.

- Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 2.158 triệu USD, tăng 20% so với năm 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.490 triệu USD, tăng 31,4% so với năm 2021.

- Đã cấp phép đầu tư cho 17 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 286 tỷ đồng; 04 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 34.167 tỷ đồng, vượt 78% dự toán Trung ương giao và vượt 40,4% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 44,7% so với năm 2021.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 33.215 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021, vượt 14,5% kế hoạch.

PV: Được biết, tỉnh Quảng Ngãi đang trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề ra nhiều động lực phát triển mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng của Quảng Ngãi trong giai đoạn mới. Những động lực này là gì và sẽ được đầu tư nguồn lực phát triển như thế nào, thưa Đồng chí?

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Với yêu cầu xuyên suốt là phát triển hài hòa và bền vững các giá trị xã hội, môi trường và các giá trị kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định 6 không gian kinh tế động lực là: (1) Thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận (vùng phụ cận thuộc một phần các Huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành). Trong đó, thành phố Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ của Tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị; (2) Vùng động lực công nghiệp của tỉnh bao gồm huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, một phần huyện Sơn Tịnh là trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần; (3) Khu vực kinh tế sinh thái biển bao gồm thị xã Đức Phổ và Huyện Mộ Đức, định hướng phát triển trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi với trung tâm là thị xã Đức Phổ, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối, giao thương thủy sản hoàn thành chuỗi giá trị ngành hàng; (4) Khu vực kinh tế rừng xanh bao gồm các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi; (5) Hành lang nông nghiệp bền vững bao gồm các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc địa giới hành chính của các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, hướng tới giảm thâm dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành các hành lang kinh tế hỗn hợp - tuần hoàn; (6) Đảo Lý Sơn - “ngọc lớn - ngọc bé” của Biển Đông, với định hướng vai trò là đô thị biển; trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi, phát triển các loại hinh du lịch biển đảo đặc sắc.

Mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa vùng duyên hải và vùng trung du miền núi hay hải đảo về mặt kinh tế. Trước mắt là hỗ trợ cho nhau, vùng có điều kiện sẽ phát huy vai trò đầu tàu hỗ trợ thúc đẩy các khu vực chậm hơn, để rồi khi quy mô đủ lớn, sẽ hình thành hệ sinh thái kinh tế vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh, hạn chế mặt yếu.

Để phát triển các không gian kinh tế động lực nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi xác định sẽ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng như các nguồn lực khác trong xã hội theo các định hướng sau:

- Tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu vực kinh tế quan trọng (KKT, KCN, CCN…) và hỗ trợ thực hiện các dự án mở rộng quy mô các lĩnh vực công nghiệp chủ lực (dầu, thép…). Trong giai đoạn sau 2030, định hướng về phát triển và phân bổ nguồn lực dần dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển các lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển bền vững cho các giai đoạn sau và mang lại giá trị kinh tế cao như: công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chất lượng cao; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; dịch vụ logistics; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp áp dụng công nghệ cao…

- Đối với lĩnh vực công nghiệp: Tỉnh định hướng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp lọc, hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, khí; công nghiệp luyện cán thép và sản xuất các sản phẩm thép cho xây dựng, cơ khí chế tạo; năng lượng tái tạo; các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành thép và hoá dầu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh các phụ phẩm và phế thải công nghiệp như tro, xỉ,… Song song đó, thu hút và dần hình thành, phát triển các loại hình công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao và ngành công nghiệp chủ lực là sản xuất điện (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghiệp chế biến sâu nông lâm thuỷ sản. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng huy động đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối và hệ thống xử lý chất thải. Tăng cường kiên kết vùng với KKT mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam để hình thành một vùng kinh tế công nghiệp động lực của miền Trung.

- Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Thu hút đầu tư các loại hình dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư các loại hình du lịch (biển, biển đảo, rừng, nghỉ dưỡng v.v.) mang tính khác biệt so với các tỉnh lân cận theo hướng xanh, bền vững, cao cấp gắn với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngày càng nâng cao giá trị đóng góp vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi trở thành một thương hiệu du lịch cao cấp, điểm đến du lịch mang tầm quốc tế với các loại hình du lịch đa dạng. Đẩy mạnh đầu tư, thu hút đầu tư phát triển hệ thống logistics, vận tải, kho bãi… từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hoá, vận tải quy mô của khu vực miền trung.

- Đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; thu hút đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản; phát triển lâm nghiệp theo hướng trồng cây rừng lâu năm (các sản phẩm về gỗ, tín chỉ carbon), dược liệu…

+ Về nông nghiệp: Quảng Ngãi có nhiều loại nông sản chủ lực có thể làm nguyên liệu tốt cho ngành công nghiệp chế biến như: rau củ quả, gạo, mì (sắn), ngô, lạc, vừng. Hình thành các liên kết sản xuất giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh để tạo vùng sản xuất tập trung, quy mô hàng hoá lớn; khuyến khích, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch.

+ Về lâm nghiệp: Trong giai đoạn 2021 – 2030, tiếp tục hỗ trợ kinh tế nông dân để khuyến khích chuyển đổi cây gỗ ngắn ngày sang cây lâu năm, gỗ lớn, từ đó thúc đẩy thu hút, đầu tư phát triển sản xuất chế biến gỗ sâu như viên nén gỗ, sản xuất gỗ nội thất, mỹ nghệ và các loại đồ gỗ xuất khẩu; đầu tư xây dựng công nghiệp chế biến dược phẩm, tận dụng xu hướng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Hỗ trợ hình thành và phát triển các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất các vật liệu phụ trợ. Nghiên cứu mở rộng hợp lý các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, đặc biệt là khu vực miền núi.

+ Về ngư nghiệp: Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp thuỷ sản chế biến, bảo quản thuỷ sản quy mô hàng hoá lớn và hiện đại, làm trung tâm và động lực cho phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung; nuôi trồng thuỷ sản theo hướng liên kết sản xuất để tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng, quy mô hàng hoá lớn và ổn định. Thu hút đầu tư, hiện đại hoá các lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản như: Cơ sở hạ tầng cảng cá, neo đậu tàu thuyền và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tiếp tục kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm chủ lực và có thương hiệu của địa phương; nghiên cứu mở rộng chế biến các sản phẩm từ phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến theo hướng tuần hoàn.

PV: Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX. Với vị trí chiến lược quan trọng của mình ở vùng Duyên hải Trung Bộ, tỉnh Quảng Ngãi sẽ triển khai những giải pháp như thế nào để thực hiện thắng lợi Nghị quyết nói trên?

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Là tỉnh có vị trí chiến lược, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có Khu kinh tế Dung Quất là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công trong cả nước với hệ thống giao thông kết nối với các địa phương, vùng trong cả nước được tích cực đầu tư đồng bộ, theo hướng hiện đại với hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất (05 dự án cảng tổng hợp có năng lực tiếp nhận tàu có tải trọng từ 3.000DWT – 70.000DWT; 04 cảng chuyên dùng có năng lực tiếp nhận tàu có tải trọng đến 200.000DWT), nằm cạnh cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Trên địa bàn tỉnh có Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được đầu tư (đang hoàn thành các thủ tục để nâng cấp, mở rộng), một số dự án điện khí dự kiến được đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đang đầu tư như: Doosan, Hòa Phát,…; nhiều doanh nghiệp khác đang tiếp tục đăng ký đầu tư. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi có huyện đảo Lý Sơn, là đảo tiền tiêu, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng; có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, địa hình, địa chất, địa mạo độc đáo; có hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú; có nhiều di tích, di sản văn hóa cấp quốc gia, có tiềm năng để phát triển thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Nhận thức được vị trí chiến lược đó cùng những tiềm năng của mình, Quảng Ngãi đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX:

1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

2. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các quy hoạch được duyệt: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành quốc gia, vùng.

Phối hợp xây dựng thể chế liên kết vùng để điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng, liên vùng; phù hợp với định hướng và đặc thù phát triển vùng; bảo đảm các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả và có kỷ luật, kỷ cương.

Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng. Phối hợp, gắn kết với các địa phương trong vùng xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên kết tỉnh, liên kết vùng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đề xuất phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin kinh tế, xã hội giữa các địa phương trong vùng; các chương trình triển khai chuyển đổi số tại vùng.

3. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó: Phát triển kinh tế biển đồng bộ cả công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, hạ tầng cảng biển, logistics. Quy hoạch, đầu tư, phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch ven biển, đảo chất lượng cao…

Đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững và có chiều sâu, tạo ra những sản phẩm có lợi thế mạnh, có thương hiệu, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; chế biến, chế tạo...

Tích cực hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để xây dựng và triển khai Đề án về xây dựng trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhà máy điện khí, góp phần quan trọng cho đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đầu tư, phát triển Khu kinh tế Dung Quất là Khu kinh tế ven biển chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Từng bước chuyển đổi mô hình khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, đặc hữu, có khả năng chống chịu với thời tiết cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu; theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, liên kết theo chuỗi giá trị; khuyến khích, phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới; đẩy mạnh phát triển du lịch. Tích cực thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu, điểm du lịch quy mô lớn, hiện đại. Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe,... Đẩy mạnh kết nối các tour du lịch, hình thành các cụm tương hỗ về du lịch giữa các tỉnh trong tiểu vùng Trung Trung Bộ và toàn vùng, gắn với khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương để phát triển du lịch.

4. Phát triển hệ thống đô thị; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị. Phát huy thế mạnh của từng đô thị và cả hệ thống đô thị để đô thị thực sự trở thành vùng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển đô thị thông minh, sinh thái, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp gắn với phát triển mạng lưới đô thị. Phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thành trung tâm du lịch biển - đảo, trong đó ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng đảo Lý Sơn. Xúc tiến việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực và thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Huy động các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông theo quy hoạch, ưu tiên các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa. Thực hiện đồng bộ hóa giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông. Phối hợp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp và các cảng hàng không, cảng biển; nhất là, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn tuyến đi qua tỉnh Quảng Ngãi để kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng; Quốc lộ 24B, tạo hành lang kết nối với các tỉnh phía Tây của Quảng Ngãi; đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, kết nối Sân bay Chu Lai; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.

Đầu tư, hoàn thiện các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu; đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng về thủy sản, thủy lợi, phục vụ nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải, phân phối điện. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; nâng cấp đồng bộ các thiết chế văn hoá, thể thao, nhất là một số công trình văn hoá tiêu biểu. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung bảo đảm đồng bộ, hiện đại, kết nối, liên thông, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

5. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai. Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong khai thác tài nguyên, khoáng sản. Bảo vệ và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước. Thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc liên quan đến rác thải, ô nhiễm môi trường. Từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng, tăng cường chất lượng rừng nhằm tăng cường khả năng hấp thụ các-bon, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên. Xây dựng các kịch bản, kế hoạch hành động chủ động ứng phó, giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách mới, đặc thù về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông và báo chí. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống Nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; vận động với nhiều hình thức đa dạng về hiệu quả đào tạo nghề bằng kết quả, hình ảnh dẫn chứng thực tế cuộc sống của người lao động sau khi học nghề,… kịp thời thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để người lao động tiếp cận thông tin tìm kiếm việc làm. Trong đó, chú trọng xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin lao động, ứng dụng công nghệ thông tin để hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung về cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đồng bộ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025. Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt các chính sách người có công, chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt y tế cơ sở; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển y tế kỹ thuật cao.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Văn hóa Sa Huỳnh là di sản văn hóa thế giới. Đầu tư, phát triển các môn thể thao thành tích cao có thế mạnh; phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng.

7. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh và trật tự, an toàn xã hội; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, không để xảy ra bị động, bất ngờ, hình thành “điểm nóng”, phức tạp về an ninh, trật tự. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối về kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng trong giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động truyền đạo trái phép, các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Xây dựng tiềm lực quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, cần chú trọng nâng cao năng lực phòng thủ đảo Lý Sơn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác biên giới biển, đảo, bảo hộ ngư dân và tàu thuyền. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, vận động và thu hút các nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển chính thức, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân và các đối tác phát triển của hợp tác tiểu vùng sông Mê Công cho phát triển. Chủ động khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các khuôn khổ hội nhập để cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của vùng theo hướng xanh, bền vững. Tăng cường công tác ngoại giao Nhân dân, thông tin tuyên truyền đối ngoại, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, khả năng hợp tác của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị truyền thống với các địa phương của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; mở rộng, thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trọng tâm là khu vực Đông Bắc Á; tăng cường quan hệ với các cơ quan ngoại giao, tổ chức, doanh nghiệp các nước.

8. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 26/01/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 10/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của đảng về công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; chất lượng, hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của tỉnh, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng thiết thực, hướng mạnh về cơ sở, đi sâu vào từng đối tượng, đa dạng các hình thức tập hợp Nhân dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thảo (thực hiện)