Chịu tác động không nhỏ từ Covid-19, Việt Nam vẫn xuất siêu 2,8 tỉ USD

Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ. Song, trong Quý I/2020, xuất siêu ước tính đạt 2,8 tỉ USD, cao hơn mức xuất siêu 1,5 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Đại dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ... đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. 

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Quý I/2020, cả nước xuất siêu 2,8 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 1,5 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu Quý I/2020 ước tính đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, chiếm 31,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 40,43 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 68,4%. Trong Quý I có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 11,5%; EU đạt 7,5 tỷ USD, giảm 14,9%; ASEAN đạt 6 tỷ USD, giảm 5,2%; Nhật Bản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,5%; Hàn Quốc đạt 4,5 tỷ USD, giảm 2,7%.

xuất siêu
Chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, nhưng xuất siêu trong Quý I/2020 vẫn đạt 2,8 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, tiếp sau đó là Trung Quốc, EU, ASEAN...

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 23,08 tỷ USD, giảm 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,18 tỷ USD, giảm 0,8%. Trong Quý, có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 52,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 3,66 tỷ USD, giảm 10,6% và chiếm 6,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 13,3 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2,4%; ASEAN đạt 7,2 tỷ USD, giảm 8,3%; Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, tăng 15,8%; EU đạt 3,4 tỷ USD, tăng 5,2%; Hoa Kỳ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 13%.

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho rằng, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường EU sẽ đạt mức tăng trưởng khá trên 20% vào năm 2020, mức tăng này sẽ gia tăng vào các năm tiếp theo. Trong đó, thủy hải sản là mặt hàng có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU, và dự báo, đây sẽ là mặt hàng hưởng lợi nhất từ EVFTA.

Hạ Vũ