Cần xây dựng thương hiệu chiếu cói

Hàng chục nghìn hộ dân huyện Quảng Xương - Thanh Hoá đang khốn đốn vì nghề dệt chiếu cói và trồng cói, vì giá nguyên liệu cói giảm mạnh. Các sản phẩm chiếu và cói đang chất thành đống trong kho, trong

Cói nguyên liệu đang mốc, mất màu, và được dùng làm chất đốt...Người nông dân đang mong đợi một thương hiệu để tiếp tục sản xuất.

Sức máy thay...người

Nghề trồng và dệt chiếu cói đã xuất hiện ở huyện Quảng Xương - Thanh Hoá từ rất lâu. Ban đầu chủ yếu làm thủ công trong thời gian nông nhàn. Năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm hầu như không đủ mạnh để thu hút với những thị trường khó tính.

Để khắc phục khó khăn và phát huy thế mạnh nội lực, Quảng Xương đã đưa máy dệt chiếu loại vừa và nhỏ vào trong hộ gia đình. Được áp dụng đầu tiên tại xã Quảng Văn và Quảng Khê sau đó nhân rộng ra các xã lân cận. Mô hình này được sự hỗ trợ 30% vốn của Trung tâm khuyến nông Quốc gia, còn lại do người dân bỏ vốn ra mua, máy được nhập từ Trung Quốc, với giá 60 triệu đồng/máy. Anh Lê Anh Vinh, người xã Quảng Khê cho biết: "Máy thay thế cho bàn tay con người nên đã tạo ra sự đột phá vượt bậc, mô hình đã thành công. Nếu như trước đây, 4 người thợ cứng tay nghề làm cả ngày may lắm được 5 chiếc chiếu, giờ cũng thời gian đó máy có thể làm được khoảng 50 cái, chất lượng không kém bàn tay con người".

Đó là nhờ, động tác kẹp và dập sau mỗi lần đưa cói vào của máy rất mạnh - đều đã tạo cho chiếu có độ săn chắc, bền và rất bắt mắt. Hơn nữa việc sản xuất chiếu cói bằng máy thì không thể độn thêm các sợi cói kém chất lượng như làm thủ công. Nên chiếc chiếu cói khi làm từ máy ra các sợi rất đều, nhẹ...có ưu thế hơn rất nhiều so với các loại chiếu mành nứa, chiếu trúc...Vì vậy, sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, có thời điểm trái vụ cói, “cháy chợ” hàng chiếu.

Nhờ áp dụng máy dệt chiếu vào sản xuất, cho nên thu nhập của người lao động cũng được nâng cao. Từ 20.000 đồng/ngày (lao động thủ công), lên 200.000 đồng/ngày. Đấy là chưa kể thời gian người lao động làm thêm giờ trong ngày. Nghề đã làm "giàu" cho hàng trăm hộ gia đình, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và có thời điểm chiếu cói Quảng Xương đã "manh nha" thành thương hiệu.

 

 

 

 

 

 

 

Hiện trên địa bàn huyện Quảng Xương đã có hàng trăm máy dệt chiếu cói, nguyên liệu cói không đủ cho sản xuất. Có thời điểm diện tích trồng cói lên tới 570 ha, tổng sản lượng trên 6000 tấn/năm. Trong khi, việc chẻ cói thủ công hiện đang là trở ngại rất lớn trong việc cung cấp nguyên liệu cho máy dệt. Do đó, người dân rất cần vốn để đầu tư mua máy chẻ cói, xe đay! Đây được xem là yêu tố rất quan trọng trong quy trình dệt chiếu cói chất lượng

Cần có thương hiệu...

Hàng nghìn tấn nguyên liệu sản phẩm cói bị ứ đọng trong kho, trong các hộ gia đình, hơn 20 nghìn lao động có nguy cơ chuyển nghề, bán máy... Nghề truyền thống chiếu cói Quảng Xương đang có nguy cơ lụi tàn!

Chị Lê Thị Tỵ, xã Quảng Hợp - Quảng Xương cho hay: "Người dân đã bắt đầu chán nản, cói trong nhà thì ngã màu trắng không còn màu xanh như xưa, cói này có cho người ta cũng không nhận, nên nhiều nhà đã mang ra làm "rơm" đun nấu, người dân không biết bấu víu vào đâu...".

Theo nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hoá cho biết, việc chiếu cói không xuất khẩu được là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là Việt Nam vẫn thụ động về thị trường, ta còn phụ thuộc quá lớn với Trung Quốc, cho nên khi Trung Quốc hạn chế nhập hàng hay không nhập hàng nữa, chiếu cói Việt Nam chỉ còn chất trong kho.

Việc xuất chiếu cói gặp khó khăn, trong khi tại vùng nguyên liệu cói và sản xuất cói ở Thanh Hoá như: Quảng Xương, Nga Sơn người dân cũng đang vật lộn với cói vì giá xuống quá thấp, thấp nhất từ trước tới nay. Có thời điểm giá lên 10.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 4000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2000 đồng/kg. Anh Nguyễn Hữu Thắng, xã Quảng Khê cho hay: "Cứ đà này có khi phải nhổ cói quay lại với cây lúa, bởi lúa lợi nhuận không bằng cây cói, nhưng may ra cũng có gạo mà ăn khi đói". Đã có dấu hiệu nhiều hộ dân nhổ cói trồng lúa, hay chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản.

Ông Nguyễn Danh Hoa, Trưởng phòng Công Thương huyện Quảng Xương cho hay: "Chúng tôi vận động bà con nên diện tích cây cói tới nay vẫn tương đối ổn định, nhưng cứ đà Nhà nước không có hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cói thì chúng tôi cũng không biết giữ được bao lâu. Huyện cũng muốn gây dựng chiếu cói Quảng Xương nói riêng và chiếu cói Thanh Hoá nói chung trở thành thương hiệu mạnh nhưng "kẹt" vì không có vốn, nên tới nay vẫn chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể".

Thiết nghĩ, để xây dựng thương hiệu chiếu cói Thanh Hoá, mở rộng thị trường xuất khẩu là một việc rất cấp thiết, bởi nó liên quan tới đời sống của hàng chục nghìn hộ dân trồng cói. Để có thương hiệu, thị trường giữ được nghề, sống bằng nghề rất cần sự giúp đỡ của các đơn vị làm công tác khuyến công, xúc tiến thương mại và hiệp hội ngành hàng, các hộ làm nghề cấn chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong nước, đa dạng sản phẩm từ sợi cói, tự điều chỉnh giá sản phẩm để giữ thị trường.