Các yếu tố ảnh hưởng đến việc né tránh thuế của các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HOSE

NGUYỄN TẤN LƯỢNG (Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Hành vi né tránh thuế diễn ra khá phổ biến tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Nghiên cứu tập trung xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc né tránh thuế của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là: Tỷ lệ tài sản hữu hình trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản và quy mô của doanh nghiệp.

Từ khóa: Né tránh thuế, doanh nghiệp, niêm yết, HOSE.

1. Đặt vấn đề

Né tránh thuế được xem là sự chiếm dụng vốn hợp pháp của các doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sử dụng nợ. Vì vậy, nghiên cứu tập trung xác định các yếu tố tác động lên hành vi né tránh thuế của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE. Từ đó, nghiên cứu sẽ gợi ý các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể hoạch định chính sách né tránh thuế hiệu quả và phù hợp với đặc trưng riêng của doanh nghiệp mình, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Né tránh thuế là hoạt động tập hợp các phương thức để tối thiểu hóa tiền thuế phải nộp. Đây là một hoạt động có thể giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn tài trợ từ số tiền thuế tránh phải nộp cho Chính phủ.

Grupet và cộng sự (1993) nghiên cứu thực nghiệm và nhận thấy 600 doanh nghiệp có cổ đông nước ngoài kiểm soát sẽ chịu mức thuế thu nhập trên tổng tài sản thấp hơn những doanh nghiệp khác.

Kết quả của Zender (2010) biểu thị 2 thực trạng: Thứ nhất, các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao hoặc quá thấp, có xu hướng về sử dụng đòn bẩy ở mức trung bình; thứ hai, các doanh nghiệp khi đã quyết định sử dụng một hệ số đòn bẩy (cao hoặc thấp) có xu hướng duy trì xung quanh mức đó trong khoảng thời gian trung bình 20 năm. Vì vậy, khi các doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tài sản hữu hình từ các nguồn tài trợ (bao gồm nợ) thì đến một mức độ nào đó, họ phải tìm nguồn tài trợ bổ sung để giữ hệ số đòn bẩy không vượt quá xa mục tiêu đặt ra và né tránh thuế có thể xem như một trong các nguồn chiếm dụng vốn bổ sung hợp pháp.

Theo nghiên cứu của Wilson (2009), khi doanh nghiệp né tránh thuế càng nhiều thì sử dụng nợ càng ít, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sử dụng hệ số đòn bẩy thấp thường né tránh thuế nhiều hơn. Nghiên cứu của Desai và Dharmapala (2009) đã chỉ ra rằng, mức độ chênh lệch giữa tiền thuế phải nộp và tiền thuế thực nộp sẽ tăng theo quy mô tổng tài sản công ty. Ngoài ra, một số quan điểm cho rằng, quy mô doanh nghiệp (đại diện bằng tài sản doanh nghiệp) nếu đại diện cho các hành vi về thuế sẽ có quan hệ đồng biến với né tránh thuế (Chen và cộng sự, 2010).

Theo Wang (2011), từ nghiên cứu thực nghiệm 1.500 doanh nghiệp trên S&P500 từ năm 1994 đến 2001, cho thấy tuổi đời doanh nghiệp có mối quan hệ đồng biến với né tránh thuế. Nghiên cứu của Chan và cộng sự (2013) cho thấy, các doanh nghiệp có sở hữu của Nhà nước thường có mục tiêu chính trị là bảo vệ nguồn thu chính quyền, điều này thúc đẩy họ hạn chế các hành vi né tránh thuế.

Từ việc tổng hợp và kế thừa các nghiên cứu trước, mô hình nghiên cứu được đề xuất gồm 7 yếu tố: Tài sản hữu hình trên tổng tài sản, đòn bẩy, quy mô công ty, tuổi đời công ty, sở hữu Nhà nước, sở hữu nước ngoài.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và mô hình hồi quy tuyến tính để kiểm định giả thuyết đặt ra. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được công khai niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán HOSE trong giai đoạn 2008 - 2017 lấy từ trang web Vietstock.vn.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Bảng 1. Kiểm định Hausman mô hình tác động cố định FEM

Kiểm định Hausman mô hình tác động cố định FEM

Bảng 2. Kiểm định Hausman mô hình tác động ngẫu nhiên REM

Kiểm định Hausman mô hình tác động ngẫu nhiên REM

Bảng 3. Lựa chọn giữa mô hình FEM và REM

Lựa chọn giữa mô hình FEM và REM

Kiểm định Hausman sẽ được sử dụng để lựa chọn phương pháp ước lượng phù hợp giữa hai phương pháp ước lượng là tác động cố định và tác động ngẫu nhiên. Kết quả kiểm định Hausman được trình bày ở Bảng 1, 2 và 3 như sau:

Từ kiểm định Hausman cho ra kết quả Prob > Chi2 = 0.0000 < 10%, có đủ cơ sở để bác bỏ H0, chấp nhận H1, chọn mô hình FEM là phù hợp hơn cả. Kế tiếp, kiểm tra White của mô hình FEM được thực hiện nhằm kiểm định giả thuyết về tình trạng phương sai thay đổi của mô hình. Kết quả kiểm định cho thấy Prob > chi2 = 0.0000, kết luận mô hình có phương sai sai số thay đổi.

Trên cơ sở các kết quả kiểm định, tác giả thực hiện chạy lại mô hình hồi quy mới qua việc sử dụng mô hình hồi quy tác động cố định FEM cùng phương pháp ước lượng GLS (Gujarati, 2004) để khắc phục hiện tượng phương sai sai số thay đổi. Kết quả hồi quy được trình bày ở Bảng 4.

Bảng 4. Kết quả hồi quy bằng phương pháp ước lượng GLS

Kết quả hồi quy bằng phương pháp ước lượng GLS

Ghi chú: ***: Mức ý nghĩa 1%; **: mức ý nghĩa 5%

Theo Bảng 4, kết quả P-value < 0.0001 cho thấy mô hình có tỷ lệ giải thích cao, mô hình giải thích được 77,75% sự thay đổi của biến phụ thuộc TAXAVOIDANCE.

Kết quả hồi quy theo Bảng 4 cho thấy hệ số giữa tài sản hữu hình (TANGIBLE) và né tránh thuế (TAXAVOIDANCE) là 0.0071, với giá trị P > |z| là 0.040 < α = 5%, với mức ý nghĩa 5%. Kết quả này củng cố cho lập luận, các doanh nghiệp có xu hướng thực hiện né tránh thuế, xem đó như là một nguồn trong doanh nghiệp, việc này giúp cho các doanh nghiệp không duy trì hệ số đòn bẩy xoay quanh một mức cố định, không lệch xa khỏi mục tiêu đặt ra.

Kết quả hồi quy cũng cho thấy hệ số giữa LEV và TAXAVOIDANCE là -42.6006, với giá trị P > |z| là 0.000 < α = 1%, với mức ý nghĩa 1%, 2 biến số này có tương quan nghịch biến với nhau. Đòn bẩy tài chính tăng, né tránh thuế giảm. Kết quả này được coi là phù hợp với quan điểm nghiên cứu của Wilson (2009), né tránh thuế được xem như một sự đánh đổi với lợi ích được hưởng từ tấm chắn thuế, cũng được xem như là một phương thức giải thích cho việc hạ thấp nợ vay trong bảng cân đối kế toán nhưng tổng tiền vẫn tăng.

Hệ số giữa quy mô công ty và né tránh thuế là 6.6404, giá trị P > |z| = 0.000 < α = 1%, với mức ý nghĩa 1%. Điều này có nghĩa là với một đơn vị tăng trong quy mô công ty né tránh thuế sẽ tăng tương ứng. Kết quả này phù hợp với lập luận của một số nghiên cứu trước Desai và Dharmapala (2009), Chen và cộng sự (2010), Wison (2009) mức độ né tránh thuế càng nhiều khi quy mô doanh nghiệp càng tăng, được xem như là một ví dụ điển hình của mâu thuẫn trong báo cáo thuế.

AGE và TAXAVOIDANCE có hệ số là -0.0325, với P > |z| = 0.703 < α = 10%, ở mức ý nghĩa 10%. Kết quả hồi quy thực tế tại các doanh nghiệp ở Việt Nam thì né tránh thuế lại có mối quan hệ nghịch biến với tuổi đời của các công ty, các công ty thành lập càng lâu năm thì có hành vi né tránh thuế càng ít và ngược lại, số năm hoạt động tăng thì hành vi né tránh thuế giảm. Kết quả này trái ngược với nghiên cứu của Wang (2011), vốn cho rằng doanh nghiệp thành lập càng lâu thì hành vi né tránh thuế được thực hiện càng nhiều và ngày càng tinh vi hơn.

Kết quả hồi quy từ Bảng 5 cho thấy sở hữu Nhà nước và né tránh thuế có hệ số tương quan với nhau là 2.1657, với giá trị P > |z| = 0.218, không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này trái ngược với quan điểm nghiên cứu của một số tác giả trước như Chan và cộng sự (2013), Zeng (2010), Wu và cộng sự (2013), các quan điểm của các tác giả này đều cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng bảo toàn lợi ích, nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nên hành vi né tránh thuế ít xảy ra.

Sở hữu nước ngoài theo kết quả hồi quy có tương quan nghịch biến với né tránh thuế, hệ số tương quan là -0.4091, hàm ý rằng những doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài sẽ ít né tránh thuế hơn những doanh nghiệp khác 0.4091 đơn vị. Kết quả này đi ngược lại với giả thuyết H6 đã xây dựng và một số quan điểm nghiên cứu trước như Harris và cộng sự (1993), Grupet và cộng sự (1993). Tuy nhiên, với giá trị P > |z| = 0.839, cho thấy kết quả không có ý nghĩa thống kê.

5. Kết luận

Kết quả nghiên cứu đã xác định được vai trò các yếu tố đặc trưng của doanh nghiệp đến hành vi né tránh thuế và mức độ tác động của từng yếu tố đó lên hành vi né tránh thuế thông qua việc thu thập dữ liệu và sử dụng mô hình hồi quy tác động cố định FEM cùng phương pháp ước lượng GLS đối với biến phụ thuộc TAXAVOIDANCE. Đề tài sử dụng mẫu dữ liệu là các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HOSE trong giai đoạn 2008 - 2017. Kết quả nghiên cứu đạt được như sau:

Tài sản hữu hình có quan hệ đồng biến (+) với né tránh thuế.

Hệ số đòn bẩy có quan hệ nghịch biến (-) với né tránh thuế.

Quy mô doanh nghiên có quan hệ đồng biến với né tránh thuế.

Tuổi doanh nghiệp có mối quan hệ nghịch biến (-) với né tránh thuế.

● Sở hữu Nhà nước, sở hữu nước ngoài và kết quả hoạt động của doanh nghiệp không có mối quan hệ có ý nghĩa thống kê nào đối với né tránh thuế.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố tác động mạnh đến hành vi né tránh thuế của doanh nghiệp là: (i) Hệ số đòn bẩy (mức ý nghĩa 1%), (ii) Quy mô doanh nghiệp và tài sản hữu hình (mức ý nghĩa 5%), (iii) Tuổi doanh nghiệp (mức ý nghĩa 10%). Như vậy, hệ số đòn bẩy, quy mô và tài sản hữu hình là các yếu tố tác động chính đến hành vi né tránh thuế của một doanh nghiệp hoạt động trên sàn HOSE trong giai đoạn 2008 - 2017, được coi là một trong những giai đoạn nhiều biến động của nền kinh tế Việt Nam khi bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Đứng về khía cạnh doanh nghiệp, nếu như hành vi né tránh thuế được xem là một hành vi tạm thời chiếm dụng vốn hợp pháp, là một trong những nguồn tài trợ vốn hoạt động mà doanh nghiệp có thể xem xét, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn tài trợ này trong công cuộc gia tăng giá trị tài sản hoặc nguồn vốn hoạt động mà không phụ thuộc quá nhiều vào việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Nói cách khác, né tránh thuế có thể giúp cho các doanh nghiệp gia tăng tài sản và tổng tiền của mình mà vẫn giữ cho hệ số đòn bẩy dao động xung quanh mục tiêu đặt ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chan, K.H., Mo, P.L., & Zhou, A.Y. (2013). “Government ownership, corporate governance and tax aggressiveness: evidence from China”. Accounting & Finalce, 53(4), pp.1029 - 1051.

2. Chen.S., Chen.X., Cheng, Q., & Shevlin.T. (2010). “Are family firms more tax aggressive than non-family firms?” Journal of Finacial Economics, 95(1), pp.41 - 61.

3. Desai, M.A., & Dharmapala.D. (2009). “Corporate tax avoidance and firm value. The Review of economic and Statistics”, 91(3), pp. 537 - 546.

4. Hanlon.M., & Slemrod.J. (2009). “What does tax aggressiveness signal: Evidence from stock price reactions to news about tax shelter involvement”. Journal of Public Economics, 93, pp. 126 - 141.

5. Wang.X. (2011). “Tax avoidance, corporate transparency, and firm value”. American Accounting Association Annual Meeting-Tax Concrrent Sessions.

6. Wilson.R.J. (2009). “An examination of corporate tax shelter participants”. The Accounting Review, 84(3), pp. 969 - 999.

7. Wu.R, O.M., & Wu.C. (2013). “Institutional environment, ownership and firm taxation”. Economics of Transition, 21(1), pp. 17 - 51.

8. Zeng.T. (2010). “Ownership concentration, state ownership, and effective tax rates: Evidence from China listed firms”. Acconting perspectives, 9(4), pp. 271 - 289.

FACTORS AFFECTING THE TAX AVOIDANCE

OF ENTERPRISES LISTED ON THE HOSE

● NGUYEN TAN LUONG

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

Tax avoidance is a common practice among enterprises around the world. This study focuses on identifying factors that affect the tax avoidance of enterprises. The study’s results show that the most influential factors are the ratio of tangible assets to total assets, debt to total assets ratio and the size of enterprise.

Keywords: Tax avoidance, businesses, listing, HOSE.