Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp giai đoạn 1991 - 1995

Nền công nghiệp Việt Nam trong 10 năm Đổi mới đã bước đầu hình thành một cơ cấu công nghiệp tương đối hoàn chỉnh, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt công nghiệp gia đình đã hình thành và bước đầu phát triển.
chuyển dịch cơ cấu công nghiệp
Sau 5 năm thực hiện cơ chế mới, hàng hóa trên thị trường, nhất là hàng tiêu dùng dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi. Trong ảnh: Sản xuất giấy xuất khẩu tại Xí nghiệp Liên hợp giấy Vĩnh Phú. (Ảnh: TTXVN)

Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp tích cực

Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp giai đoạn 1991 - 1995 được đánh giá là tích cực. Bên cạnh kinh tế tư nhân trong nước, năm 1987, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội VIII, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thu hút và tạo ra một lực lượng doanh nghiệp FDI hùng hậu về vốn và kỹ thuật, đã cùng với kinh tế tư nhân trong nước làm thay đổi cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của kinh tế quốc doanh.

Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp thể hiện rõ ở giá trị sản xuất trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm dần về tỷ trọng, từ 56,5% năm 1985 xuống 50,4% năm 1995. Điều này không có nghĩa sản xuất của doanh nghiệp nhà nước co lại, mà là biểu hiện của sự “bung” ra của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khá cao trong những năm đầu Đổi mới, nhưng sau khi có sự tham gia của khu vực FDI đã giảm mạnh về tỷ trọng, từ 41,4% năm 1990 xuống còn 24,6% năm 1995.

Riêng khu vực FDI từ khi xuất hiện đã liên tục tăng trưởng ở mức cao, bình quân trên 23%/năm giai đoạn 1991 - 1995, đến 1995 đã vượt kinh tế tư nhân trong nước, chiếm 25,1% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Khu vực kinh tế này ngày càng có những đóng góp quan trọng vào sản xuất công nghiệp, mà chúng ta sẽ thấy rõ hơn ở giai đoạn sau, lên đến trên 44% vào năm 2010.

Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp khi xét về tốc độ tăng trưởng, khu vực Nhà nước và tư nhân trong nước có sự tăng trưởng đồng đều hơn trong suốt giai đoạn 1991 - 1995, bình quân trên 10%/năm, trong khi khu vực FDI tăng tốc mạnh những năm 1991, 1992 với trên 40%, sau đó giảm xuống trên 10% những năm 1993, 1994 và xuống dưới 10% năm 1995.

Phù hợp với thị trường

Một điểm tích cực nữa khi nói về chuyển dịch cơ cấu công nghiệp là hoạt động của khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh rất đa dạng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và thực phẩm, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng mà Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra.

Những sản phẩm mà các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có đóng góp nhiều nhất cho công nghiệp bao gồm nhiều chủng loại: quần áo may sẵn; giày, dép da, giày vải; gỗ xẻ; chiếu cói; thảm đay; vải màn sợi bông; khăn mặt, khăn tay; chè chế biến; gạo, ngô xay xát; dầu thực phẩm; sứ công nghiệp; nông cụ cầm tay; xe cải tiến; máy tuốt lúa không có động cơ; quạt điện…

Sản xuất công nghiệp trong khi tăng mạnh cũng chuyển dịch sang đầu tư sản xuất hàng công nghiệp chế biến, phù hợp với xu hướng thị trường và định hướng công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu. Điều này thể hiện rõ trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu.

Trong mấy năm đầu thực hiện Đổi mới, do hậu quả nặng nề nhiều năm của cơ chế bao cấp, nên khi thực sự chuyển sang kinh doanh trên thị trường, nhiều xí nghiệp công nghiệp quốc doanh lần đầu tiên phải đối mặt với những thử thách gay gắt: vốn liếng thiếu hụt, hàng hóa ứ đọng, lao động dôi dư, sản xuất đình đốn, không ít xí nghiệp phá sản… Nhưng sau đó, với bản lĩnh kiên cường, nhiều xí nghiệp đã phấn đấu vượt qua cơn khủng hoảng về thị trường và tiêu thụ để vực dậy vào cuối năm 1989.

Trong sự cạnh tranh đó, nhiều doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh năng động sáng tạo, phát triển tốt đã tạo nên bức tranh đa dạng với nhiều điểm sáng, góp phần tạo nên một cơ cấu kinh tế mới, đặt niềm tin vững chắc vào sự phát triển ổn định của một nền kinh tế có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, điển hình như Nhà máy Bột ngọt Tân Bình (VIFON), Nhà máy Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Công ty May Việt Tiến, Liên hiệp Thực phẩm vi sinh Hà Nội, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN),…

Sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong 10 năm Đổi mới đã bước đầu hình thành một cơ cấu công nghiệp tương đối hoàn chỉnh, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt công nghiệp gia đình đã hình thành và bước đầu phát triển. Công nghiệp hóa đã góp phần làm biến đổi bộ mặt đất nước. Các nhà máy đã mọc lên ở khắp các địa phương, kể cả ở miền núi, nơi mà trước đây chưa hề biết công nghiệp là gì. Trên đồng ruộng đã thấy dọc ngang hàng vạn cây số đường dây điện cao thế, hàng ngàn trạm bơm thủy lợi, các gia đình đã dùng điện trong sản xuất và sinh hoạt phổ biến. Công nghiệp nặng đã chế tạo được máy động lực, máy công cụ, thiết bị lẻ và một số thiết bị toàn bộ cỡ nhỏ trang bị cho các ngành kinh tế quốc dân. Công nghiệp nhẹ đã sản xuất được nhiều mặt hàng tiêu dùng phục vụ cho đời sống và xuất khẩu. Một đội ngũ lao động, công nhân và cán bộ khoa học - kỹ thuật công nghiệp trên 3 triệu người đã được đào tạo bồi dưỡng khá tốt…

Đào Mạnh Đức