Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam sau tác động của đại dịch Covid-19

Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam sau tác động của đại dịch Covid-19 của tác giả LÊ ĐĂNG GIÁP (Trường Đại học Hà Tĩnh)

TÓM TẮT:

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế - xã hội Việt Nam nói riêng, khiến cho nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất - kinh doanh, gia tăng lạm phát và chi phí đầu vào, vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội... Mặc dù đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát nhưng để nền kinh tế trở lại ổn định và tăng trưởng thì Việt Nam cần phải có những chính sách tác động trực tiếp phù hợp, đúng căn nguyên, đủ liều lượng và thể chế thực thi hiệu quả để nền kinh tế hồi phục. Bài viết tập trung nghiên cứu đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam và đề xuất một số vấn đề chính sách phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, đại dịch Covid-19, Việt Nam.

1. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, trong đó nghiêm trọng và phức tạp nhất là đợt bùng phát dịch (từ ngày 27-4/2021 đến tháng 03/2022) với những biến thể mới nguy hiểm, lây lan nhanh trong cộng đồng. Các đợt dịch đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các vùng kinh tế trọng điểm, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong hai năm 2020 và 2021 chỉ đạt tương ứng 2,91% và 2,58%(1), đây là mức thấp nhất kể từ năm 1991 đến nay. Cho đến cuối năm 2022 cũng có những tăng tưởng về mọi mặt. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, việc Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương thì đó là một thành công lớn trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Trong các ngành kinh tế, chịu tác động lớn nhất bởi dịch bệnh là công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Trong năm 2021, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 4,05%, bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng so với trước đại dịch; khu vực thương mại dịch vụ tăng 1,22%, chỉ bằng 1/7 tốc độ tăng trưởng so với trước đại dịch(2). Thực tế có nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề và có sự suy giảm sâu so với thời điểm trước đại dịch như du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng...

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt thấp do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 3,2% so với năm 2020. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm là 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020.

Nhiều lao động bị mất việc làm, nghỉ việc không lương. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2020-2021 cao nhất trong vòng 10 năm qua. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%, khu vực nông thôn là 2,48%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động là 3,1%, trong đó ở khu vực thành thị là 3,33% và ở khu vực nông thôn là 2,96%(8). Đây là điều bất thường và trái ngược với xu hướng thị trường lao động của Việt Nam so với những năm trước đại dịch Covid-19.

2. Những chính sách để ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam

Trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh và phục hồi và phát triển kinh tế, đã tập trung vào các nhóm chính sau:

Nhóm một, chính sách mang tính cấp bách, căn cơ để kiểm soát dịch bệnh, bao gồm: đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắcxin phòng Covid-19 trên diện rộng cho toàn dân, chuyển từ chiến lược “zero Covid-19” sang thích ứng nhưng phải an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là những chính sách có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” sau dịch bệnh.

Nhóm hai, chính sách miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí và áp lực tài chính nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất - kinh doanh, phục hồi và tạo đà phát triển, nhất là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Nhóm ba, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư quan trọng quốc gia (Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ). Thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cấp bách, có thể triển khai ngay (Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ); chuyển đổi sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội). Các giải pháp này có ý nghĩa quan trọng, vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng, vừa có ý nghĩa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ hiệu quả, lâu dài cho nền kinh tế.

Nhóm bốn, chính sách tiền tệ mở rộng, bảo đảm thanh khoản trên thị trường tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, ban hành quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với đối tượng vay vốn... Qua đó, giảm chi phí vốn vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh; tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới

Tuy nhiên, một số chính sách chưa bảo đảm tính tổng thể, còn gây bức xúc trong xã hội, chưa bao quát hết được tính chất, quy mô, mức độ khẩn cấp của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện một số chính sách còn chậm, hiệu quả chưa cao; quy trình, thủ tục rườm rà, thiếu linh hoạt; thông tin, hướng dẫn chưa kịp thời dẫn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận. Nhiều chính sách hiện nay còn mang tính ứng phó trước mắt, có thời hạn áp dụng hạn chế, chưa có những chính sách tập trung cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể có quy mô lớn, có tính chất dài hạn theo hướng phục hồi hơn là giải cứu ngắn hạn.

3. Một số đề xuất về chính sách phục hồi kinh tế

Hiện nay, đại dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam đã và đang dần được kiểm soát nhưng vẫn tồn tại những biến thể ngoài cộng đồng đang diễn biến phức tạp, khó lường với nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, chưa ổn định. Bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ; Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ vận tải, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xuất khẩu bền vững. duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tín dụng, tiền tệ mở rộng một cách hợp lý, linh hoạt trên tinh thần tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, để sau dịch bệnh nền kinh tế hồi phục nhanh chóng.

Hai là, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch lây lan ngoài cộng đồng, đây là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để tạo nền tảng cho quá trình khôi phục kinh tế, giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra và phát triển kinh tế bền vững. Cần quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, nhất là tại khu vực thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vắcxin khi các mũi trước có thể hết khả năng đề kháng, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có đủ vắcxin phòng Covid-19 tiêm miễn phí cho toàn dân; hoàn thành tiêm mũi 4, mũi nhắc lại vắcxin phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Đây là điều kiện để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn phát triển mới thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Thực hiện việc công nhận hộ chiếu vắcxin với các nước; duy trì hiệu quả, cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin, dữ liệu về tiêm vắcxin phòng Covid-19 để tăng cường phòng bệnh, bảo đảm an toàn xã hội. Thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu, phát triển sản xuất vắcxin và thuốc điều trị bệnh trong nước là điều kiện (đủ) để bảo đảm cho việc kiểm soát, thích ứng trước sự phát triển của dịch bệnh.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, qua đó khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu khai thông điểm nghẽn, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các quy định không . Tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều quan trọng, bảo đảm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư. Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi. Do đó, ở đâu có quy định pháp luật hiệu quả, dự đoán được, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thúc đẩy cạnh tranh; có thể chế bảo đảm bảo vệ tài sản và các quyền giao kết hợp đồng thì ở đó, dễ dàng khởi sự kinh doanh, thích nghi với các quy định mới và nhanh chóng chuyển dịch các hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.

Chất lượng môi trường kinh doanh cũng có vai trò quan trọng đối với đầu tư nước ngoài và sự kiên kết của các doanh nghiệp nội địa với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy, cải thiện hiệu quả các quy định về thị trường hàng hóa và tạo thuận lợi cho kinh doanh sẽ hỗ trợ mạnh đối với phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.

Bốn là, tăng cường theo dõi, cập nhật, đánh giá tình hình và dự báo xu hướng thương mại quốc tế. Thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa; các hiệp định thương mại tự do mới ký kết hứa hẹn tạo ra những thay đổi lớn trong định hình chuỗi cung ứng. Tận dụng cơ hội từ các xu hướng kinh tế thế giới, đồng thời chủ động ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực bởi cạnh tranh thương mại và xung đột thương mại. Thu hút, khuyến khích lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục sản xuất. Đồng thời, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương chưa sẵn sàng quay lại các khu công nghiệp, thành phố lớn do tâm lý e ngại đại dịch còn diễn biến phức tạp; chú trọng vấn đề an ninh, trật tự, tránh những bất ổn về xã hội.

Năm là, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và nền kinh tế không tiếp xúc. Đại dịch Covid-19 đặt nền kinh tế Việt Nam trước những thách thức vô cùng to lớn, đồng thời đem lại những cơ hội thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Để phát triển kinh tế số cần phát triển kết cấu hạ tầng của nền kinh tế số và triển khai các chính sách thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt; tạo dựng nền tảng vững chắc cho phát triển thương mại điện tử với 3 yếu tố có tính chất quyết định là logistic, thanh toán điện tử và an ninh mạng. Chính phủ cần sớm ban hành chính sách quản lý phát triển nền kinh tế số, tạo cơ sở cho việc triển khai trên thực tế các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm kinh doanh mới ổn định và phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thanh Huyền (2022). Giải pháp giúp phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/giai-phap-giup-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam-sau-dai-dich-covid-19.html
  2. Bích Lan - Minh Thành (2022). Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19. Truy cập tại https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=63627
  3. Đặng Đức Thành (2022). Hỗ trợ kinh tế tư nhân phục hồi sau đại dịch Covid-19. Truy cập tại https://vneconomy.vn/ho-tro-kinh-te-tu-nhan-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid-19.htm
  4. V. Lê (2022). Phục hồi sau đại dịch Covid-19 với định hướng từ các chính sách quản trị công. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/xa-hoi/phuc-hoi-sau-dai-dich-covid-19-voi-dinh-huong-tu-cac-chinh-sach-quan-tri-cong-623575.html

VIETNAM’S ECONOMIC RECOVERY

AND DEVELOPMENT POLICIES

AFTER THE COVID-19 PANDEMIC

• LE DANG GIAP

Ha Tinh University

ABSTRACT:

The COVID-19 pandemic has directly affected the global economy in general and Vietnamese socio-economy in particular. The pandemic has brought many difficulties and challenges to businesses activities, disrupted supply chains, fueled inflation rate, exacerbated employment and social security problems, etc. So far, the COVID-19 pandemic has been basically controlled, but it is necessary for Vietnam to have measures and policies to timely, directly and effectively facilitate the socio-economic recovery. This paper studies the impact of the COVID-19 pandemic on the Vietnamese economy and discusses some issues about policies for Vietnam’s economic recovery and development in the coming time.

Keywords: economic recovery policies, economic development, the COVID-19 pandemic, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023, Tr. 122-126]

TCCT