Cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ thông qua sàn giao dịch OFT

Sàn giao dịch nông sản OFT có thể là “cửa ngõ” đón các sản phẩm, trái cây nhiệt đới của Việt Nam vào thị trường Bắc Mỹ nếu đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.

Sàn giao dịch OFT “cửa ngõ” cho nông sản Việt vào thị trường Bắc Mỹ

Vừa qua, giới chức tỉnh bang Ontario, Canada đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, bà Lisa Thompson - Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn tỉnh bang Ontario (Canada) đã giới thiệu Sàn giao dịch nông sản Ontario Food Terminal (OFT) đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ thông qua sàn giao dịch OFT
Sàn giao dịch nông sản OFT là nơi kết nối trực tiếp giữa các nhà xuất, nhập khẩu, trong đó phía nhập khẩu luôn sẵn sàng hỗ trợ về thủ tục để đưa hàng hóa vào Canada

Sàn giao dịch nông sản OFT là sàn giao dịch nông sản lớn thứ ba khu vực Bắc Mỹ sau sàn giao dịch Los Angeles và Chicago (Hoa Kỳ) khi tính về khối lượng giao dịch phân phối sản phẩm. Đây cũng là trung tâm phân phối bán buôn các sản phẩm nông nghiệp và trái cây lớn nhất Canada với lượng hàng hoá được giao dịch qua sàn này lên tới hơn 1 triệu tấn mỗi năm.

Sàn giao dịch nông sản OFT là nơi kết nối trực tiếp giữa các nhà xuất, nhập khẩu, trong đó phía nhập khẩu luôn sẵn sàng hỗ trợ về thủ tục để đưa hàng hóa vào Canada, theo chia sẻ của bà Lisa Thompson.

Đây được xem là một kênh tiêu thụ, phân phối hàng hoá tiềm năng để các sản phẩm nông sản, đặc biệt là trái cây nhiệt đới, của Việt Nam thâm nhập sâu, hiệu quả vào thị trường Canada nói riêng, thị trường Bắc Mỹ nói chung.

Sàn giao dịch OFT “cửa ngõ” đón nông sản Việt Nam vào Bắc Mỹ
Các kệ hàng mẫu trong khu kho hàng lạnh của sàn giao dịch nông sản OFT ở Canada.

Đặc biệt là trong bối cảnh Canada - Việt Nam khai thác hiệu quả CPTPP, trong năm 2022, trao đổi thương mại giữa hai nước lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2021. Hiện tại, Canada là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Châu Mỹ.

Trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Canada là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khối G7, duy trì được tăng trưởng việc làm, khống chế được lạm phát, nhờ đó nhu cầu nhập khẩu của địa bàn vẫn được duy trì ở mức cao.

Theo số liệu của Canada, xuất khẩu của Việt Nam sang nước này vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong ASEAN sang địa bàn. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%. Da giày ghi nhận tốc độ tăng trưởng tới 122% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nông sản cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, ở cả nhóm rau củ quả, gia vị và gạo. Gỗ nội thất cũng có xu hướng phục hồi so với 2022.

Cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ thông qua sàn giao dịch OFT
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Việt Nam đang có nhiều lợi thế tăng cường hợp tác thương mại với Canada

Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Việt Nam đang có nhiều lợi thế tăng cường hợp tác thương mại với Canada, về tiềm năng phát triển thị trường và kết nối chuỗi sản xuất giữa hai nền kinh tế có nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó thị trường nhu cầu tiêu dùng cao và có tốc độ nhập khẩu cao. Chính phủ và doanh nghiệp Canada nhận thức rất rõ nhu cầu dịch chuyển sản xuất trong bối cảnh quan hệ giữa Canada và Trung Quốc gia tăng...

Đặc biệt, với lợi thế cạnh tranh từ những ưu đãi mà Hiệp định CPTPP mang lại, các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm và có sự nhận biết tốt hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam. Trong chiến lược mua hàng của bạn thì Việt Nam đang nổi lên mạnh mẽ nhờ tính ổn định, có thể dự báo và giá thành phù hợp.

Cả Việt Nam và Canada đều là thành viên của CPTPP, APEC..., đặc biệt giữa hai nước đã sớm thiết lập Cơ chế Ủy ban hỗn hợp về kinh tế để trao đổi định kỳ các vấn đề và triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại.

"Gần đây giữa hai nước bắt đầu hợp tác vận hành tuyến vận tải tàu container lớn chạy thẳng Hải Phòng - Vancouver rút ngắn thời gian vận chuyển giảm xuống còn 17 ngày, giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết.

Sàn giao dịch OFT mô hình phân phối nông sản cho Việt Nam

Sàn giao dịch nông sản OFT của tỉnh bang Ontario được đánh giá là một mô hình sàn giao dịch hàng hoá điển hình để Việt Nam nghiên cứu triển khai trong tương lai.

Sàn giao dịch này gồm hai khu cho thuê riêng biệt: Khu chợ của khoảng hơn 400 hộ nông dân buôn bán trực tiếp và Khu kho lạnh gồm 20 nhà kho dành cho các đầu mối bán buôn. Các giao dịch tại đây đều được công khai, minh bạch, tạo nền tảng giúp các sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn vừa có thể được sử dụng trong Canada vừa có thể xuất khẩu tiếp sang các địa phương khác của Canada cũng như sang nước thứ ba như Hoa Kỳ. 

Cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ thông qua sàn giao dịch OFT
Sàn giao dịch nông sản OFT của tỉnh bang Ontario được đánh giá là một mô hình sàn giao dịch hàng hoá điển hình để Việt Nam nghiên cứu triển khai trong tương lai.

Sàn giao dịch không mở cửa cho công chúng như kiểu chợ đầu mối và được hoạt động dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Hội đồng quản trị do Cơ quan Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn tỉnh bang Ontario thành lập. Thương nhân buôn bán tại sàn giao dịch này đều phải đóng phí hàng năm khoảng 2.000 CAD (1.496 USD) mỗi người, và tiền thuê kho bãi.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: đây là một kiểu mô hình nhà nước hỗ trợ, nhưng để cộng đồng doanh nghiệp tự quản trị và điều hành thông qua một hội đồng quản trị là những người trực tiếp vận hành sàn giao dịch.

Có thể hiểu đây là mô hình tự quản và hoạt động trên cơ sở là một doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch không chỉ vì lợi nhuận mà còn phục vụ việc buôn bán của những người tham gia.

Hội đồng quản trị của sàn giao dịch hiện có 45 thành viên và hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày. Cả những người điều hành và sàn giao dịch này không được hưởng lương ngân sách từ chính quyền, tất cả chi phí cho hạ tầng cũng như cho con người đều do các khoản phí đóng hàng năm của những người buôn bán tại đây.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, sàn giao dịch nông sản OFT là mô hình hay đáng học hỏi, vừa phát huy được vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện nhưng không làm thay hay có sự can thiệp của nhà nước. Sàn phát huy được sự chủ động, kinh nghiệm quản trị điều hành của lĩnh vực tư nhân. Đây là một mô hình kinh doanh, nhưng không thuần túy chạy theo lợi nhuận mà còn quy trở lại phục vụ lợi ích của chính những người tham gia vào sàn giao dịch này.

Sàn giao dịch OFT “cửa ngõ” đón nông sản Việt Nam vào Bắc Mỹ
Khu chợ ngoài trời tại Sàn giao dịch nông sản OFT ở Canada. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa hàng hoá vào sàn giao dịch OFT, ông Lino Vittorio, Giám đốc điều hành nhà phân phối sản phẩm nhập khẩu Johnvince, để nhập khẩu vào đây, doanh nghiệp sẽ phải cần phải tuân thủ nhiều quy định liên quan và làm việc với nhiều cơ quan khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường tại đây. Johnvince là một trong những doanh nghiệp đang phân phối hàng hoá qua sàn giao dịch OFT. 

Theo ông Lino Vittorio, để hàng hoá Việt Nam thâm nhập được vào sàn giao dịch OFT, các sản phẩm được tiêu thụ đều phải đạt chuẩn mực về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy cách, mẫu mã hay đóng gói và bao bì. Đồng thời, các sản phẩm cần phải đảm bảo giữ được độ tươi ngon, do đó doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào khâu vận chuyển và bảo quản lạnh nhằm đảm bảo giữ chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất khi phân phối đến người tiêu dùng. Johnvince hiện đang nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam và đang nghiên cứu mở rộng sang các mặt hàng: thanh long, xoài... thời gian tới. 

Huyền My