Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo - Nghiên cứu thực nghiệm trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

TS. TRẦN VĂN TRANG (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thất bại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguyên nhân từ kỹ năng quản lý và lãnh đạo yếu kém (Beaver 2003, Pellerin 2007). Nhưng, điều gì ảnh hưởng tới sự thành công và hiệu quả lãnh đạo trong các doanh nghiệp này? Nghiên cứu này nhằm kiểm định mối liên hệ giữa kỹ năng cá nhân và phong cách lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Các hiểu biết rõ ràng hơn về các mối liên hệ này sẽ giúp các nhà lãnh đạo và quản lý cải thiện hiệu quả lãnh đạo của mình, cũng như biết cách học hỏi các kỹ năng và điều chỉnh phong cách của mình cho phù hợp với tình huống lãnh đạo cụ thể.

Từ khóa: Hiệu quả lãnh đạo, nghiên cứu thực nghiệm, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

1. Tổng quan nghiên cứu

1.1. Lãnh đạo (leadership)

Thuật ngữ “lãnh đạo” thường được hiểu theo ba cách khác nhau: Một vị trí trong tổ chức, một đặc điểm tính cách (tố chất lãnh đạo), hay một hành vi trong tổ chức. “Lãnh đạo” trong nghiên cứu này, được hiểu theo cách thứ ba, tức là, lãnh đạo là sự gây ảnh hưởng của một cá nhân lên người khác hoặc một nhóm người, thông qua khả năng của mình, nằm ngoài những tác động của các nội quy, quy định. Mặc dù các nhà lãnh đạo có thể sử dụng biện pháp cưỡng ép hoặc bạo lực để gây ảnh hưởng đến hành vi của nhân viên, lãnh đạo theo định nghĩa ở đây sử dụng khả năng của mình để tạo ra những hành vi và cam kết tự nguyện. Đã có rất nhiều tác giả định nghĩa về lãnh đạo, tác giả bài viết xin giới thiệu một định nghĩa gần đây và khái quát nhất. Theo Griffin (2012), lãnh đạo là một quá trình tập trung vào việc định hình hoặc gây ảnh hưởng đến con người để đạt được mục tiêu chung của tổ chức.

1.2. Hiệu quả lãnh đạo (Leadership effectiveness)

Hiệu quả lãnh đạo đã trở thành một chủ đề chính trong nghiên cứu lãnh đạo (Bass, 2008). Humphrey (2002) đã lập luận rằng chức năng chủ chốt của lãnh đạo là tác động đến đối tượng lãnh đạo và đây là một trong những cách thức chính mà các nhà lãnh đạo tác động đến hiệu suất.

Hiệu quả lãnh đạo có thể hiểu theo nghĩa là những lợi ích hay hiệu ứng tích cực mà người lãnh đạo đem lại cho tổ chức cũng như các thành viên (Cherulnik et al., 2001). Theo cách hiểu này, lãnh đạo hiệu quả là tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, động viên những thành viên hành động đạt đến mục tiêu, lợi ích mà họ mong muốn, và duy trì một danh tiếng tốt của tổ chức. Hiệu quả lãnh đạo, đề cập đến "mức độ mà các nhà lãnh đạo mang về thành công cho nhóm hoặc tổ chức" (Kotze & Venter 2011, p403). Theo Anderson (2002) lãnh đạo là một quá trình, trong khi hiệu quả lãnh đạo là một kết quả. Tiêu chí quan trọng nhất đối với hiệu quả lãnh đạo thường được tính theo hiệu suất (Kaiser, Hogan, và Craig, 2008).

1.3. Phong cách lãnh đạo (Leadership style)

Phong cách lãnh đạo thường được hiểu là cách thức hay phương pháp riêng mà nhà lãnh đạo sử dụng để gây ảnh hưởng tới cấp dưới. Theo Bass (1985), phong cách lãnh đạo là hệ thống các dấu hiệu đặc trưng cho hoạt động của nhà lãnh đạo, được quy định bởi các đặc điểm nhân cách của họ. Có rất nhiều phong cách lãnh đạo khác nhau có thể được thể hiện bởi các nhà lãnh đạo. Nghiên cứu cổ điển của Kurt Lewin được chia sẻ rộng rãi cho rằng có ba phong cách lãnh đạo cơ bản là chuyên quyền, dân chủ và không can thiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây (Bass 1985; 1997) tập trung sự quan tâm vào hai phong cách cơ bản là lãnh đạo giao dịch (Transactional leadership) và lãnh đạo chuyển đổi (Transformational leadership). Lãnh đạo giao dịch là nhà lãnh đạo mang tính hướng công việc theo đó lãnh đạo tạo động lực của cấp dưới bằng cách thưởng cho hiệu suất cao và khiển trách họ vì hiệu suất thấp. Khi các nhà quản lý khen thưởng thực hiện kết quả cao, khiển trách hoặc trừng phạt người thực hiện thấp và tạo động lực cho cấp dưới bằng cách củng cố hành vi mong muốn và dập tắt hoặc trừng phạt những người không mong muốn, họ đang lãnh đạo theo phong cách “lãnh đạo giao dịch”. Lãnh đạo chuyển đổi là lãnh đạo mang tính chất hướng mối quan hệ. Các nhà lãnh đạo chuyển đổi là những người biết phát triển, kích thích và truyền cảm hứng đến cấp dưới đạt được những kết quả vượt trội so với mong đợi bằng cách khơi gợi những mức nhu cầu cao hơn của họ, xây dựng lòng tin và đặt lợi ích tổ chức lên trên lợi ích cá nhân (Avolio, Waldman Yammarino, 1991; Bass, 1985).

1.4. Các lý thuyết về lãnh đạo

Các lý thuyết về lãnh đạo rất phong phú từ lý thuyết về đặc điểm của nhà lãnh đạo (Traits Theories of Leadership), lý thuyết hành vi (Behavioral Theories of Leadership), lý thuyết ngẫu nhiên (Contingency Theory) tính tới các yếu tố hoàn cảnh và môi trường lãnh đạo, cho tới các nghiên cứu gần đây như phân biệt giữa lãnh đạo giao dịch và lãnh đạo chuyển đổi. Tuy nhiên, để xây dựng mô hình nghiên cứu đáp ứng các câu hỏi nghiên cứu đặt ra, nghiên cứu này dựa trên sự hiểu biết rút ra từ các lý thuyết sau đây:

- Lý thuyết về đặc điểm của nhà lãnh đạo (Traits Theories of Leadership): Nghiên cứu về mối quan hệ giữa lãnh đạo và các đặc điểm của nhà lãnh đạo và trả lời câu hỏi chính: đâu là những đặc điểm hoặc tính cách chính làm một người trở thành nhà lãnh đạo. Giả thuyết chính của lý thuyết này là nhân cách, các đặc điểm xã hội, thể chất và trí tuệ phân biệt người lãnh đạo với những người khác. Mặc dù mối quan hệ giữa các đặc điểm cá nhân với người lãnh đạo chưa được kiểm chứng mang tính thuyết phục, lý thuyết này chỉ ra một số đặc điểm chính của nhà lãnh đạo như tham vọng, mong muốn dẫn đầu, trung thực, tự tin, thông minh, tự kiểm soát cao, kỹ năng giải quyết vấn đề,...

- Lý thuyết hành vi (Behavioral Theories of Leadership) tập trung vào các hành vi phân biệt nhà lãnh đạo với người không phải là lãnh đạo và dựa trên giả thuyết rằng người ta có thể học hỏi để trở thành lãnh đạo. Hai nghiên cứu cơ bản thuộc về lý thuyết hành vi là của Đại học bang Ohio và Đại học Michigan. Đối với nghiên cứu của Đại học Ohio, có hai khía cạnh cơ bản trong hành vi lãnh đạo là người lãnh đạo cần định hình, xác định các vai trò khác nhau trong nhóm của mình và xây dựng một mối quan hệ công việc dựa trên lòng tin và sự tôn trọng. Nghiên cứu của Đại học Michigan thì nhấn mạnh hai khía cạnh trong hành vi lãnh đạo là mối quan tâm tới công việc, hiệu suất công việc và mối quan tâm tới con người.

- Lý thuyết lãnh đạo theo tình huống của Hersey and Blanchard (Situational Leadership Theory): Lý thuyết này cho rằng, người lãnh đạo thực hiện hai hành vi cơ bản là chỉ đạo và hỗ trợ. Sự kết hợp hai hành vi này hình thành nên 4 phong cách: chỉ đạo, huấn luyện, hỗ trợ và ủy quyền. Tùy theo mức độ phát triển và sẵn sàng của nhân viên mà người lãnh đạo sử dụng các phong cách khác nhau cho phù hợp.

1.5. Lãnh đạo trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)

Theo Perry (2001) và Beaver (2003), công tác lãnh đạo yếu kém là nguyên nhân của thất bại nhiều DNNVV. Gordon và Yukl (2004) chủ trương nghiên cứu thêm về kỹ năng lãnh đạo có liên quan đến môi trường kinh doanh nhỏ nhưng đầy biến động. Beaver (2003) đã kiểm tra hồ sơ từ 200 DNNVV bị phá sản, từ đó, phát hiện ra sự thất bại chính của các doanh nghiệp này là do thiếu kiến thức lãnh đạo và không được quản lý tốt. Phong cách lãnh đạo là rất quan trọng cho sự thành công của một DNNVV. Pellerin (2007) cho thấy tỷ lệ thất bại của các DNNVV là rất cao, phá sản sau năm thứ ba là 62%; mặc dù, nghiên cứu Pellerin đã không đề cập tới vấn đề quản lý kém cỏi như một nguyên nhân. Một điều tra khác cho thấy, 90% các DNNVV thất bại trong 10 năm tồn tại đầu tiên (Scheers và Radipere, 2007). Scheers và Radipere đã có ý kiến rằng thất bại của các tổ chức kinh doanh nhỏ là do kỹ năng lãnh đạo và quản lý yếu kém. Một nền kinh tế thành công phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhỏ có năng suất và năng lực cạnh tranh (Beaver, 2003). Các doanh nghiệp nhỏ là động cơ của tăng trưởng kinh tế thông qua việc giải quyết việc làm cho nền kinh tế và sự năng động trong đổi mới (Fuller, 2003).

1.6. Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết

Dựa vào nền tảng các lý thuyết về lãnh đạo (như mục 2.4), chúng tôi đã xây dựng một mô hình nghiên cứu thể hiện mối quan hệ giữa đặc điểm và kĩ năng đến phong cách lãnh đạo; giữa phong cách lãnh đạo và hiệu quả lãnh đạo theo lý thuyết về lãnh đạo tình huống.

Theo mô hình nghiên cứu này, các giả thuyết chính được đặt ra để kiểm định trong nghiên cứu này là:

- (H1): Đặc điểm người lãnh đạo và phong cách lãnh đạo quyết định hiệu quả lãnh đạo, trong đó đặc điểm có ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo.

- (H2) Kĩ năng lãnh đạo và phong cách lãnh đạo quyết định hiệu quả lãnh đạo, trong đó kĩ năng có ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo.

- (H3) Các tình huống tác động đến các mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo và hiệu quả lãnh đạo.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này chủ yếu sử dụng phương pháp định tính để kiểm định các giả thuyết đặt ra. Người nghiên cứu đã lựa chọn phỏng vấn sâu làm phương pháp nghiên cứu chính. Các cuộc phỏng vấn sâu đem đến các thông tin tin cậy, xác thực về hành vi, hoạt động, các kinh nghiệm thực tế cũng như những nhận thức về vai trò lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ. Các nhà lãnh đạo được lựa chọn phải đảm bảo mang đến dữ liệu thực tế từ đặc điểm và hành vi của họ chứ không phải là bị ảnh hưởng bởi một định nghĩa về lãnh đạo liên quan đến các yếu tố này. Nội dung phỏng vấn được trình bày trong Bảng 1:

Nhóm nghiên cứu tiến hành phỏng vấn 15 nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cuộc phỏng vấn riêng biệt được chia làm hai vòng để đảm bảo tính khách quan của kết quả nghiên cứu. Vòng thứ nhất thực hiện với 10 nhà lãnh đạo, để có được những thông tin chung, tổng hợp và gửi lại bản tổng hợp cho các nhà quản lí này để kiểm chứng xem có phù hợp với ý tưởng của họ hay không. Năm nhà quản lí doanh nghiệp khác sẽ tham gia vào vòng phỏng vấn thứ hai để trao đổi về các thông tin có được từ kết quả của vòng phỏng vấn trước đó. Kết quả cuối cùng sẽ là ý kiến chung nhất của 15 người tham gia phỏng vấn trong cả hai vòng. Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng một giờ. Hầu như tất cả các cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi hai trong số ba người của nhóm nghiên cứu. Mỗi người phỏng vấn ghi chép cẩn thận, đồng thời ghi âm cuộc phỏng vấn để đảm bảo độ chính xác. Những người được phỏng vấn đều hiểu được mục đích của nghiên cứu, cũng như sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình và đều có thể tiếp tục thông tin với người phỏng vấn về sau nếu có những vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu. Để đảm bảo tính nhất quán trong việc diễn giải các thông tin từ cuộc phỏng vấn, nhóm phỏng vấn đã tiến hành thảo luận ngay sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc.

3. Kết quả nghiên cứu

Sử dụng cách thức xử lí dữ liệu của Hill et al. (2005), nhóm nghiên cứu đã có những kết quả như sau:

- Các đặc điểm lãnh đạo được đề cập đến bao gồm: Sự thấu cảm, sự sẵn sàng ứng phó tình huống, tính trung thực, tính chỉ huy, giao tiếp, tính linh hoạt, tính thuyết phục; trong đó, khả năng giao tiếp là đặc điểm được tất cả những người được hỏi đánh giá cao (15/15) và coi đó là nhân tố rất quan trọng của một nhà lãnh đạo tốt.

- Các kỹ năng lãnh đạo cần thiết cho nhà lãnh đạo được nói đến là: Xác định tầm nhìn, kỹ năng tương tác, kỹ năng động viên, trách nhiệm và hội nhập. Trong đó, hai kĩ năng được phần đông các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ cho là cần thiết nhất để lãnh đạo thành công là hội nhập (15/15) và tầm nhìn (14/15).

- Các phong cách lãnh đạo được sử dụng chủ yếu trong các doanh nghiệp tham gia trả lời phỏng vấn bao gồm: Chia sẻ, khuyến khích, tham gia và ủy thác. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại cho thấy, không một phong cách nào nhận được sự đồng tình của tất cả những người được phỏng vấn.

- Liên quan đến lãnh đạo theo tình huống, kết quả nghiên cứu cho thấy phong cách lãnh đạo cần thay đổi, tùy thuộc vào năng lực và hiểu biết của nhân viên (13/15), hay tùy thuộc vào tình huống xảy ra và các nhiệm vụ đặt ra (14/15).

- Khi được hỏi về lãnh đạo hiệu quả, những người tham gia phỏng vấn đã đưa ra những tiêu chí riêng như sau: Tự cân bằng công việc hằng ngày (15/15); Tìm đúng người (14/15); Hỗ trợ và khuyến khích các nhân viên giỏi; Hướng dẫn, phê bình và giúp đỡ nhân viên tiến bộ hàng ngày; Khích lệ, bảo vệ và công nhận những sáng kiến độc đáo trong công việc của nhân viên.

Với kết quả nghiên cứu thu được, chúng tôi có thể xác nhận kết quả kiểm định các giả thiết (H1, H2, H3) của mô hình nghiên cứu như sau:

Theo như kết quả (Bảng 2), 15/15 người tham gia đồng ý với giả thuyết (H1) “Đặc điểm người lãnh đạo và phong cách lãnh đạo quyết định hiệu quả lãnh đạo, trong đó đặc điểm có ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo". Như Hitt et al. (2009) phát biểu rằng có ba thành phần cơ bản của quá trình lãnh đạo bao gồm cả tính cách hay đặc điểm của các nhà lãnh đạo, nhận thức của nhà lãnh đạo và những tình huống mà những tương tác diễn ra. Tiếp theo, kết quả cũng cho thấy, 15/15 người tham gia đồng ý với giả thuyết (H2) "Kĩ năng lãnh đạo và phong cách lãnh đạo quyết định hiệu quả lãnh đạo, trong đó kĩ năng có ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo". Kết quả này nhất quán với nghiên cứu của Outcalt et al. (2000) khi họ kết luận rằng các kỹ năng lãnh đạo có thể mang đến hiệu quả lãnh đạo trong các tình huống khác nhau. Cũng như vậy, kết quả đồng tình với giả thuyết (H3) “Các tình huống tác động đến các mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo và hiệu quả lãnh đạo”. Kết quả này chứng minh những nghiên cứu khác liên quan đến các ảnh hưởng của người lãnh đạo, cụ thể là biểu thị trạng thái tích cực của nhà lãnh đạo sẽ được các nhân viên đánh giá cao hơn về tính hiệu quả trong công tác lãnh đạo (Bono và Llies, 2006; Gaddis et al, 2004).

4. Kết luận

Từ kết quả nghiên cứu, một số vấn đề về học thuật được thảo luận. Cụ thể là:

Thứ nhất, nghiên cứu này cho biết thêm các đặc điểm và kỹ năng của lãnh đạo phù hợp với các DNNVV của Việt Nam. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về đặc điểm lãnh đạo không được chú trọng, các lý thuyết và nghiên cứu về lãnh đạo đã thay đổi khung lý thuyết và đưa ra cách tiếp cận khác. Mặc dù điều này nghe có vẻ không hợp lý, tuy nhiên, nó cho thấy rằng đặc điểm lãnh đạo toàn cầu không tồn tại; một số bằng chứng khác lại minh chứng rằng những đặc điểm khác nhau có thể dẫn đến hiệu quả lãnh đạo khác nhau trong các tình huống khác nhau (Outcalt et al., 2000).

Thứ hai, nghiên cứu này cũng nêu ra bốn phong cách của lãnh đạo với 12 nội dung cụ thể. Kết quả này làm tăng thêm các tư liệu về lý thuyết hành vi lãnh đạo để có hướng nghiên cứu tiếp theo khi được bổ sung thêm các phong cách lãnh đạo đặc trưng hình thành trong các DNNVV tại Việt Nam. Kết quả này cũng thuận theo như định nghĩa của Griffin (2012), phong cách lãnh đạo là cách tập trung vào việc định hình hoặc gây ảnh hưởng đến người khác để đạt được mục tiêu của tổ chức.

Ngoài những đóng góp nêu trên, nghiên cứu cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Việc kiểm định các giả thuyết chỉ dựa vào phương pháp phỏng vấn dẫn đến khả năng suy rộng kết quả có hạn chế. Rõ ràng, những phát hiện của nghiên cứu này chỉ được giới hạn ứng dụng cho người tham gia nghiên cứu hoặc những doanh nghiệp có môi trường lãnh đạo tương tự.

Các nghiên cứu tương lai có thể tập trung vào ảnh hưởng của biến số tình huống tới hiệu quả lãnh đạo hoặc kiểm định mối liên hệ giữa phong cách lãnh đạo với hiệu quả lãnh đạo bằng một một nghiên cứu định lượng để kết quả thu được có ý nghĩa phổ quát hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Antonakis, J., Cianciolo, A., & Sternberg, R. (2004). The Nature of Leadership . Thousand Oaks, CA: Sage Publications.

2. Bass, B. (1990). From Transactional to Transformational Leadership: learning to share the vision. Organizational Dynamics, Vol. 18, No. 3, pp.19-31.

3. Bass, B., Avolio B.; Jung, D., & Berson, Y. (2003). Predicting Unit Performance by Assessing Transformational and Transactional Leadership. Journal of Applied Psychology, Vol. 88, No. 2, pp. 207-218.

4. Bennett T. (2009). A study of the management leadership style preferred by it subordinates. Journal of Organizational Culture, Communications and Conflict, 13(2), p. 1.

5. Carlton, S. (2009). Leadership Assessment: A Tool for Developing Future Hospitality Leaders. Theses/Dissertations/ Professional Papers/Capstones. Paper 435, Universitt of Nevada, Las Vegas.

FACTORS AFFECTING LEADERSHIP EFFECTIVENESS IN SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES IN VIETNAM

PhD. TRAN VAN TRANG

ThuongMai University

ABSTRACT:

Many studies indicate that the failures of small and medium enterprises are due to poor management skills (Beaver 2003, Pellerin 2007). However, what do influence the success and effectiveness of leadership in these businesses? This research aims to test the relationship between personality factors and leadership styles in small and medium enterprises in Vietnam. Clearly understand these relationships will help leaders and managers improve their leadership effectiveness, as well as learn how to adapt their skills and style to suit specific situation.

Keywords: Leadership effectiveness, empirical research, small and medium enterprises.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây